BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
5341/TB-BNN-VP
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2011
|
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG DIỆP KỈNH TẦN TẠI HỘI NGHỊ
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2011 VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY CHĂN
NUÔI TRONG THỜI GIAN TỚI
Ngày 11 tháng 10 năm 2011 tại Hà Nội
và ngày 14 tháng 10 năm 2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và PTNT
đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2011 và giải
pháp thúc đẩy chăn nuôi trong thời gian tới. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Bộ, Cục
Chăn nuôi; đại diện các đơn vị: Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ
Tài chính; Bộ Công Thương; các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Sở
Nông nghiệp và PTNT một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; một số Hội,
Hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi; một số doanh nghiệp sản xuất, kinh
doanh trong lĩnh vực chăn nuôi; một số trang trại chăn nuôi tiêu biểu; các cơ
quan thông tin báo chí.
Sau khi nghe báo cáo của Cục Chăn
nuôi về tình hình chăn nuôi 9 tháng đầu năm và giải pháp thúc đẩy phát triển
chăn nuôi; tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi và các biện pháp quản lý trong
thời gian tới và ý kiến phát biểu của đại diện các đơn vị tham dự Hội nghị, Thứ
trưởng Diệp Kỉnh Tần đã kết luận như sau:
1. Hiện nay chăn
nuôi Việt Nam có 3 loại hình: chăn nuôi công nghiệp, trang trại, chăn nuôi gia
trại và chăn nuôi nhỏ ở hộ nông dân. Bên cạnh việc khuyến khích chăn nuôi công
nghiệp, trang trại, cần tiếp tục chấp nhận sự tồn tại của loại hình chăn nuôi
gia trại, chăn nuôi nhỏ ở hộ nông dân. Từ nay đến cuối năm Cục Chăn nuôi sớm
trình Bộ ban hành chính sách cho chăn nuôi gia trại phát triển nhưng phải có điều
kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong chăn nuôi.
2. Khuyến khích
liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm mà ngành chăn nuôi Việt Nam đã có
những mô hình thành công như gia công giữa Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt
Nam và các trang trại. Tuy nhiên, Công ty C.P. mới đang dừng lại ở liên kết với
các trang trại lớn, chưa liên kết với các gia trại. Lãnh đạo các địa phương cần
suy nghĩ về vấn đề này, cần thiết phải liên kết để cùng phát triển và phải làm
thế nào để hình thức liên kết này đảm bảo hài hòa các lợi ích. Chăn nuôi hộ gia
đình là chỗ dễ tổn thương nhất, họ yếu về vốn, về chuồng trại, về kỹ thuật. Nếu
chỉ đạo không đúng, loại hình này không thể tồn tại được. Có thể làm thử nghiệm,
chọn những điểm dễ làm nhất, tổ chức lại thành Hợp tác xã hoặc gắn doanh nghiệp
chế biến thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp chế biến giết mổ liên kết với các hộ
gia đình chăn nuôi, hỗ trợ con giống hoặc thức ăn chăn nuôi và thu mua sản phẩm.
Mô hình này sẽ giải quyết được các vấn đề về môi trường, dịch bệnh và hài hòa lợi
ích giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mô hình này sẽ điều
chỉnh dần và thị trường chăn nuôi mới có thể ổn định. Mô hình này nếu gắn với
chương trình “Tam nông” sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
Cục Chăn nuôi cần theo dõi mô hình
chăn nuôi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm ở một số địa phương,
doanh nghiệp đang làm, tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm và báo cáo Bộ trong
năm 2011.
3. Hiện nay, chính
sách chăn nuôi đang lồng ghép vào các chính sách khác, Cục Chăn nuôi cần trình
Bộ tiếp tục báo cáo với Chính phủ ban hành chính sách riêng cho ngành chăn nuôi
Việt Nam. Cục cần nêu được sự cần thiết phải ban hành chính sách riêng cho
ngành chăn nuôi và xác định được vị trí của ngành chăn nuôi Việt Nam so với các
nước trong khu vực. Trên thực tế, những chính sách về chăn nuôi lồng ghép trong
các chính sách rất khó triển khai, có những chính sách chỉ áp dụng được cho
doanh nghiệp nhưng không áp dụng được cho các trang trại và gia trại. Bên cạnh
đó, chính sách đầu tư cho chăn nuôi ở vùng khó khăn cũng thiếu tính khả thi. Cục
Chăn nuôi cần có văn bản trình Bộ kiến nghị với Chính phủ để có các chính sách
điều chỉnh, bổ sung.
4. Lãnh đạo Sở
Nông nghiệp và PTNT cần báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh về quy hoạch ngành
chăn nuôi. Hiện nay, trong nông nghiệp, tăng trưởng ngành chăn nuôi còn nhiều
tiềm năng. Tuy nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành chăn nuôi còn hạn chế,
chưa được quan tâm đúng mức.
5. Cần có định hướng
hệ thống giống theo vùng miền và lợi thế vật nuôi vùng theo định hướng chiến lược
đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong năm 2011, Cục Chăn nuôi hoàn
thiện và trình Bộ quy hoạch hệ thống giống của cả nước. Đối với mỗi vùng miền,
xác định rõ đối tượng, quy mô trước mắt và lâu dài. Cần có quy định mở, định hướng
chủ yếu là tư nhân và công ty cổ phần, nhà nước chỉ nắm giữ những gì cần thiết
nhất trong hệ thống giống, qua đó có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho tư
nhân và công ty cổ phần.
6. Diễn biến về dịch
bệnh, thị trường giá cả chăn nuôi rất phức tạp từ nay đến cuối năm. Cục Chăn
nuôi hàng tháng báo cáo số liệu thống kê về chăn nuôi và giá cả chăn nuôi gửi
lãnh đạo Bộ để Bộ nắm được tình hình cung - cầu và có các giải pháp kịp thời
cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Các đơn vị liên quan rà soát và điều
chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nếu cần thiết, ban hành bổ sung. Trên thực tế,
Bộ Nông nghiệp và PTNT không thể cấm nhập khẩu thịt do hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta được phép xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý.
7. Đối với công
tác kiểm tra, giám sát chất lượng và giá cả các dịch vụ hỗ trợ cho ngành chăn
nuôi, Cục Chăn nuôi cần có chương trình phối hợp với Bộ Công Thương, các tỉnh để
các dịch vụ hỗ trợ cho ngành có giá cả hợp lý và đảm bảo chất lượng.
8. Đối với công
tác quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, hiện nay xuất hiện tình trạng các nhà
máy sản xuất thức ăn không sử dụng chất cấm, nhưng người chăn nuôi vẫn mua được
chất cấm để sử dụng. Do đó, Cục Chăn nuôi cần phối hợp với các địa phương để quản
lý việc sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi.
9. Cục Chăn nuôi cần
giải quyết sớm những vướng mắc của các công ty đã kiến nghị tại Hội nghị. Đối với
những kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Chăn nuôi, Cục cần
chuyển đến các cơ quan liên quan để trả lời bằng văn bản.
10. Hàng năm, Bộ
Nông nghiệp và PTNT tổ chức các Hội nghị để lắng nghe ý kiến của các cá nhân, tổ
chức liên quan trong lĩnh vực chăn nuôi.
Văn phòng Bộ thông báo để các đơn vị
liên quan biết và triển khai thực hiện.
Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- Cục Chăn nuôi (để t/h);
- Các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố;
- Văn phòng Bộ (Chánh VP+TH);
- Lưu: VT.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG
Nguyễn Minh Nhạn
|