Thông báo hiệu lực của Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Ô-xtơ-rây-li-a

Số hiệu 52/2014/TB-LPQT
Ngày ban hành 20/06/2013
Ngày có hiệu lực 28/07/2014
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Chính phủ Ôxtrâylia
Người ký Nguyễn Quân,Don Farrell
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2014/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2014

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a, ký tại Can-bê-ra ngày 20 tháng 6 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2014.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Biên bản theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

HỢP TÁC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ Ô-XTRÂY-LIA

Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ô-xtrây-lia (sau đây gọi là “các Bên);

NHẬN THẤY RẰNG hợp tác quốc tế trong khoa học và công nghệ sẽ tăng cường các mối quan hệ hữu nghị và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước và sẽ nâng cao trình độ khoa học và công nghệ vì lợi ích của cả hai quốc gia cũng như toàn thể nhân loại;

LƯU Ý đến Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Ô-xtrây-lia và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Hợp tác Khoa học và Công nghệ được các Bên ký tại Hà Nội vào ngày 28/9/1992 nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho sự hợp tác cùng có lợi về khoa học và công nghệ;

THỪA NHẬN Thỏa thuận “Đối tác toàn diện Việt Nam - Ô-xtrây-lia” mà các Bên ký tại Can-be-ra ngày 7/9/2009 thể hiện ý định thiết lập nền tảng hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công nghệ;

MONG MUỐN tiếp tục thúc đẩy các chính sách và cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển quốc gia cho khu vực nhà nước và tư nhân của mỗi nước;

XÉT THẤY hợp tác khoa học và công nghệ là một điều kiện quan trọng để phát triển nền kinh tế quốc dân;

DỰ ĐỊNH tăng cường hợp tác kinh tế thông qua các ứng dụng công nghệ tiên tiến và đặc thù; và

MONG MUỐN thiết lập hợp tác quốc tế năng động và hiệu quả giữa tất cả các tổ chức khoa học và cá nhân các nhà khoa học tại hai nước;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều I

Trong Hiệp định này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Vật liệu cơ sở” là những vật liệu được xây dựng ngoài phạm vi của Hiệp định này hoặc trước khi ký kết Hiệp định này do một trong các Tổ chức hợp tác cung cấp để sử dụng trong một Hoạt động hợp tác theo Hiệp định này.

2. “Thông tin bí mật” có cùng nghĩa với "Thông tin không được công bố" theo Điều 39.2 Mục 7 Phần II của Hiệp định về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền Sở hữu trí tuệ, được trình bày trong Phụ lục 1C của Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại thế giới làm tại Marrakesh ngày 15 tháng 4 năm 1994, và do vậy nó có nghĩa là thông tin:

a. bí mật với nghĩa là những người thường xuyên xử lý loại thông tin đó nói chung không biết đến hoặc không thể dễ dàng tiếp cận thông tin đó dưới dạng thông tin toàn bộ hoặc dưới dạng ghép nối theo trật tự chính xác mọi chi tiết của thông tin đó;

b. có giá trị thương mại vì có tính chất bí mật; và

c. được người kiểm soát hợp pháp thông tin đó giữ bí mật bằng những biện pháp phù hợp thực tế.

3. “Tổ chức hợp tác” là bất kỳ cơ quan chính phủ, trường đại học, trung tâm nghiên cứu hay các tổ chức khác hoặc doanh nghiệp được thành lập trong phạm vi lãnh thổ của mỗi Bên tham gia vào một Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này.

4. “Hoạt động hợp tác” là bất kỳ hoạt động nào được thực hiện hoặc được hỗ trợ bởi các Bên hay các Tổ chức hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này và chiếu theo một Thỏa thuận thi hành.

[...]