Thông báo 37/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Trưởng ban Thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 37/TB-VPCP
Ngày ban hành 03/02/2020
Ngày có hiệu lực 03/02/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH, PHÓ TRƯỞNG BAN THỨ NHẤT BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG KHỦNG BỐ QUỐC GIA, CHỦ TỊCH ỦY BAN AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2019 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2020

Ngày 10 tháng 01 năm 2020, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Trưởng ban Thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia (Ủy ban) đã chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, công tác phòng ngừa, bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự và an toàn hàng không trong mọi tình huống.

Tham dự Hội nghị trực tuyến có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực, các Phó Chủ tịch là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, các Thành viên Ủy ban và đại diện lãnh đạo: Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và huyện đảo (nơi có Cảng hàng không, sân bay), Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Quốc gia, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy ban Quốc gia Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, các Tổng công ty: Quản lý bay Việt Nam, Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP, Hàng không Việt Nam - CTCP, các Công ty CP Hàng không: VietJet, Jetstar Pacific và Tre Việt, các cơ quan, đơn vị liên quan.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, các tham luận và ý kiến đại diện các cơ quan, đơn vị dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trương Hòa Bình, Phó Trưởng ban Thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Chủ tịch Ủy ban đã kết luận như sau

1. Về cơ bản, thống nhất với báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương liên quan về kết quả thực hiện nhiệm vụ, những mặt còn hạn chế, tồn tại trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn hàng không năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020; thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương các Thành viên Ủy ban, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các địa phương có Cảng hàng không, sân bay đã phối hợp tốt, đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban, giữ vững uy tín của ngành hàng không dân dụng Việt Nam;

2. Những kết quả nổi bật

Năm 2019, kinh tế đất nước tiếp tục tăng trưởng, chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; tuy nhiên, các phần tử phản động và cơ hội chính trị vẫn chống phá quyết liệt, đã xảy ra một số vụ việc như các đối tượng phản động trong nước và ngoài nước cấu kết, tổ chức kích động biểu tình, gây rối trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hàng không.

Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị nói chung, công tác bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn hàng không nói riêng; về cơ bản, khu vực Đông Nam Á ổn định và phát triển, nhưng vẫn bị tác động, chia rẽ và tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định.

Về quy mô, thị trường hàng không năm 2019 phát triển với tốc độ nhanh, ổn định; trong đó, sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ năm 2018; các hãng hàng không tiếp tục mở rộng các đường bay, khu vực khai thác và số lượng tàu bay tiếp nhận, duy trì tăng trưởng so với năm 2018; tạo cơ hội cho người dân có cơ hội tiếp cận và có thêm sự lựa chọn về sử dụng các dịch vụ hàng không.

An ninh, trật tự và an toàn hàng không được đảm bảo tốt, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm lễ, Tết; tiếp tục duy trì 23 năm liên tục không xảy ra tai nạn tàu bay có thiệt hại về người; các giải pháp đảm bảo an toàn có hiệu quả, hiệu lực và đảm bảo hoạt động bay của toàn ngành được duy trì ở mức độ an toàn bền vững; được các nước trong khu vực đánh giá cao qua việc tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 19 Ủy ban Điều hành Chương trình hợp tác an toàn và duy trì đủ điều kiện bay khu vực Đông Nam Á vào tháng 11 năm 2019.

Đặc biệt, ngày 15 tháng 02 năm 2019, Cục Hàng không Việt Nam chính thức đạt Chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không quốc gia mức 1 của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ. Thành quả này là sự ghi nhận của nhà chức trách hàng không Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế về nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện tổ chức giám sát an toàn hàng không đáp ứng hội nhập hoàn toàn đối với tiêu chuẩn và thực tiễn hoạt động hàng không dân dụng quốc tế, nâng vị thế của nhà chức trách hàng không Việt Nam cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong công tác mở rộng thị trường, hoạt động hợp tác liên doanh, đặc biệt là tiền đề mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Việc triển khai, thực hiện quy trình khẩn nguy cứu nạn trong mỗi sự cố xảy ra tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam đều có sự tiến bộ lớn, thể hiện qua việc xử lý tình huống, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, doanh nghiệp liên quan và nhanh chóng đưa cảng hàng không sân bay trở lại hoạt động khai thác.

Công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn hàng không giữa các bộ, ngành, các Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố địa phương có cảng hàng không, sân bay đã được chú trọng; công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật và nâng cao văn hóa giao thông hàng không đã được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, gần gũi đạt hiệu quả cao.

3. Một số hạn chế, tồn tại

a) Trong năm 2019, còn để xảy ra một số vụ việc uy hiếp an ninh, trật tự và an toàn hàng không; tập trung vào một số vi phạm như: trộm cắp tài sản tại các cảng hàng không và trên tàu bay, hành khách mang theo vũ khí và vật phẩm nguy hiểm sai quy định; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay, thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không; gây rối trật tự công cộng, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không trên tàu bay và tại cảng hàng không vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân của các vụ việc này xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật về an ninh, trật tự và an toàn hàng không của người tham gia giao thông hàng không chưa cao, lỗ hổng về pháp lý, việc thiếu sự tuân thủ quy trình xử lý, năng lực chuyên môn và tính chủ động của đội ngũ nhân viên hàng không.

b) Năm 2019, các sự cố an toàn vẫn còn xảy ra; trong đó, các sự cố nghiêm trọng và sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao đều do nguyên nhân là yếu tố con người. Nguyên nhân của tình trạng này do một số cá nhân chịu trách nhiệm chính trong các lĩnh vực khai thác, bảo dưỡng, huấn luyện và an toàn chưa thể hiện được đầy đủ vai trò, trách nhiệm, hiệu quả, hiệu lực, trong hệ thống của người khai thác tàu bay; bên cạnh đó, là những bất cập từ công tác huấn luyện đào tạo và xếp lịch bay, sức ép hoạt động khai thác tàu bay, hạn chế cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng ngày một tăng, tốc độ tăng trưởng đội tàu bay dẫn đến nhu cầu cao về nguồn lực của người lái và nhân viên bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên hàng không và đặc biệt là nguồn lực của Nhà chức trách hàng không cho công tác giám sát an toàn hàng không.

c) Công tác tổ chức, phối hợp và chia sẻ thông tin trong xử lý các vụ việc vi phạm an ninh, trật tự và an toàn hàng không giữa các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương trên địa bàn cảng hàng không, sân bay còn nhiều bất cập, chưa được tháo gỡ kịp thời như việc xử lý hành khách bị từ chối nhập cảnh, xác minh các vụ việc sử dụng giấy tờ giả, xác nhận nhân thân cho khách đi tàu bay, đấu tranh phòng và chống tình trạng trộm cắp hành lý trên tàu bay đặc biệt của các đối tượng người nước ngoài.

d) Đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không, sân bay còn vướng mắc do những bất cập khi triển khai thực hiện Nghị định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng hàng không nên nhiều công trình, hạ tầng (sân bay) chưa có cơ sở để triển khai thực hiện, bàn giao đưa vào khai thác.

đ) Tình trạng xuống cấp của đường cất/hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, đường cất/hạ cánh cũ của Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; sự thiếu đồng bộ của hệ thống hỗ trợ hạ cánh chính xác tại các cảng hàng không, sân bay và tình trạng xuất hiện vật thể lạ trên khu bay. Việc một số cảng hàng không, sân bay chưa được trang bị hệ thống hỗ trợ hạ cánh chính xác, cũng như thiết bị cũ, lạc hậu, thiếu đồng bộ, đôi khi hay bị hỏng hóc khi vận hành tại các cảng đã được lắp đặt, đặc biệt tại hai Cảng hàng không quốc tế trọng điểm là Nội Bài và Tân Sơn Nhất tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hàng không, cấp thiết phải được cải tạo, sửa chữa thay thế và đầu tư lắp mới.

Bên cạnh đó, tình trạng vật thể lạ xuất hiện trong khu bay có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác tại cảng hàng không. Vật thể lạ xuất hiện ở tất cả bề mặt khu bay như: đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, khu vực công trình thi công với nhiều loại đa dạng như: kim loại, nhựa, sỏi, đất đá, bộ phận của tàu bay, rác thải sinh hoạt.

e) Công tác quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ

Cùng sự phát triển của khoa học, công nghệ, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đang được phát triển đa dạng, ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích trong đời sống kinh tế - xã hội; tuy nhiên, do đặc điểm gọn nhẹ, dễ vận chuyển, điều khiển, chế tạo, lắp ráp, sử dụng, giá thành rẻ, có thể hoạt động trong các điều kiện môi trường mà con người khó có thể tiếp cận, trong khi đó việc quản lý chưa chặt chẽ nên đang bị lạm dụng, trở thành mối đe dọa uy hiếp an ninh, an toàn hoạt động hàng không dân dụng. Nghiêm trọng nhất là các thế lực thù địch có thể sử dụng máy bay không người lái để xâm nhập, theo dõi cơ quan nhà nước và khu vực quân sự; thực hiện khủng bố (thả bom, các tác nhân hóa học hoặc sinh học...); đánh lạc hướng và gây náo loạn đám đông; rải đơn tuyên truyền chống phá nhà nước.

Bên cạnh việc thắt chặt hành lang pháp lí, việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp kỹ thuật nhằm phát hiện và chế áp thiết bị bay không người lái là cần thiết và cấp bách, không chỉ ở riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới.

4. Phương hướng, nhiệm vụ năm 2020

Để bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự, an toàn hàng không năm 2020 và trong các năm tiếp theo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước; yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành liên quan, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tại các địa phương có cảng hàng không, sân bay thực hiện tốt nhiệm vụ công tác của Ủy ban, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban; tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn hàng không; cập nhật, bổ sung và từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách và các quy định về an ninh, an toàn hàng không, đáp ứng yêu cầu của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và thực tiễn hoạt động hàng không tại Việt Nam, đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp, quy trình, công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý an ninh, trật tự và an toàn hàng không.

[...]