Thông báo 421/TB-VPCP năm 2024 về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 421/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 17/09/2024 |
Ngày có hiệu lực | 17/09/2024 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Thị Thu Vân |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 421/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN HỒNG HÀ TẠI CUỘC HỌP VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 08/2022/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 01 NĂM 2022 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Ngày 06 tháng 9 năm 2024 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; cùng dự có đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); các tổ chức, hiệp hội: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Nhựa Việt Nam; Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam; Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận như sau:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung rà soát tất cả các thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP đảm bảo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 391/TTg-NN ngày 10 tháng 6 năm 2024, theo đó thực hiện phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, tránh cơ chế xin cho, tạo thuận lợi cho địa phương, doanh nghiệp, đảm bảo đúng mục tiêu về cắt giảm thủ tục hành chính đã đề ra khi xây dựng dự thảo Nghị định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu tiếp thu các ý kiến xác đáng mà các đại biểu dự họp đã nêu (ý kiến của Thành phố Đà Nẵng; Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam; Hiệp hội Nhựa Việt Nam; một số ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ trì và trực tiếp làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia để tiếp tục làm rõ và thống nhất các vấn đề đảm bảo các quy định trong dự thảo Nghị định sát với thực tế và thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.
2. Về việc quy định miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải và hiệu lực được áp dụng từ ngày 10 tháng 01 năm 2022; quy định về máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng nhập khẩu để sử dụng trong các dự án, cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung và dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung được miễn thuế nhập khẩu.
Đây là các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu và đã được quy định tại Luật này và văn bản quy định chi tiết (Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu). Do vậy, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đúng các quy định liên quan của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu và bản bản quy định chi tiết, theo đó ban hành theo thẩm quyền và quy định các nội dung này.
Để có thêm cơ sở cho việc xây dựng và ban hành danh mục, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính nghiên cứu thống nhất quy định trong Nghị định một số nội dung có tính chất định hướng, nguyên tắc cho việc xây dựng và ban hành danh mục.
Về thời điểm áp dụng, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu thống nhất phương án quy định đảm bảo phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
3. Về quy định lộ trình, tỷ lệ phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp thống nhất giải pháp trên nguyên tắc giải pháp phải có cơ sở pháp lý, đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và pháp luật có liên quan.
4. Về định mức chi phí tái chế (Fs)
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu thống nhất phương án quy định tại Nghị định về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền ban hành định mức này.
5. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp về việc bổ sung các quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường (trách nhiệm, phạm vi, nội dung, thời hạn cho ý kiến).
6. Về trách nhiệm tài chính đối với các doanh nghiệp trong việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ý kiến của Bộ Công Thương nêu tại cuộc họp để có giải pháp trên nguyên tắc phải đánh giá kỹ tác động của phương án này.
7. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát kỹ các Phụ lục kèm theo dự thảo Nghị định để đảm bảo các tiêu chí, nội dung tại các Phụ lục phải mang tính định lượng, có cơ sở khoa học và có tính khả thi. Tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của Thành viên Chính phủ để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 9 năm 2024.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |