Thông báo 55/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của ngành Xây dựng do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 55/TB-VPCP
Ngày ban hành 08/02/2018
Ngày có hiệu lực 08/02/2018
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2017 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2018 CỦA NGÀNH XÂY DỰNG

Ngày 16 tháng 01 năm 2017, tại Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của ngành Xây dựng. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện Lãnh đạo một số Bộ, ngành, các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các thành phố và đại diện các hội, hiệp hội nghề nghiệp, một số doanh nghiệp.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Xây dựng về kết quả công tác năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018; ý kiến phát biểu của đại diện một số Bộ, ngành và địa phương, hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận, chỉ đạo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những kết quả đạt được

Năm 2017, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội trong nước chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong thành công chung của cả nước có đóng góp quan trọng của ngành Xây dựng. Bộ Xây dựng đã chủ động quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp thực hiện cụ thể, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành nỗ lực phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào kết quả chung của cả nước, các kết quả nổi bật là:

- Tốc độ tăng trưởng của Ngành khá cao đạt 8,7%, đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp vào GDP cả nước. Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở đều tăng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

- Công tác quản lý đầu tư xây dựng có chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng của các chủ thể được nâng cao, góp phần chống thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, kịp thời ngăn ngừa các rủi ro về chất lượng đảm bảo an toàn công trình. Năm 2017, công tác thẩm định dự án, dự toán, thiết kế đã giúp cắt giảm khoảng 2,33% tổng mức đầu tư; khoảng 4,3% so với dự toán, ước tính bước đầu đã giúp tiết kiệm cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.

- Sản lượng sản xuất xi măng đứng đầu ASEAN và đứng thứ 10 toàn thế giới, trong đó riêng Tổng công ty Xi măng Việt Nam chiếm sản lượng 37%; một số sản phẩm khác đã tạo được uy tín, thương hiệu quốc tế và có tỷ trọng xuất khẩu cao. Bộ Xây dựng đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp bình ổn giá cát xây dựng và việc xuất khẩu các loại cát; sử dụng tro xỉ của các ngành sản xuất điện, thép, vật liệu xây dựng.

- Công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị ngày có nền nếp:

+ Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tiếp tục được nâng cao, trong đó đã hoàn thành phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt trên 99%. Nhiều nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch cấp vùng và liên vùng, quy hoạch khu chức năng đặc thù và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được lập và phê duyệt.

+ Công tác rà soát, điều chỉnh các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo hướng phù hợp với thực tiễn và đáp ứng các điều kiện yêu cầu phát triển mới, đặc biệt là vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển xanh đã được quan tâm, đẩy mạnh.

- Công tác xây dựng thể chế được tăng cường và thu được kết quả tích cực:

+ Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo và trình các cấp ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng của ngành như: Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18 tháng 6 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong đó đã phân cấp mạnh cho các địa phương và Bộ, ngành trong việc thẩm định dự án, thiết kế, qua đó giảm 75% số lượng hồ sơ phải thẩm định tại Bộ Xây dựng; giải quyết căn bản các vướng mắc trong thực tiễn về thực hiện thủ tục xây dựng góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.

+ Bộ Xây dựng là một trong những cơ quan đi đầu trong rà soát, cắt giảm mạnh các ngành nghề, điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính. Bộ đã chủ động đề xuất đơn giản hóa 22 thủ tục hành chính; bãi bỏ 5/17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và chỉ còn giữ nguyên 15% số lượng các điều kiện đầu tư kinh doanh; giải quyết căn bản các vướng mắc trong thực tiễn về thực hiện thủ tục xây dựng, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.

- Công tác thanh tra xây dựng được tăng cường thêm một bước, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư xây dựng, qua đó, số lượng công trình phải xử lý sai phép, không phép giảm so với năm 2016.

- Kiểm soát tốt và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định; có nhiều nỗ lực trong việc đề xuất và thực thi các giải pháp thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, hộ nghèo ở nông thôn, phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân, sinh viên, thu được nhiều kết quả quan trọng như số liệu thống kê được nêu trong Báo cáo tổng kết.

- Công tác đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh hơn. Bộ Xây dựng đã nghiêm túc thực hiện phương án tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc được Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020.

- Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ xây dựng được đẩy mạnh; đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp xây dựng đủ khả năng làm tổng thầu, có công nghệ quản lý, công nghệ thi công tiên tiến mang tầm quốc tế, đủ sức đảm đương các công trình có quy mô đặc biệt lớn trong và ngoài nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, những kết quả quan trọng mà tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Xây dựng đã đạt được trong năm qua.

2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành Xây dựng vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế nhu được nêu trong Báo cáo Tổng kết của Bộ Xây dựng và các tham luận tại Hội nghị. Đề nghị toàn Ngành tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế được nêu, đặc biệt là một số tồn tại, hạn chế sau:

- Mặc dù năm 2017, mức tăng trưởng toàn Ngành đạt 8,7%, nhung còn thấp so với mức tăng trưởng 10% của năm 2016. Trong bối cảnh tốc độ xây dựng vẫn lớn như hiện nay, mức tăng trưởng giảm của năm 2017 cần được phân tích thấu đáo để tìm ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm cho các năm tiếp theo.

- Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về xây dựng đã đạt được những kết quả tích cực nhưng một số công việc cụ thể còn chậm so với yêu cầu. Công tác theo dõi, đánh giá tác động của cơ chế, chính sách, xử lý vướng mắc phát sinh từ thực tiễn còn bị động, chưa kịp thời, vẫn còn tồn tại các vấn đề thể chế gây bức xúc cần tiếp tục tháo gỡ.

- Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn thấp, chưa đảm bảo về tầm nhìn và chưa phù hợp các điều kiện thực tiễn; có đồ án quy hoạch phải điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi mới được phê duyệt.

Một số đô thị còn tình trạng điều chỉnh quy hoạch xây dựng tùy tiện, không tuân thủ trình tự, thủ tục của quy định pháp luật; vẫn còn tồn tại tình trạng xin cho trong lập và điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng, tổ chức đầu tư phát triển đô thị còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, với những vấn đề nổi cộm như: phát triển thiếu kiểm soát các công trình cao tầng, phát triển đô thị thiếu đồng bộ về hạ tầng và thiếu tính kết nối liên vùng gây quá tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, ngập úng, ùn tắc giao thông...

- Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng còn xảy ra nhiều, đặc biệt tại một số đô thị lớn.

[...]