Thông báo hiệu lực Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Đông U-ru-goay

Số hiệu 49/2011/TB-LPQT
Ngày ban hành 12/05/2009
Ngày có hiệu lực 12/05/2009
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Chính phủ nước Cộng hòa Đông U-ru-goay
Người ký Nguyễn Đức Hoà,Pedro Vuz
Lĩnh vực Đầu tư

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 49/2011/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2011

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Đông U-ru-goay về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, ký tại Montevideo ngày 12 tháng 5 năm 2009, có hiệu lực kể từ ngày 09 tháng 9 năm 2011, theo các Công hàm số 65/VN-2009 ngày 29/7/2009 của phía Việt Nam, Công hàm số 006/011 GP/JPS/amt ngày 10/8/2011 của phía Đông U-ru-goay và quy định tại Điều 12 của Hiệp định.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao lục Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ




Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA ĐÔNG URUGUAY VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Đông Uruguay (sau đây gọi là “các Bên Ký kết”),

Mong muốn tạo các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hợp tác kinh tế giữa hai Bên Ký kết và cụ thể là cho đầu tư của nhà đầu tư của một Bên Ký kết này trên lãnh thổ của Bên Ký kết kia;

Thừa nhận rằng việc khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau sẽ có lợi cho việc thúc đẩy sáng kiến kinh doanh và tăng cường sự thịnh vượng ở cả hai Bên Ký kết;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Các định nghĩa

Với mục đích của Hiệp định này:

1. Thuật ngữ “đầu tư” có nghĩa là các loại tài sản trên lãnh thổ của một Bên Ký kết do nhà đầu tư của Bên Ký kết kia đầu tư phù hợp với pháp luật của Bên Ký kết chủ nhà, cụ thể nhưng không chỉ là:

(a) cổ phần, cổ phiếu của công ty, và các hình thức góp vốn khác, và trái phiếu, giấy nhận nợ, và các hình thức vay nợ khác trong công ty, và các khoản nợ và khoản vay khác và các giấy tờ có giá do nhà đầu tư của một Bên Ký kết phát hành;

(b) các quyền đòi tiền và quyền đối với bất kỳ tài sản khác hoặc việc thực hiện theo hợp đồng có giá trị kinh tế;

(c) các quyền về sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền tác giả, nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, kiểu dáng và mẫu công nghiệp và quy trình công nghệ, bí quyết, bí mật kinh doanh, tên thương mại và uy tín kinh doanh;

(d) bất kỳ quyền nào theo luật, theo hợp đồng hoặc có được từ bất kỳ giấy phép hoặc sự cho phép theo luật, bao gồm quyền tìm kiếm, thăm dò, khai thác hoặc sử dụng tài nguyên thiên nhiên;

(e) bất kỳ tài sản hữu hình hoặc vô hình, động sản hoặc bất động sản, và bất kỳ quyền về tài sản nào khác có liên quan, như cho thuê, thế chấp, thế nợ và cầm cố.

Nhưng đầu tư không bao gồm các quyền đòi tiền phát sinh thuần túy từ:

(f) hợp đồng bán hàng hóa hoặc dịch vụ của một thể nhân hoặc doanh nghiệp trên lãnh thổ của một Bên Ký kết cho doanh nghiệp trên lãnh thổ của Bên Ký kết, hoặc

(g) việc cấp tín dụng liên quan đến một giao dịch thương mại, như tín dụng thương mại; hoặc

(h) bất kỳ quyền đòi tiền nào khác không liên quan đến các lợi ích nêu tại các điểm từ (a) đến (e) nêu trên.

Bất kỳ sự thay đổi nào về hình thức theo đó tài sản hoặc các quyền tài sản được đầu tư hoặc tái đầu tư sẽ không ảnh hưởng đến tính chất đầu tư, với điều kiện việc thay đổi này phù hợp với luật pháp của Bên Ký kết chủ nhà.

2. Thuật ngữ “nhà đầu tư” đối với một Bên Ký kết có nghĩa là:

[...]