Thông tri 02/TTr-MTTW-BTT năm 2015 về Quy định và hướng dẫn việc tổ chức tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành

Số hiệu 02/TTr-MTTW-BTT
Ngày ban hành 12/02/2015
Ngày có hiệu lực 01/03/2015
Loại văn bản Thông tri
Cơ quan ban hành Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Người ký Vũ Trọng Kim
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
BAN THƯỜNG TRỰC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/TTr-MTTW-BTT

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2015

 

THÔNG TRI

QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN VÀ XỬ LÝ ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP

Theo quy định của Luật tiếp công dân; Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản pháp luật liên quan; thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 01/CTPH-TTCP-BTTUBTWMTTQVN ngày 25/11/2014 giữa Thanh tra Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lĩnh vực tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định việc tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hướng dẫn việc tiếp công dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương như sau:

I. TIẾP CÔNG DÂN

1. Trách nhiệm của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp

1.1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc mỗi cấp cần bố trí nơi tiếp công dân tại địa điểm thuận tiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương; cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tùy theo từng điều kiện cụ thể, có thể bố trí địa điểm tiếp công dân riêng hoặc xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan hữu quan cùng cấp trong lĩnh vực tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để cùng tổ chức tiếp công dân tại một địa điểm, trong đó xác định đối tượng, nội dung, phạm vi và cách thức phối hợp việc tổ chức tiếp công dân và xử lý đơn thư giữa các bên.

1.2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có trách nhiệm ban hành nội quy tiếp công dân, lịch tiếp công dân. Nội quy tiếp công dân ghi rõ trách nhiệm của người tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tại nơi tiếp công dân phải niêm yết lịch tiếp công dân và nội quy tiếp công dân.

Tùy theo tình hình cụ thể của mỗi địa phương mà Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp bố trí thời gian tiếp công dân phù hợp.

1.3. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp bố trí người tiếp công dân phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ pháp lý nhất định và có kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân.

2. Trang phục, thái độ, trách nhiệm của người tiếp công dân

Khi tiếp công dân người tiếp công dân phải bảo đảm các yêu cầu sau:

2.1. Trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức hoặc phù hiệu theo quy định.

2.2. Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

2.3. Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

3. Quy trình tiếp công dân

3.1. Xác định tính hợp pháp của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

a) Khi tiếp công dân, người tiếp công dân yêu cầu người đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có) và các giấy tờ cần thiết khác. Nếu công dân không vi phạm Điều 9 của Luật tiếp công dân thì người tiếp công dân tiến hành việc tiếp công dân.

b) Người tiếp công dân phải giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo trừ khi người tố cáo đồng ý công khai.

3.2. Từ chối tiếp công dân

Người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp công dân khi công dân vi phạm các quy định tại Điều 9 của Luật tiếp công dân. Trong trường hợp từ chối, người tiếp công dân phải giải thích cho công dân hiểu, khi cần thiết phải lập biên bản từ chối tiếp công dân và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật hoặc báo cáo lãnh đạo ban, đơn vị để tham mưu cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ra thông báo về việc từ chối tiếp công dân. Thông báo từ chối tiếp công dân thực hiện theo Mẫu số 01-TCD ban hành kèm theo Thông tri này.

3.3. Tiếp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung

a) Khi có nhiều người cùng đến để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì người tiếp công dân yêu cầu những người này cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trường hợp có từ 5 đến 10 người thì cử một hoặc hai người đại diện; trường hợp có trên 10 người thì có thể cử thêm người đại diện nhưng không quá 5 người.

b) Trong trường hợp cần thiết, đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có trách nhiệm trực tiếp tiếp hoặc ủy quyền cho người có đủ điều kiện tiếp đại diện của những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

3.4. Nghe, ghi chép, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, thông tin, tài liệu, bằng chứng do công dân cung cấp

a) Khi người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có đơn trình bày nội dung rõ ràng, đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật khiếu nại; khoản 2 Điều 19 của Luật tố cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân cần xác định nội dung vụ việc, yêu cầu của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xử lý cho phù hợp.

b) Trường hợp công dân không có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn theo quy định của pháp luật. Nếu công dân trình bày trực tiếp thì người tiếp công dân ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung do công dân trình bày; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị công dân trình bày thêm, sau đó đọc lại cho người trình bày nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào đơn.

c) Trường hợp công dân gửi đơn có cả nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành từng loại đơn riêng theo đúng quy định của pháp luật.

[...]