Thông báo 9/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhiệm kỳ 2020-2024 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 9/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 14/01/2021 |
Ngày có hiệu lực | 14/01/2021 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2021 |
Ngày 05 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhiệm kỳ 2020 - 2024 (sau đây gọi là Hội đồng). Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
Sau khi nghe Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng báo cáo kết quả hoạt động của nhiệm kỳ 2015 - 2019 và các đề xuất kiến nghị, ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ và đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Về hoạt động của Hội đồng: Thủ tướng Chính phủ trân trọng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hội đồng trong nhiệm kỳ 2015 - 2019 vừa qua. Thời gian tới, Hội đồng cần thảo luận để thống nhất chủ trương: ngoài việc tiếp tục làm tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao như thẩm định Hồ sơ, làm tốt nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ (theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 1522/QĐ-TTg ngày 07 tháng 10 năm 2020); chủ động kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những vấn đề mới, quan trọng liên quan đến công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vật quốc gia, phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, giữ gìn và phát huy di sản văn hoá các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hoá trong tôn giáo, tín ngưỡng, để các di sản văn hóa thực sự trở thành nguồn lực phát triển đất nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch.
2. Về Luật Di sản văn hóa: Nên xem xét việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Hội đồng khẩn trương rà soát lại các quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về quản lý các di sản được UNESCO công nhận
a) Đề nghị Hội đồng thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
b) Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Đề án ban hành Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2030, trong đó làm rõ nguồn vốn thực hiện (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, huy động xã hội hoá, ODA...), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 02 năm 2021.
4. Về Bảo tàng lịch sử quốc gia: Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và các cơ quan liên quan báo cáo thực trạng và đề xuất phương án phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và tình hình thực tế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2021.
5. Về Dự án phục dựng Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long: Đây là Dự án có ý nghĩa lịch sử, đã được chỉ đạo nghiên cứu từ lâu nhưng tiến độ thực hiện chậm, còn nhiều lúng túng.
Yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị giải pháp đúng quy định.
6. Về việc lập hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới đối với Quần thể di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê
Căn cứ kết quả của Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hoá Óc Eo Nam Bộ)” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang lập hồ sơ đề cử di sản thế giới theo quy định của Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới và pháp luật về di sản văn hóa, trong đó lưu ý về tiêu chí, tính toàn vẹn, tính xác thực và yêu cầu về bảo vệ, quản lý đối với Quần thể di tích này.
7. Giao Hội đồng nghiên cứu, đề xuất phương án: (i) Xây dựng bộ công cụ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của các địa phương trên cả nước; (ii) Trưng bày bảo tàng bằng công nghệ số hóa, trước mắt thí điểm đối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |