Thông báo 510/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 510/TB-VPCP
Ngày ban hành 08/12/2023
Ngày có hiệu lực 08/12/2023
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Giáo dục

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 510/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI CUỘC HỌP TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW NGÀY 04 THÁNG 11 NĂM 2013 CỦA TRUNG ƯƠNG VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Ngày 28 tháng 11 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Nghị quyết số 29-NQ/TW). Tham dự cuộc họp có đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Dân tộc, Hội Khuyến học Việt Nam; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định, Kon Tum, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Lâm Đồng, Kiên Giang, Đồng Tháp. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến phát biểu các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận như sau:

1. Đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm, bài bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI” có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đánh giá một cách khách quan các thành tựu, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và những vấn đề mới đặt ra từ yêu cầu của đất nước, các xu thế, mô hình phát triển của thế giới để hoàn thiện lý luận, đề xuất chủ trương mới về phát triển giáo dục và đào tạo.

2. Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều Ban, Bộ, ngành do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành; tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp; tổ chức các tọa đàm với các chuyên gia về giáo dục theo chủ đề chuyên sâu để làm nổi bật, sắc nét hơn các nội dung, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ sau:

a) Về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết: Nội dung tổng kết cần bám sát quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đặc biệt là việc khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương; Kết luận số 51-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó:

- Cần làm rõ nét hơn kết quả thể chế hoá Nghị quyết, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, bổ sung các đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế dựa trên các chuẩn mực về giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

- Phân tích làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoàn thiện chính sách, pháp luật thể chế hóa Nghị quyết, tổ chức thực hiện, các mục tiêu chưa đạt được nhất là những chủ trương về: (i) Đổi mới phương pháp dạy và học, liên thông giữa các trình độ; (ii) Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo và phân tầng của hệ thống giáo dục đại học; (iii) Đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo chuẩn quốc tế và dựa vào đánh giá của thị trường nguồn nhân lực; (iv) Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xã hội học tập; (v) Phát triển đội ngũ nhà giáo và chế độ ưu đãi đối với nhà giáo; (vi) Nguồn lực đầu tư cho giáo dục và chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; (vii) Kết nối giữa các trường với các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp.

b) Về những quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá, xác định những quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp còn phù hợp; chỉ tiêu cần tiếp tục kiên định, kiên trì triển khai.

Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung những quan điểm, tư duy mới về giáo dục phù hợp với những lý luận về phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đặt ra về phát triển giáo dục, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa vào tri thức toàn cầu. Đề xuất các chủ trương, cơ chế chính sách đổi mới, đột phá trong huy động nguồn lực, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo, xây dựng hệ thống giáo dục mở, phát triển đội ngũ nhà giáo và chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo quy định, báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 09 tháng 12 năm 2023.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Hội đồng Lý luận Trung ương;
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các Bộ, cơ quan: GDĐT, LĐTBXH, NV, TC, KHĐT, TTTT, KHCN, TNMT, TP, UBDT, Hội KHVN;
- UBND các tỉnh, TP: Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định, Kon Tum, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp;
- Văn phòng HĐ Quốc gia GD và PT nhân lực;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Sỹ Hiệp, Trợ lý TTg, Trợ lý và TK PTTg Trần Hồng Hà, các Vụ: TH, TKBT;
- Lưu: VT, KGVX(2),DNam.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp