Thông báo 8705/TB-BNN-VP năm 2014 ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 8705/TB-BNN-VP |
Ngày ban hành | 28/10/2014 |
Ngày có hiệu lực | 28/10/2014 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Trần Quốc Tuấn |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8705/TB-BNN-VP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP
Ngày 14 tháng 10 năm 2014, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo UBND của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đại diện các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam; các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT (Vụ Kế hoạch; Vụ Tài chính; các Tổng cục: Thủy sản; Thủy lợi; Lâm nghiệp; các Cục: Chăn nuôi; Trồng trọt, Chế biến NLTS và Nghề muối; Kinh tế hợp tác và PTNT); lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu và các cơ quan thông tấn báo chí.
Sau khi nghe báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT về tình hình thực hiện đổi mới, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản về thực trạng kinh tế hợp tác trong lĩnh vực chuyên ngành, báo cáo của một số hợp tác xã chuyên ngành tiêu biểu và ý kiến của các đại biểu tham dự, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận như sau:
1. Để thúc đẩy tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp cần có hợp tác xã (HTX) và các hình thức hợp tác, liên kết có hiệu quả. Nông dân cá thể tự mình luôn gặp nhiều rủi ro và có khả năng hạn chế đối phó với rủi ro, hoạt động có hiệu quả trong môi trường cạnh tranh gay gắt. Thực tế cho thấy mọi vùng, miền, lĩnh vực đều có mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết thành công như HTX bò sữa ở Sóc Trăng; HTX chăn nuôi Quý Hiền, Lào Cai; HTX cà phê EaKiết, Đắk Lắk; HTX lâm nghiệp Toàn Dân, Quảng Ninh;...
Hợp tác xã và các hình thức hợp tác, liên kết có thể đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân đồng thời đóng góp cho phát triển cộng đồng cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Để hợp tác xã, tổ hợp tác (THT), liên kết hoạt động có hiệu quả phải xuất phát từ điều kiện cụ thể và nhu cầu thực tế của nông dân. Do vậy, có thể có nhiều hình thức đa dạng, HTX, THT, tổ đoàn kết, hợp đồng liên kết không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Hợp tác xã tập trung làm những việc nông dân cá thể tự mình không làm được hoặc làm kém hiệu quả, khi hợp tác thì có lợi ích cao hơn, chủ yếu là phối hợp giao dịch thị trường (đầu vào, đầu ra), hướng dẫn và giám sát thực hiện các quy trình kỹ thuật, tổ chức dịch vụ kỹ thuật (bảo vệ thực vật, bơm nước, quản lý thủy nông, chế biến...).
Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả khi thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật, kể cả công nghệ cao, tổ chức liên kết với doanh nghiệp để cung ứng đầu vào, chế biến và tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra.
Để hợp tác xã và các hình thức hợp tác, liên kết hình thành và hoạt động có hiệu quả, cần có sự hỗ trợ của nhà nước phù hợp với từng loại hình như: giao cho thuê đất; cung cấp đủ tín dụng với cơ chế phù hợp với điều kiện của các HTX; hướng dẫn kỹ thuật cho các HTX, xã viên; quản lý tốt dịch bệnh, chất lượng vật tư đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (thủy lợi, điện...)
2. Nhằm thực hiện các nội dung trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành và địa phương tập trung giải quyết tốt một số nhiệm vụ sau đây:
a) Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và PTNT
- Xây dựng Nghị định về hợp tác xã nông nghiệp trình Chính phủ năm 2014.
- Các Tổng cục: Thủy sản, Thủy lợi, Lâm nghiệp; các Cục: Chăn nuôi, Trồng trọt, Chế biến NLTS và nghề muối, Kinh tế hợp tác và PTNT hướng dẫn và thành lập các loại hình HTX, THT phù hợp cho các chuyên ngành trong năm 2014-2015.
b) Đề nghị các Bộ, ngành xem xét kiến nghị của các hợp tác xã để có chính sách hỗ trợ phù hợp về tiếp cận tín dụng, hỗ trợ đất đai...
c) Các địa phương:
- Củng cố bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp: Các Sở Nông nghiệp và PTNT có bộ phận và cán bộ chuyên trách trong Chi cục Phát triển nông thôn để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp.
- Ở cấp huyện bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi HTX, THT.
- Đánh giá tình hình kinh tế hợp tác trên địa bàn, lựa chọn mô hình, đăng ký hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã; Tổ chức nghiên cứu học tập mô hình để nhân ra diện rộng, có bước đi vững chắc không chạy theo tiêu chí, lấy chất lượng, hiệu quả làm chính.
- Có kế hoạch đào tạo cán bộ hợp tác xã, hỗ trợ đào tạo xã viên.
- Thực hiện các chính sách, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho từng hợp tác xã.
Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị và các địa phương biết triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: |
TL. BỘ TRƯỞNG |