Thông tư 01-TTg/TT năm 1957 về việc tiến hành công tác xét trả lại tự do cho những người bị oan trong bước 3 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 01-TTg/TT
Ngày ban hành 01/01/1957
Ngày có hiệu lực 15/01/1957
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Kế Toại
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-TTg/TT

Hà Nội, ngày 01 tháng 1 năm 1957

 

THÔNG TƯ

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 01-TTG/TT NGÀY 1-1-1957 VỀ VIỆC TIẾN HÀNH CÔNG TÁC XÉT TRẢ LẠI TỰ DO CHO NHỮNG NGƯỜI BỊ OAN TRONG BƯỚC 3

Kính gửi: Uỷ ban hành chính các liên khu, khu, thành phố và các tỉnh

Trong bước 3 sắp tới, số người phải xét trả lại tự do cũng còn nhiều; trong số này có một số người ở bước 1và bước 2 còn sót lại.

Những người cần xét trong bước 3, thành phần rất phức tạp: đa số là địa chủ, có người có tội trước Cách mạng Tháng Tám, có người làm ngụy quân, ngụy quyền, có tội ác trong thời gian kháng chiến bị kết án về tội hình và hộ.

Do tính chất phức tạp như trên, nên việc xét trả lại tự do trong bước 3 sẽ có nhiều khó khăn, cần nắm vững phương châm không tha lầm một kẻ có tội và không giữ lại một người bị oan và phải tiến hành một cách thận trọng. Cần nhận thức rõ nếu tha lầm người có tội, sẽ gây ảnh hưởng chính trị xấu trong nhân dân và có nhiều hậu quả tai hại: sẽ làm cho quần chúng không phân biệt ranh giới giữa ta địch; sẽ gây nhiều khó khăn trong việc ổn định tình hình, giữ gìn trật tự trị an và còn ảnh hưởng lâu dài trong việc củng cố miền Bắc, trong cuộc đấu tranh cách mạng tiến lên xã hội chủ nghĩa sau này.

I- TIÊU CHUẨN, CHÍNH SÁCH, THỦ TỤC XÉT TRONG BƯỚC 3:

1. Tiêu chuẩn xét trả lại tự do cho những người bị xử trí oan trong bước 3

Ngoài việc phải tiếp tục xét trả lại tự do cho những người thuộc tiêu chuẩn bước 1, bước 2 còn sót lại, trong bước 3 sẽ trả lại tự do cho những người thuộc nông dân lao động bị quy sai là địa chủ và bị kết luận sai là phản động và địa chủ kháng chiến hoặc địa chủ thường bị kết luận sai là phản động hoặc phá hoại hiện hành đã bị bắt giam (Thông tư số 5983-P1 của Thủ tướng phủ).

Trong khi tiến hành bước 1, bước 2 có một số trường hợp cần để xem xét tiếp bước 3. Do đó những người cần được xét trả lại tự do trong bước 3 gồm những trường hợp cụ thể như sau:

a) Những người thuộc thành phần nhân dân lao động, phú nông bị quy sai là địa chủ và kết luận oan là phản động hoặc bị kết án về tội cường hào gian ác.

b) Những người thuộc thành phần nông dân lao động trước đây là ngụy quân, ngụy quyền, bị quy sai là cường hào gian ác cá biệt hoặc phần tử phản cách mạng hiện hành; nay xét những tội ấy không đáng trừng trị.

c) Những địa chủ kháng chiến, địa chủ thường bị kết án oan về tội phản động hoặc tội phá hoại hiện hành, hoặc bị kết án oan về tội cường hào gian ác, nay thấy rõ ràng là oan (để phân biệt rõ địa chủ cường hào gian ác thì cần nghiên cứu bản điều lệ số 472-TTg ngày 1-3-1955 và thông tư bổ sung số 1196-TTg ngày 28-12-1956 của Thủ tướng phủ đã quy định rõ thế nào là địa chủ cường hào gian ác.

d) Từng lớp trên ở miền núi (thổ ty, lang đạo, thống lý, quan mán) bị kết tội oan về cường hào gian ác, về phản động trước cải cách ruộng đất hay trong cuộc vận động lập Khu tự trị.

e) Những người hoặc là cán bộ, bộ đội hoặc là gia đình cán bộ bộ đội, thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, với kháng chiến, đáng lẽ được xét trong bước 1 nhưng có tội và quần chúng đòi phải trừng trị, nên phải để lại xét trong bước 3 .

Tóm lại: trong bước 3 ta phải xét lại tất cả những người bị kết án sai là phản động hay phá hoại hiện hành hay kết án sai về tội cường hào gian ác trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức vận động lập Khu tự trị; người nào đúng là cường hào gian ác, và phản động hay phá hoại hiện hành thì không xét trả lại tự do; còn việc ân giảm, ân xá thì xem xét sau.

2. Chính sách xử lý đối với một số loại xét trong bước 3

a) Đối với những người thực sự là oan, toà án xét lại, huỷ bỏ bản án cũ, trao lại tự do cho người bị kết án oan.

b) Đối với những người có ít tội, nhưng tội không đáng trừng trị thì toà án cũng xét lại, cải án và miễn tố cho can phạm.

c) Đối với những người có tội tương đối nặng hơn trường hợp trên, nhưng xét có thể khoan hồng và những người thực sự có tội, đáng xử nhẹ, nhưng đã xử quá nặng thì cũng cải án để phóng thích (Những trường hợp xử nặng ít nhiều, như đáng 5 năm xử 10 năm, 15 năm ... thì sẽ xét hoặc ân giảm, ân xá trong một dịp khác).

d) Đối với những người có phạm những tội trước Cách mạng Tháng Tám, cần căn cứ vào nguyên tắc tội trước cách mạng nhẹ hơn tội sau cách mạng mà xử trí khoan hồng. Trong loại này, cần phân biệt:

- Đối với nhân dân lao động có những tội trước Cách mạng Tháng Tám mà bị kết án tù thì nay coi những tội đó không đáng trừng trị, toà án huỷ bỏ bản án cũ và trả lại tự do

- Đối với địa chủ phạm tội ác trước Cách mạng nhưng không nặng lắm và từ khi cách mạng thành công đến nay đã biết tuân theo pháp luật, không có những hành động chống phá chính sách gì thì coi như tội đó không đáng trừng trị và cho ân xá.

Trường hợp cá biệt, tuy sau cách mạng không có tội, nhưng tội trước cách mạng quá nặng (nhiều nợ máu nhân dân, oán ghét và tha thiết yêu cầu trừng trị) thì dù là nông dân hay địa chủ cũng phải giữ lại.

đ) Đối với những người phạm tội trong thời kỳ tạm chiếm theo Sắc lệnh số 218/SL ngày 1-10-1954 nói về "không trừng phạt những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh thì nói chung đối với những người đã bị kết án về tội việt gian, phản động, làm tề, ngụy ... đều được khoan hồng và tha. Nhưng đối với những tên dựa vào thế lực địch, phạm những tội ác nghiêm trọng và nhân dân oán ghét, yêu cầu trừng trị thì giữ lại, vì chúng đã phạm vào tội hình sự như đốt nhà hay cướp của, giết người.

3. Phương pháp xác minh lại tội trạng

Việc tiến hành xết bước 3 lần này cần lồng vào công tác bước 2 của kế hoạch sửa sai toàn diện mà xác minh lại thành phần, điều tra thu thập tài liệu, xác minh các tội trạng, cũng như thực hiện việc công bố ở xã và giải quyết các vấn đề về quyền lợi chính trị, kinh tế cho những người được xét trả lại tự do trong bước 3.

Công tác điều tra xác minh là do uỷ ban hành chính xã (đã được kiện toàn theo kế hoạch sửa sai toàn diện ), nhưng cần có sự hướng dẫn, theo dõi chặt chẽ của toà án, ty công an tỉnh. Các cấp tư pháp và công an liên khu và tỉnh, cần có kế hoạch cụ thể giúp đỡ cho ủy ban hành chính huyện, xã trong việc này.

[...]