Thông báo số 79/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại Hội nghị toàn quốc về xuất khẩu lao động và chuyên gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 79/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 04/07/2000 |
Ngày có hiệu lực | 04/07/2000 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Trần Quốc Toản |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu,Lao động - Tiền lương |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 79/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2000 |
Trong hai ngày 08 và 09 tháng 6 năm 2000, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về xuất khẩu lao động. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, Ban của Đảng, ủy ban của Quốc hội, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Giám đốc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động.
Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo quan trọng.
Trong phiên họp bế mạc, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã phát biểu kết luận Hội nghị như sau :
Hội nghị toàn quốc về xuất khẩu lao động đã thành công tốt đẹp. Hội nghị đã đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện Chỉ thị số 41 của Bộ Chính trị và Nghị định số 152 của Chính phủ về công tác xuất khẩu lao động và thảo luận về phương hướng, cơ chế chính sách và những biện pháp cần thiết để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới. Khẳng định xuất khẩu lao động và chuyên gia là một hoạt động kinh tế - xã hội có ý nghĩa chiến lược, là nhu cầu khách quan của nền kinh tế nước ta, góp phần đáng kể vào việc phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao tay nghề cho người lao động, góp phần tăng thu cho đất nước và tăng cường hợp tác quốc tế.
Trong vài năm gần đây, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 41 của Bộ Chính trị, Nghị định số 152 của Chính phủ công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia có tiến bộ rõ rệt, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, tạo được đà cho sự phát triển trong thời kỳ tới :
1. Thị trường xuất khẩu lao động và chuyên gia đang dần được mở rộng ra nhiều nước, từ 12 nước năm 1992 đến 38 nước năm 1999; số lượng lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đang từng bước gia tăng, từ 1,3 vạn người năm 1996, tăng lên 2,2 vạn người năm 1999; số ngoại tệ do người lao động chuyển về nước ngày càng lớn. Riêng số lao động xuất khẩu từ năm 1996 đến nay đã gửi về bình quân 250 triệu USD/năm trong số khoảng 1 tỷ USD/năm tiền gửi về nước của lao động và chuyên gia Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
2. Công tác đào tạo nguồn lao động và chuyên gia để đi làm việc ở nước ngoài bước đầu được đặt ra và tổ chức thực hiện.
3. Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp quy để điều chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia; phân biệt ngày càng rõ hơn công tác quản lý Nhà nước và hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tạo ra cơ chế đã tương đối thông thoáng, đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động xuất khẩu lao động.
Chiến lược xuất khẩu lao động chưa được xác định thật rõ, đây là trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý; chất lượng lao động còn thấp; hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ; chưa có chính sách và biện pháp đầu tư chủ động mở thị trường; công tác đào tạo nguồn lao động và chuyên gia cho xuất khẩu chưa được coi trọng; công tác quản lý, tổ chức thực hiện xuất khẩu lao động còn có những yếu kém, bất cập và những tiêu cực... cần phải khẩn trương và kiên quyết khắc phục.
III. Về phương hướng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia :
Nước ta có tiềm năng lớn về lao động và chuyên gia, thị trường lao động trên thế giới mà ta có thể tiếp cận còn rộng mở, vì thế công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia trong thời gian tới cần phải chú trọng những vấn đề như sau :
1. Các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp phải đặt công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia đúng với vị trí và yêu cầu của nó đối với đất nước. Cần quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng tại Hội nghị này, phải coi vấn đề xuất khẩu lao động và chuyên gia là một trong các nhiệm vụ chính trị không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa xã hội to lớn, không chỉ có ý nghĩa trước mắt, mà còn có ý nghĩa lâu dài... để từ đó có kế hoạch và giải pháp thiết thực và hiệu quả.
2. Phải coi trọng việc duy trì và mở rộng trị trường xuất khẩu lao động và chuyên gia. Cần tổ chức tốt công tác tìm kiếm và khai thác thị trường xuất khẩu lao động. Các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài phải coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần chủ động và có sự phối hợp với đại diện của các công ty của Việt Nam tại nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Phấn đấu để đến năm 2005, ta có được 50 vạn và đến 2010 có tối thiểu 1 triệu lao động và chuyên gia làm việc ở nước ngoài.
3. Tăng cường quản lý vĩ mô về công tác xuất khẩu lao động. Tăng cường và đẩy mạnh công tác kiểm tra và thanh tra về xuất khẩu lao động. Các tỉnh, các ngành có số lượng lao động xuất khẩu lớn cần củng cố tổ chức và cơ chế quản lý xuất khẩu lao động. Khẩn trương củng cố và tăng cường năng lực các đơn vị làm công tác quản lý xuất khẩu lao động, nghiên cứu hình thành các tổ chức quản lý lao động ở nước ngoài.
4. Tiếp tục đổi mới hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia :
- Các đơn vị doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động cần ý thức rõ đây không phải là hoạt động kinh doanh thuần túy, chỉ vì lợi nhuận, mà còn là một nhiệm vụ xã hội lớn. Do đó phải tạo điều kiện thuận lợi và quan tâm đến lợi ích chính đáng của người lao động, bảo vệ lợi ích của người lao động.
- Về đối tượng đi xuất khẩu lao động : trước hết cần ưu tiên cho những người chưa có công ăn việc làm, nhất là ở nông thôn, người nghèo, các gia đình chính sách; số thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; đội ngũ chuyên gia...
- Đa dạng hóa thị trường và ngành nghề lao động. Khuyến khích lao động và chuyên gia làm việc trong các công trình nhận thầu ở nước ngoài.
- Tổ chức lại các cơ sở đào tạo, xây dựng quy hoạch và xác định rõ nội dung, chương trình đào tạo nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn lao động, nâng cao chất lượng lao động. Trong đào tạo, chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm của người lao động, nâng cao ý thức dân tộc, bản chất tốt đẹp của người Việt Nam, giới thiệu đất nước và dân tộc Việt Nam với bè bạn, chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ và phổ biến phong tục, tập quán của nước đến lao động; nâng cao tay nghề lao động cho phù hợp với từng loại công việc. Hình thành hệ thống đào tạo phù hợp, bên cạnh các trường lớn, phải có cơ chế và hình thức xã hội hóa đào tạo, song nhất thiết phải quản lý được chất lượng đào tạo, chế độ chính sách đào tạo, nội dung chương trình đào tạo.
- Phải chấn chỉnh sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Chỉ các doanh nghiệp có điều kiện và bảo đảm chất lượng mới được làm xuất khẩu lao động và chuyên gia. Các doanh nghiệp phải dựa vào các cấp chính quyền địa phương và các đoàn thể trong công tác tổ chức tuyển chọn người lao động.
5. Tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về xuất khẩu lao động và chuyên gia :
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách tái đầu tư thuế xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Quỹ phát triển thị trường; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng quy định về phí môi giới.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng chính sách tín dụng cho người nghèo đi xuất khẩu lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn lao động và kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội.