Thông báo 402/TB-VPCP năm 2019 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 tiếp theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 402/TB-VPCP
Ngày ban hành 22/11/2019
Ngày có hiệu lực 22/11/2019
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Đầu tư,Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 402/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ DỰ THẢO CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN MẶT TRỜI TẠI VIỆT NAM, ÁP DỤNG TỪ NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2019 TIẾP THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 11/2017/QĐ-TTG NGÀY 11 THÁNG 4 NĂM 2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ngày 13 tháng 11 năm 2019, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 11). Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương, EVN, phát biểu của các đại biểu dự họp và ý kiến của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

1. Để đảm bảo cung ứng điện gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh các nguồn tài nguyên hóa thạch trong nước như than, dầu, khí có giới hạn, Chính phủ đã và đang khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở nước ta nhất là điện mặt trời. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kèm theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015; ban hành Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam tại Quyết định 11. Quan điểm chỉ đạo chung là nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn về năng lượng tái tạo, phù hợp với tiềm năng của đất nước, đồng thời đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế, trong đó có việc tối ưu sử dụng nguồn lực đất đai, hạn chế tối đa sử dụng đất rừng, tránh tác động lớn đến giá thành sản xuất điện, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - Nhà đầu tư - Người dân.

Giai đoạn vừa qua, việc đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời đã thu hút mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư trong nước thuộc các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Báo cáo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy việc đầu tư các dự án điện mặt trời đi vào thực chất; quy mô các nhà máy hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thương mại là rất lớn (khoảng 4.500 MW) với tiến độ đầu tư xây dựng nhanh, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Các kết quả đã được các Bộ, ngành đánh giá tích cực, bổ sung kịp thời nguồn điện mới cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nhiều nguồn điện lớn đang triển khai bị chậm tiến độ, nhất là một số nhà máy nhiệt điện than có quy mô công suất lớn. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua cũng cho thấy những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, cụ thể: (i) Quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch rất lớn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong khi đó nội dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ, kịp thời. Việc triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia chậm, thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu điều hành chung về phát triển điện mặt trời; (ii) Công tác quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công Thương còn thiếu tính khoa học và thực tiễn, công tác dự báo còn nhiều yếu kém; (iii) Chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào vào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một số khu vực gây rất khó khăn trong truyền tải điện, giải tỏa công suất các nhà máy điện, ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư; (iv) Công tác quản lý đầu tư chưa minh bạch và chưa được quản lý chặt chẽ, đồng bộ.

Bộ Công Thương cần rút kinh nghiệm sâu sắc về những tồn tại, hạn chế nêu trên để tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý phát triển điện mặt trời cũng như các dạng năng lượng tái tạo khác trong giai đoạn tới.

2. Chính phủ tiếp tục quan tâm phát triển hợp lý nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời có tiềm năng khá lớn ở nước ta. Tuy nhiên, cần phải tính toán cơ cấu các loại nguồn điện một cách khoa học và bài bản; phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng xin - cho; tập trung xử lý các dự án đã và sắp hoàn thành nhưng không kịp đưa vào vận hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2019 để tận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

3. Việc ban hành giá điện mặt trời áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

- Chủ trương tập trung cho những nơi có tiềm năng và lợi thế, có điều kiện phát triển tốt để đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế; ưu tiên khuyến khích phát triển hợp lý điện mặt trời trên mái nhà với ưu điểm không yêu cầu diện tích chiếm đất và đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối; phát triển điện mặt trời phải cân nhắc, tính toán dài hạn nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược, đảm bảo quy mô phát triển hợp lý từng thời kỳ gắn với bảo vệ môi trường.

- Phát triển điện mặt trời phải tuân thủ quy hoạch và đảm bảo cân bằng hệ thống điện, tránh phát triển ồ ạt gây tác động lớn đến giá thành sản xuất điện toàn hệ thống điện, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - Nhà đầu tư - Người dân, tuyệt đối chống tham nhũng lợi ích nhóm trong quản lý phát triển, kiên quyết loại bỏ cơ chế xin - cho; các dự án đầu tư tuyệt đối không được sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng thấp, tiềm ẩn những rủi ro về môi trường.

- Không hồi tố quy định về giá điện đối với các dự án điện mặt trời đã được áp dụng biểu giá FIT theo Quyết định 11; tạo điều kiện cho phát triển hợp lý và đảm bảo lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư.

- Thống nhất việc ban hành biểu giá khuyến khích cố định (biểu giá FIT) áp dụng chung cho điện mặt trời trên mái nhà trong phạm vi cả nước và trong khoảng thời gian nhất định; xem xét ban hành biểu giá FIT áp dụng đối với các dự án đã ký Hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020; đối với các dự án còn lại và các dự án mới sẽ không tiếp tục áp dụng biểu giá FIT mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời.

- Giá điện mặt trời áp dụng đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thực hiện theo đúng quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023; áp dụng cho đến khi tỉnh Ninh Thuận đạt đủ quy mô công suất 2.000 MW hoặc đến năm 2020 tùy theo tiêu chí nào đến trước. Giao Bộ Công Thương và tỉnh Ninh Thuận thực hiện nghiêm

4. Căn cứ định hướng và nguyên tắc nêu trên, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện các việc sau và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 12 năm 2019:

- Rà soát, thống nhất về biểu giá FIT áp dụng đối với điện mặt trời trên mái nhà bảo đảm phù hợp, tránh bị lợi dụng chính sách để trục lợi (lưu ý thêm về quy mô công suất tối đa đảm bảo hợp lý...).

- Thống nhất về biểu giá FIT chỉ áp dụng đối với các dự án đã ký Hợp đồng mua bán điện đã và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020 (có danh sách cụ thể kèm theo hồ sơ). Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo cụ thể danh mục các dự án điện mặt trời áp dụng biểu giá FIT mới; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác danh mục các dự án này đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

- Thống nhất về cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, ban hành làm cơ sở để thực hiện đối với các dự án còn lại và các dự án mới.

5. Do có một số nội dung thay đổi so với báo cáo của Bộ Công Thương tại Tờ trình số 3061/TTr-BCT ngày 03 tháng 5 năm 2019, văn bản số 65/BC-BCT ngày 18 tháng 6 năm 2019 và văn bản số 119/BC-BCT ngày 19 tháng 9 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp thẩm định chặt chẽ, đúng quy định đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Công Thương hoàn thiện.

6. Giao Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu xử lý triệt để những vấn đề vướng mắc về giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời đang hoạt động, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng lưới điện để truyền tải hết công suất các nhà máy điện mặt trời đang vận hành thương mại theo quy định, không để xảy ra tình trạng giảm phát các nhà máy điện làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đối với nhà đầu tư, nhất là trong điều kiện khó khăn về cung ứng điện hiện nay.

- Tiếp tục khẩn trương, tích cực xử lý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án nhà máy nhiệt điện hiện đang chậm tiến độ để sớm đưa vào hoạt động; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

- Tiếp tục rà soát quy định của pháp luật có liên quan, nghiên cứu về cơ chế đầu tư lưới điện truyền tải theo hướng thí điểm các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư để đảm bảo sự đồng bộ trong đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo và lưới điện, phát huy hiệu quả chung; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2019.

- Khẩn trương lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đảm bảo cơ sở khoa học, cơ cấu nguồn điện hợp lý, khả năng truyền tải và thị trường điện lực cạnh tranh, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo hợp lý, chắc chắn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả diện tích mặt đất và mặt nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020.

7. Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực thường xuyên họp, chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, cấp bách.

8. Yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh đùn đẩy trách nhiệm, nhất là đối với các dự án hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong thời gian tới; triển khai chặt chẽ, đúng pháp luật, chống tham nhũng tiêu cực, chống lợi ích nhóm, công khai, minh bạch mọi việc.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

[...]