Thông tư 01/2002/TT-BXD hướng dẫn thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng thiết kế - cung ứng vật tư, thiết bị - xây dựng (EPC) do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 01/2002/TT-BXD
Ngày ban hành 07/01/2002
Ngày có hiệu lực 22/01/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Mạnh Kiểm
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2002/TT-BXD

Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA XÂY DỰNG SỐ 01/2002/TT-BXD NGÀY 07 THÁNG 01 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN DỰ ÁN THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG THIẾT KẾ - CUNG ỨNG VẬT TƯ, THIẾT BỊ - XÂY DỰNG (EPC)

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 15/CP ngày 4/3/1994 của Chính phủ, Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng Thiết kế - Cung ứng vật tư, thiết bị - Xây dựng (Hợp đồng chìa khoá trao tay) được quy định tại Điều 62 của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1/ Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện hình thức Hợp đồng Thiết kế-Cung ứng vật tư, thiết bị - Xây dựng đối với các dự án, gói thầu sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư phát triển của Doanh nghiệp Nhà nước đã được phê duyệt về hình thức thực hiện Hợp đồng Thiết kế - Cung ứng vật tư, thiết bị - Xây dựng trong quyết định đầu tư (đối với dự án) hoặc trong kế hoạch đấu thầu (đối với gói thầu).

2/ Những dự án, gói thầu thực hiện theo hình thức Hợp đồng Thiết kế-Cung ứng vật tư, thiết bị - Xây dựng bằng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài hoặc bằng các nguồn vốn khác thì có thể vận dụng các quy định hướng dẫn tại Thông tư này kết hợp với quy định hay thoả thuận của tổ chức cung cấp vốn.

3/ Giải thích từ ngữ

3.1 Hợp đồng Thiết kế - Cung ứng vật tư, thiết bị - Xây dựng (viết tắt theo tiếng Anh là Hợp đồng EPC) hay Hợp đồng chìa khoá trao tay là sự thoả thuận bằng văn bản được ký kết giữa Chủ đầu tư dự án với một Nhà thầu hoặc một liên danh Nhà thầu (được gọi chung là Tổng thầu EPC) để thực hiện các công việc về thiết kế - cung cấp vật tư, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật - xây dụng và lắp đặt của một dự án hay của một gói thầu.

3.2 Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư là tài liệu do Chủ đầu tư soạn thảo để tiếp tục làm rõ và định hướng cụ thể đối với những nội dung, yêu cầu chủ yếu

của dự án đã nêu trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi được duyệt.

Nội dung Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư phải đầy đủ và rõ ràng để Nhà thầu có thể xác định được phạm vi công việc, dự tính khối lượng công tác và giá cả để ký kết Hợp đồng EPC.

3.3 Kế hoạch thanh toán: là tài liệu xác định tổng giá trị thanh toán của Hợp đồng EPC có phân chia theo số lần thanh toán hoặc giai đoạn thanh toán (tháng, quý, năm) phù hợp với tiến độ và khối lượng thực hiện các công việc của hợp đồng.

Kế hoạch thanh toán do Tổng thầu EPC lập và được Chủ đầu tư chấp thuận để làm cơ sở tạm ứng vốn và thanh toán khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng.

3.4 Tư vấn của Chủ đầu tư: là tổ chức tư vấn do Chủ đầu tư lựa chọn để thực hiện một số công việc như: chuẩn bị hợp đồng, lập Thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán và Hồ sơ mời thầu (nếu cần), giám sát quá trình thực hiện hợp đồng, cấp Chứng chỉ sử dụng công trình (nếu có) và các công việc tư vấn khác theo yêu cầu của Chủ đầu tư.

3.5 Nhà thầu phụ: là Nhà thầu về tư vấn, khảo sát, thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị và dịch vụ kỹ thuật, xây lắp trực tiếp ký kết Hợp đồng thầu phụ với Tổng thầu EPC.

3.6 Hợp đồng thầu phụ: là hợp đồng ký kết giữa Tổng thầu EPC với một Nhà thầu phụ để thực hiện một phần công việc của Tổng thầu EPC trong Hợp đồng EPC.

II- MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG EPC

1/ Chuẩn bị Hợp đồng EPC

Để thực hiện dự án, gói thầu theo hình thức Hợp đồng EPC, Chủ đầu tư dự án cần phải làm một số công việc chuẩn bị sau đây:

1.1 Lập Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư

Căn cứ nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổng mức đầu tư của dự án được duyệt, Chủ đầu tư lập Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư với những nội dung:

a/ Yêu cầu của dự án, gói thầu về quy mô công suất, năng lực khai thác sử dụng; mức độ áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành; yêu cầu về các giải pháp kỹ thuật - công nghệ - thương mại; các chỉ dẫn kỹ thuật đối với vật tư, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật, nguyên vật liệu cần được cung ứng cho dự án, gói thầu; yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp đối với Nhà thầu.

b/ Thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt; những yêu cầu cụ thể về kiến trúc và các thông số thiết kế ban đầu cũng như các quy phạm, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng trong thiết kế và xây dựng; điều kiện tự nhiên của khu vực địa điểm xây dựng; các yêu cầu về quản lý chất lượng, thử nghiệm, vận hành chạy thử và bảo trì công trình;

c/ Phạm vi công việc và kế hoạch tiến độ thực hiện bao gồm: phân định việc cung cấp các máy móc, vật tư, thiết bị, cấp điện, cấp nước, đường giao thông, thông tin liên lạc đến địa điểm xây dựng; các chỉ dẫn về nguồn cung cấp vật liệu tại chỗ; vị trí địa điểm bố trí các công trình phụ trợ; các mốc thời gian thực hiện những công việc chủ yếu;

d/ Dự kiến chi phí thực hiện dự án, gói thầu EPC;

e/ Thông tin liên quan đến các thủ tục phê duyệt; số lượng các loại hồ sơ, tài liệu phải nộp; chi tiết về vị trí địa điểm xây dựng; bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ và những vấn đề khác.

Nội dung Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư là một bộ phận của Hồ sơ mời thầu EPC.

1.2 Chuẩn bị tài liệu thiết kế để giao thầu EPC; lập, thẩm định và phê duyệt Thiết kế kỹ thuật.

[...]