Thông báo số 718/KL-TLĐ về việc kiểm tra chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam tại Công đoàn Bưu điện Việt Nam do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 718/KL-TLĐ
Ngày ban hành 22/04/2005
Ngày có hiệu lực 22/04/2005
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Lê Quang Chiến
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Công nghệ thông tin

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 718/KL-TLĐ

Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2005 

 

KẾT LUẬN KIỂM TRA CHẤP HÀNH ĐIỀU LỆ CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM TẠI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VIỆT NAM

Thực hiện Quyết định số 430/QĐ-TLĐ ngày 23/3/2005 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Đoàn kiểm tra của Tổng Liên đoàn đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam tại Công đoàn Bưu điện Việt Nam từ ngày 31/3 đến 01/4/2005 với các nội dung theo Thông báo số 181/TB-TLĐ ngày 18/3/2005 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

Đoàn kiểm tra gồm:

1- Đ/c Lê Quang Chiến Uỷ viên BCH, Phó Chủ nhiệm UBKT TLĐ Trưởng đoàn

2- Đ/c Đậu Đình Châu Uỷ viên Uỷ ban kiểm tra TLĐ Thành viên

3- Đ/c Nguyễn Mạnh Hoạch Chuyên viên chính Ban Tổ chức TLĐ Thành viên

Phía công đoàn bưu điện việt nam tham dự:

1- Đ/c Phan Hoàng Đức Chủ tịch

2- Đ/c Đinh Văn Hán Phó Chủ tịch

3- Đ/c Nguyễn Thị Anh Thư Uỷ viên BTV, Chủ nhiệm UBKT

Và một số đồng chí trong Ban thường vụ, trưởng phó ban có liên quan.

Trong hai ngày từ 31/3 đến 01/4/2005, Đoàn kiểm tra đã làm việc với Công đoàn Bưu điện Việt Nam, nghe Thường trực báo cáo việc chấp hành Điều lệ công đoàn từ sau Đại hội IX Công đoàn Việt Nam và Đại hội Công đoàn Công đoàn Bưu điện Việt Nam đến nay; nghiên cứu, xem xét các văn bản, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra; tiếp xúc, làm việc với hai công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc là Công đoàn Bưu điện Hà Nội và Công đoàn Công ty dịch vụ Bưu chính viễn thông, Đoàn kiểm tra có ý kiến kết luận như sau:

I- KẾT LUẬN VỀ NHỮNG NỘI DUNG ĐÃ KIỂM TRA

1- Kiểm tra việc tổ chức phổ biến, triển khai Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn Việt Nam; các Chỉ thị, Nghị quyết và quy định của Tổng Liên đoàn:

Sau Đại hội IX Công đoàn Việt Nam và Đại hội XII Công đoàn Bưu điện Việt Nam, Ban Chấp hành, Ban thường vụ Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã kịp thời và nghiêm túc chỉ đạo, phổ biến, triển khai Nghị quyết Đại hội và các Chỉ thị, Nghị quyết, Quy định của Tổng Liên đoàn đến cán bộ, đoàn viên và công nhân viên chức lao động bằng các hình thức như ra văn bản chỉ đạo, tổ chức tập huấn theo vùng miền, in và cung cấp tài liệu tuyên truyền, đăng tải thông tin trên báo ngành và cập nhật trên trang Web... Cùng với triển khai Nghị quyết, công đoàn các cấp trong ngành Bưu điện thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng và hệ thống các văn bản chính sách liên quan đến quyền lợi người lao động; thực hiện tốt 3 cuộc vận động và 10 chương trình hành động của Đại hội XII Công đoàn Bưu điện đề ra. Ngoài ra, Công đoàn Bưu điện đang tham gia tích cực cùng với ngành trong quá trình sắp xếp chuyển đổi tổ chức, thành lập ban chỉ đạo xây dựng đề án đổi mới tổ chức của công đoàn; quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ công đoàn.

2- Việc thực hiện chế độ sinh hoạt công đoàn, chế độ thông tin báo cáo hoạt động công đoàn và việc công khai tài chính công đoàn:

Chế độ sinh hoạt của Ban Chấp hành, Ban thường vụ công đoàn cơ bản được bảo đảm và duy trì. Các cuộc họp Ban thường vụ và Thường trực đều được ghi chép vào sổ theo dõi Nghị quyết; việc ghi chép biên bản đã thể hiện được ý kiến phát biểu của từng người và ý kiến kết luận của người chủ trì; sau Hội nghị có thông báo kết luận để triển khai thực hiện. Chế độ thông tin, báo cáo được khai thác qua mạng Internet, sử dụng linh hoạt các công nghệ thông tin, nghiệp vụ sẵn có của ngành để khai thác các nguồn thông tin một cách tiện lợi, nhanh chóng.

Công tác công khai tài chính đã được thực hiện bằng việc báo cáo công khai trong Hội nghị Ban Chấp hành, Ban thường vụ với các nội dung như: trình dự toán thu chi kinh phí công đoàn hàng năm với Tổng Liên đoàn; duyệt báo cáo tài chính, tình hình thu chi tài chính công đoàn...

3- Việc xây dựng và thực hiện các qui chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Uỷ ban kiểm tra công đoàn và quy chế phối hợp hoạt động giữa công đoàn với chính quyền cùng cấp; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở:

Công đoàn Bưu điện đã xây dựng được các quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban thường vụ, Uỷ ban kiểm tra và có chương trình phối hợp với Bộ Bưu chính Viễn thông, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông; đồng thời, chỉ đạo cấp dưới xây dựng quy chế hoạt động. Theo báo cáo của Công đoàn Bưu điện, đã có 85% Công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc xây dựng quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban thường vụ, Uỷ ban kiểm tra; 87% xây dựng được quy chế hoặc chương trình phối hợp với chuyên môn đồng cấp. Đối với hai đơn vị đoàn đến làm việc đều có đầy đủ các quy chế.

Việc thực hiện quy chế dân ở cơ sở được Công đoàn các cấp trong ngành Bưu điện đặc biệt quan tâm. Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam và Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã phối hợp ban hành một hệ thống các quy định nội bộ, áp dụng thống nhất trong toàn Tổng Công ty như: Thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, các quy chế đào tạo, khen thưởng, phân phối tiền lương, thu nhập, tham quan du lịch; chỉ đạo thực hiện tốt việc sơ kết 5 năm thực hiện quy chế dân chủ và chỉ đạo các đơn vị tiến hành Đại hội CNVC, Hội nghị cán bộ công chức. Đến nay, đã có trên 86% đơn vị tiến hành Đại hội CNVC, trong đó đã thực hiện tốt nội dung bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ quản lý, đóng góp tích cực vào công tác quản lý cán bộ.

4- Công tác phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn.

Công đoàn Bưu điện đã quan tâm chỉ đạo công đoàn các cấp chú trọng đến công tác phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn, là một trong 3 cuộc vận động lớn và chương trình hành động của nhiệm kỳ 2003-2008. Hướng ứng Chương trình phát triển một triệu đoàn viên của Tổng Liên đoàn, Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã đăng ký phát triển 15.000 đoàn viên mới, trong đó 2 đơn vị đoàn đến tiếp xúc là Bưu điện TP Hà Nội đăng ký 800 đoàn viên, Công ty dịch vụ viễn thông đăng ký 250 đoàn viên và trong năm 2004 đã phát triển được 3.800 đoàn viên mới, vượt 2,7% so với kế hoạch đề ra và cấp thẻ cho trên 5.000 đoàn viên. Công đoàn Bưu điện cũng đã tiến hành tổng kết 5 năm xây dựng CĐCS vững mạnh, theo đó tỷ lệ CĐCS đạt vững mạnh khá cao (95%) và không có công đoàn yếu kém.

5- Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chấp hành Điều lệ Công đoàn:

Ban thường vụ Công đoàn Bưu điện đã quan tâm chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra chấp hành Điều lệ; Uỷ ban kiểm tra đã giúp cho Ban thường vụ xây dựng chương trình kiểm tra hàng năm. Do vậy, trong 2 năm (2003- 2004), công đoàn Bưu điện đã tổ chức được 22 cuộc kiểm tra, trong đó 1 cuộc kiểm tra ở đồng cấp và 21 cuộc kiểm tra cấp dưới. Các cuộc kiểm tra đều được thể hiện bằng biên bản kiểm tra. Nội dung kiểm tra đã bám sát chỉ đạo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn và phù hợp tình hình thực tế của ngành.

6- Đánh giá chung:

Tuy còn một số tồn tại như: một số công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở chưa xây dựng quy chế làm việc; chưa đảm bảo chế độ thông tin báo cáo về hoạt động công đoàn; việc ghi chép các cuộc họp Ban Chấp hành chưa đầy đủ, một số cuộc họp Ban thường vụ, thường trực không ghi rõ ngày giờ họp, thành phần tham dự, tên người vắng và chủ toạ, thư ký chưa ký vào biên bản hội nghị. Việc công khai tài chính tuy có thực hiện nhưng chưa theo đúng mẫu hướng dẫn của Tổng Liên đoàn. Nhưng nhìn chung các cấp công đoàn trong ngành Bưu điện Việt Nam đã chấp hành tốt các quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các hoạt động đã bám sát chỉ đạo định hướng của cấp trên và vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn của ngành, cơ sở; khẳng định và phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển của ngành. Hiện tại chưa thấy có biểu hiện vi phạm Điều lệ Công đoàn Việt Nam (trong những nội dung đã kiểm tra).

II KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN KIỂM TRA ĐỐI VỚI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VIỆT NAM

Thông qua kết quả kiểm tra và trao đổi với các cơ sở, Đoàn kiểm tra đề nghị Công đoàn Bưu điện Việt Nam một số vấn đề sau đây:

1- Trong việc phổ biến, triển khai các Chị thị, Nghị quyết, quy định của Tổng Liên đoàn cũng như của công đoàn Bưu điện Việt Nam, cần lựa chọn nội dung trọng tâm, với hình thức thích hợp, tận dụng ưu thế thông tin của ngành để nhanh chóng đưa đến cho đoàn viên và người lao động và các loại văn bản nêu trên.

2- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, chế độ, các văn bản pháp luật mới có liên quan cho đông đảo đoàn viên và người lao động, nhất là với những đơn vị đã, đang chuẩn bị, sẽ triển khai cổ phần hoá, chuyển đổi hình thức sở hữu nhằm giải quyết tốt công tác tư tưởng, duy trì hoạt động công đoàn.

3- Cùng với việc quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm công tác công đoàn cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là ở tổ và công đoàn bộ phận, cần quan tâm động viên, khuyến khích họ và đưa sinh hoạt tổ công đoàn vào nề nếp, hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác.

4- Quan tâm chỉ đạo, kiểm tra sâu sát việc phát triển đoàn viên để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu đã đăng ký và có chất lượng, đúng quy định, gắn với xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.

5- Định hướng cho các công đoàn cơ sở trực thuộc chủ động chuẩn bị, đề xuất sửa đổi hoặc ban hành mới các quy chế nội bộ, phát huy hiệu quả sử dụng các công cụ bảo đảm quyền dân chủ cho đoàn viên, người lao động và tạo điều kiện thực hiện tốt các chức năng của công đoàn.

6- Duy trì nề nếp hoạt động kiểm tra, kết hợp các hình thức kiểm tra định kỳ, đột xuất, chuyên đề, kiểm tra chéo để giúp cho Ban Chấp hành, Ban thường vụ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, chương trình công tác trong nhiệm kỳ và nâng cao chất lượng kiểm tra quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, chấp hành Điều lệ Công đoàn. Quan tâm củng cố về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra, trước hết là cấp cơ sở.

KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VN ĐỐI VỚI ĐOÀN CHỦ TỊCH TLĐ:

1- Tham gia với Chính phủ nghiên cứu quy định thời gian Đại hội CNVC phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp (hiện tại đối với những doanh nghiệp lớn mỗi năm tổ chức đại hội CNVC 1 lần là rất khó khăn).

2- Quy định thống nhất hệ thống thông tin báo cáo, chọn lọc và chuẩn hoá các thông số báo cáo thống kê để phù hợp với thực tế ở cấp dưới.

3- Nâng cao chất lượng công tác quản lý đoàn viên, khi đoàn viên chuyển sinh hoạt, ngoài việc trình thẻ đoàn viên nên quy định có kèm theo giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt.

Kết luận trên được thông báo trong Hội nghị Ban thường vụ Công đoàn Bưu điện Việt Nam với Đoàn kiểm tra ngày 01/4/2005 tại trụ sở Cơ quan Công đoàn Bưu điện Việt Nam.

 

TM. ĐOÀN KIỂM TRA TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN
TRỬỞNG ĐOÀN – PHÓ CHỦ NHIỆM UBKT TLĐ


 
 
Lê Quang Chiến