Thông báo 412/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong đợt kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 412/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 15/12/2016 |
Ngày có hiệu lực | 15/12/2016 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 412/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2016 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TRONG ĐỢT KIỂM TRA CÔNG TÁC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ TẠI CÁC TỈNH BÌNH ĐỊNH VÀ QUẢNG NGÃI
Ngày 09 tháng 12 năm 2016, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi; thị sát tình hình, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ; thăm hỏi, động viên một số gia đình bị thiệt hại về người và nhà cửa do mưa lũ tại hai tỉnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:
1. Từ ngày 29 tháng 11 đến ngày 8 tháng 12 năm 2016, tại các tỉnh miền Trung, từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, đã xảy ra liên tiếp các đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Theo thống kê, ở hai tỉnh đã có 26 người bị chết, mất tích (trong đó, Bình Định: 16 người, Quảng Ngãi: 10 người); nhiều diện tích lúa mới xuống giống và hoa màu trên địa bàn các tỉnh bị ngập, một số công trình cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi bị hư hại nghiêm trọng.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động, kịp thời của các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn trong công tác chỉ đạo ứng phó với mưa lũ, tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm ven sông, vùng ngập sâu; đặc biệt, sự chủ động vượt qua khó khăn để ứng phó với mưa lũ của người dân, từ đó đã góp phần hạn chế được thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và của Nhà nước. Đồng thời, Phó Thủ tướng đã chia sẻ những khó khăn, thiệt hại của người dân vùng lũ; gửi lời thăm hỏi, chia buồn đến thân nhân các gia đình không may có người bị thiệt mạng, mất tích.
2. Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời khắc phục nhanh hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh cần triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 2176/CĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2016; trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Đối với chính quyền địa phương:
- Tiếp tục làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ bị thiệt hại về người, mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, với phương châm không để người dân bị đói, bị khát. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ gia đình bị mất nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống.
- Tiếp tục bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực bị ngập nước chảy xiết để hướng dẫn, hỗ trợ người dân đi lại an toàn qua vùng ngập lũ, tránh những thiệt hại đáng tiếc do chủ quan.
- Ngay sau lũ rút, khẩn trương huy động các lực lượng hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường; chỉ đạo lực lượng y tế dự phòng triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh. Khẩn trương vệ sinh trường, lớp học để học sinh trở lại trường học; rà soát, khắc phục các công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng để sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân.
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chuẩn bị sẵn phương án phục hồi sản xuất nông nghiệp; có kế hoạch hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; phối hợp với địa phương rà soát thiệt hại về hồ đập, đê điều, hệ thống thủy lợi để sớm khắc phục, nhanh chóng phát triển sản xuất.
c) Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và lực lượng y tế cơ sở sẵn sàng lực lượng, cơ số thuốc dự phòng, kịp thời xử lý hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu; chỉ đạo lực lượng y tế dự phòng triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh.
d) Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính. Rà soát, xác định các công trình chưa phù hợp, gây cản trở thoát lũ, ảnh hưởng đến an toàn dân cư để có phương án khắc phục ngay sau lũ.
đ) Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm soát, điều tiết thị trường, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt của người dân.
e) Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II, phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương tìm kiếm tàu và 4 ngư dân bị mất tích.
g) Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao theo dõi, kịp thời chỉ đạo địa phương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả; tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu cứu trợ của các địa phương, nhất là về lương thực, thuốc, hóa chất phục vụ vệ sinh môi trường để xử lý, hỗ trợ kịp thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |