Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông báo hiệu lực của Hiệp định vận tải biển giữa Việt Nam và Tan-da-ni-a

Số hiệu 29/2015/TB-LPQT
Ngày ban hành 27/10/2014
Ngày có hiệu lực 14/07/2015
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hòa thống nhất Tan-za-ni-a,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Đinh La Thăng,Bernard K.Mambe
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2015/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2015

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo;

Hiệp định vận tải biển giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a, ký tại Hà Nội ngày 27 tháng 10 năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 7 năm 2015.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (để báo cáo);
- Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Phòng Công báo, Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Giao thông Vận tải
- Bộ Công Thương;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Ngoại giao: TACP;
- Lưu: LPQT (2).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Đức Hạnh

 

HIỆP ĐỊNH

VẬN TẢI BIỂN

GIỮA

CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA THỐNG NHẤT TAN-DA-NI-A

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a, sau đây được gọi là “Các Bên”,

Với mong muốn tăng cường và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi,

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1

Các định nghĩa

Trong Hiệp định này:

1. Thuật ngữ “Tàu của mỗi bên” được hiểu là:

(a) Bất kỳ tàu thương mại nào được đăng ký mang cờ quốc tịch của một Bên phù hợp với pháp luật và quy định của Bên đó và được sử dụng cho hoạt động vận tải biển thương mại hoặc là tàu huấn luyện hàng hải thương mại.

(b) Bất kỳ tàu thương mại nào được đăng ký mang cờ quốc tịch của một nước thứ ba và được một công ty vận tải biển của một trong các Bên khai thác hoặc thuê, bao gồm các tàu mà công ty đó sở hữu, khai thác hoặc thuê.

Thuật ngữ “Tàu của mỗi Bên” không bao gồm các tàu sau:

(i) Tàu chiến (như được định nghĩa tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982);

(ii) Tàu tham gia nghiên cứu khí tượng học, thủy văn học, hải dương học;

(iiii) Tàu cá;

(iv) Tàu phục vụ cho các hoạt động nghỉ ngơi giải trí;

(v) Tàu công vụ và tàu được sử dụng với các mục đích phi thương mại.

2. Thuật ngữ “thuyền viên” được hiểu là thuyền viên hoặc bất kỳ người nào được tuyển dụng làm việc trên tàu của một Bên và những người này có tên trong danh sách thuyền viên của tàu đó.

3. Thuật ngữ “hành khách” được hiểu là những người được vận chuyển trên tàu của một Bên trên cơ sở một hợp đồng vận chuyển và những người này có tên trong danh sách hành khách của tàu đó.

4. Thuật ngữ “cảng của một Bên” được hiểu là bất kỳ cảng biển thuộc lãnh thổ của một Bên và được Bên đó công bố là cảng sử dụng cho vận tải biển quốc tế.

5. Thuật ngữ “công ty vận tải biển” được hiểu là bất kỳ doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật của một Bên và tham gia hoạt động kinh doanh vận tải biển quốc tế.

[...]