Thông báo hiệu lực của Nghị định thư sửa đổi và thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt nam - Trung Hoa

Số hiệu 19/2012/TB-LPQT
Ngày ban hành 11/10/2011
Ngày có hiệu lực 17/02/2012
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Đinh La Thăng,Lý Thịnh Lâm
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 19/2012/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2012

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ký tại Bắc Kinh ngày 11 tháng 10 năm 2011, có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 02 năm 2012.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao 02 Nghị định thư theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Thị Tuyết Mai

 

NGHỊ ĐỊNH THƯ

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA VỀ VIỆC SỬA ĐỔI HIỆP ĐỊNH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi tắt là “hai Bên ký kết”);

Hai Bên ký kết, thông qua hiệp thương hữu nghị, đã thống nhất sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 22 tháng 11 năm 1994 (dưới đây gọi tắt là “Hiệp định”) như sau:

Điều 1. Điều 1 của Hiệp định được sửa đổi thành:

“1. Hai Bên ký kết đồng ý tiến hành vận chuyển hàng hóa và hành khách (kể cả khách du lịch) qua lại giữa hai nước theo đường bộ qua các cửa khẩu biên giới đã được mở và được hai Bên thỏa thuận.

Việc vận chuyển này do các doanh nghiệp vận tải của hai nước được phép thành lập theo pháp luật của nước mình và thực hiện bằng phương tiện vận tải đường bộ đã được đăng ký tại Việt Nam hay Trung Quốc.

2. Hai Bên ký kết đồng ý cho phép xe công vụ của hai nước được hoạt động qua lại giữa hai nước theo đường bộ qua các cửa khẩu biên giới đã được mở và được hai Bên thỏa thuận”.

Điều 2. Khoản 1 Điều 2 của Hiệp định được sửa đổi thành:

“1. Cơ quan quản lý có thẩm quyền:

Phía Việt Nam là Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ quan quản lý được Bộ ủy quyền.

Phía Trung Quốc là Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và cơ quan được Bộ ủy quyền”.

Điều 3. Điều 3 của Hiệp định được sửa đổi thành:

“Việc vận chuyển quy định tại Điều 1 của Hiệp định này bao gồm cả vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa định kỳ cũng như không định kỳ giữa hai nước. Những doanh nghiệp của hai nước có khả năng vận chuyển đường bộ quốc tế, trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, cùng với đối tác của Bên ký kết kia khai thác, kinh doanh vận tải theo phương thức chạy suốt từ điểm đến điểm. Các vấn đề cụ thể như hình thức tổ chức vận tải, tuyến đường, cước phí v.v. trước khi thực hiện phải được cơ quan có thẩm quyền của hai bên chấp thuận’.

Điều 4. Khoản 1 Điều 5 của Hiệp định được sửa đổi thành:

“1. Phương tiện vận tải đường bộ khi vận chuyển hàng hóa, hành khách (kể cả khách du lịch) và xe công vụ của Bên ký kết này khi hoạt động trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phải tuân thủ pháp luật và quy định về vận tải đường bộ của nước đó”.

Điều 5. Khoản 1 Điều 9 của Hiệp định được sửa đổi thành:

“1. Người lái xe vận chuyển hàng hóa, hành khách (kể cả khách du lịch) và xe công vụ qua lại giữa hai nước phải có giấy phép lái xe quốc gia phù hợp với loại xe mà mình đang sử dụng theo đúng giấy chứng nhận đăng ký xe của nước mình”.

Điều 6. Điều 13 của Hiệp định được sửa đổi thành:

“Doanh nghiệp vận tải hoặc cơ quan quản lý xe công vụ phải mua bảo hiểm bắt buộc với người thứ 3 đối với phương tiện vận tải đường bộ vận chuyển hàng hóa, hành khách và xe công vụ theo Hiệp định này”.

[...]