Thông báo 452/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 452/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 03/11/2023 |
Ngày có hiệu lực | 03/11/2023 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Thị Thu Vân |
Lĩnh vực | Đầu tư,Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 452/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2023 |
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 10 VÀ 10 THÁNG NĂM 2023; TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI; TÌNH HÌNH PHÂN BỔ VÀ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG; TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI 03 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Ngày 01 tháng 11 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công an; Quốc phòng; Y tế; Tư pháp; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Công Thương; Thông tin và Truyền thông; Tài nguyên và Môi trường; Ngoại giao; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thường trực Chính phủ thống nhất kết luận như sau:
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý được giao khẩn trương nghiên cứu Tờ trình, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có văn bản tham gia ý kiến (không quá 01 trang A4), trong đó rà soát, cập nhật số liệu, đánh giá kết quả tháng 10, 10 tháng đầu năm, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong tháng 11 và tháng 12 năm 2023, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước 10 giờ ngày 03 tháng 11 năm 2023 để tổng hợp, hoàn thiện, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2023.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đầy đủ, tiếp thu các ý kiến xác đáng tại cuộc họp và ý kiến bằng văn bản của các Bộ, cơ quan tại điểm 1 trên để hoàn thiện các Tờ trình, Báo cáo, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2023; trong đó lưu ý các nội dung sau:
a) Rà soát, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin, số liệu đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2023; trong đó rà soát kỹ các nội dung đánh giá, nhận định, bảo đảm khách quan, không “tô hồng”, không “bôi đen”, phản ánh đúng bản chất tình hình, sát thực tiễn và có số liệu chứng minh.
b) Nhấn mạnh hơn những kết quả đạt được trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm như: kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, bảo đảm các mục tiêu tổng quát đề ra; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng tích cực hơn, nhất là khu vực công nghiệp đang phục hồi; thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 86,3% dự toán, dự báo cả năm đạt và vượt dự toán Quốc hội giao; giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng; hoạt động thương mại, dịch vụ, thu hút và giải ngân vốn FDI tăng, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực.
c) Làm rõ hơn một số hạn chế, khó khăn, thách thức, nguyên nhân và giải pháp khắc phục như: tăng trưởng chưa đạt yêu cầu đề ra; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, tiếp cận tín dụng còn vướng mắc, giải ngân các gói tín dụng (40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm sản) còn chậm; công tác điều hành giá nhiều thách thức trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng; còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2023; giải ngân vốn đầu tư công cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng ...
c) Nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong tháng 11 và tháng 12 năm 2023, trong đó:
(1) Các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo sát sao, quyết liệt các Bộ, cơ quan được phân công phụ trách phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, giải trình, hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, theo Tờ trình của Chính phủ.
(2) Các Bộ, cơ quan tập trung thực hiện quyết liệt, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Quán triệt, tổ chức triển khai có hiệu quả Kết luận số 64-KL/TW ngày 18 tháng 10 năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kinh tế - xã hội năm 2023 - 2024 và Kết luận số 65-KL/TW ngày 21 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị về đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. Quyết liệt thực hiện các giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả để phấn đấu hoàn thành cao nhất 05/15 chỉ tiêu dự kiến khó đạt của năm 2023.
(3) Tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng (nhất là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm; khẩn trương đàm phán, đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do với các Tiểu vương quốc Ả - rập thống nhất (UAE) trong tháng 11 năm 2023. Tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng trong nước. Tìm mọi biện pháp, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
(4) Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác để tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
(5) Tập trung quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; nhất là tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng, tiếp cận đất đai, vấn đề giá đất; tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp.
(6) Theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời cảnh báo các nguy cơ và có biện pháp điều hành phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc điều chỉnh mức giá bán điện bình quân và thời điểm điều chỉnh phù hợp theo đúng quy định pháp luật; đồng thời nghiên cứu có chính sách, giải pháp phù hợp để hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách và các đối tượng yếu thế nếu bị tác động mạnh theo quy định. Các Bộ: Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công, nhất là giá dịch vụ y tế, giáo dục theo thẩm quyền, lộ trình, thời điểm, mức độ phù hợp, đúng quy định. Các Bộ, cơ quan thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân.
(7) Tích cực, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tuyệt đối không để thiếu hụt nguồn cung theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 28 tháng 10 năm 2023.
(8) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các biện pháp về thu ngân sách nhà nước năm 2023, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu thuế (nhất là thu dịch vụ ăn uống, giải trí..), tăng cường hơn nữa chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2023 vượt dự toán Quốc hội giao.
(9) Phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, ổn định hoạt động thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả, bền vững các thị trường này.
(10) Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; phát triển văn hóa; bảo đảm quốc phòng an ninh; nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại; tăng cường kỷ cương kỷ luật hành chính và thực hiện quy chế làm việc; tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
(11) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tích cực khẩn trương hơn nữa hoàn thiện phương án xử lý đối với các ngân hàng yếu kém, 4/12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại.
(12) Phân tích rõ những kết quả đạt được, hạn chế khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để có giải pháp quyết liệt thúc đẩy triển khai hiệu quả. Công khai danh sách và yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 khẩn trương hoàn thiện thủ tục để phân bổ theo đúng quy định.
3. Văn phòng Chính phủ tổng hợp các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, khẩn trương dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2023 để gửi xin ý kiến thành viên Chính phủ trong ngày 02 tháng 11 năm 2023.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |