Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông báo 363/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 363/TB-VPCP
Ngày ban hành 04/11/2016
Ngày có hiệu lực 04/11/2016
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 363/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Ngày 28 tháng 9 năm 2016, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và 9 tháng năm 2016, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới và một số kiến nghị của Thành phố. Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Thành phố, ý kiến của lãnh đạo các cơ quan dự họp, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Đà Nẵng có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, có nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển; người dân thân thiện, có truyền thống đoàn kết, hiếu học, năng động, sáng tạo và ý thức vì cộng đồng; sự năng động sáng tạo của các cấp lãnh đạo qua các thời kỳ; tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền Thành phố, qua 30 năm đổi mới, Đà Nẵng đã trở thành một trong những địa phương phát triển vượt bậc, toàn diện về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Kết cấu hạ tầng, du lịch và quản lý đô thị khá tốt Môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, luôn ở nhóm dẫn đầu. Đà Nẵng đã bước đầu xây dựng được hình ảnh của một thành phố an toàn, thân thiện và đáng sống.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, cộng đồng doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng về những kết quả đạt được trong những năm qua.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố đã tập trung thực hiện các khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả khá toàn diện: GDP tăng bình quân 9,7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó dịch vụ chiếm 62,6%, Khách du lịch tăng trên 20%/năm, trong đó, khách quốc tế tăng trên 25%/năm; thu từ du lịch tăng 30,6%/năm. Thành phố đã cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới và không còn hộ có thu nhập dưới 500 nghìn đồng/người/tháng. Tỷ lệ số người dân trên một doanh nghiệp là 57/1, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; giải quyết việc làm mới cho 3,2 vạn lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%.

Trong 9 tháng năm 2016, Đà Nẵng tiếp tục đạt những kết quả nổi bật: GDP trên địa bàn tăng 8,85%; có 3.345 doanh nghiệp mới thành lập (tăng 37% về số doanh nghiệp và tăng 33% về số vốn); thu hút gần 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 11,1%; tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt gần 7,2 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ, với nhiều thương hiệu tốt.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Thành phố còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức:

Đà Nẵng có diện tích nhỏ, đất đai ít, chủ yếu còn lại phía tây Thành phố. Tăng trưởng kinh tế từ năng lực sản xuất nội tại chưa bền vững, quy mô kinh tế còn nhỏ; kinh tế tư nhân chưa phát triển mạnh. Vai trò kết nối, hội nhập liên kết trong nước và hội nhập quốc tế chưa rõ nét, hạ tầng đối ngoại với quốc tế và khu vực còn nhiều khó khăn. Thành phố chưa phát huy hết vai trò địa phương đầu tàu trong phát triển vùng; chưa có nhiều dự án động lực; thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ viễn thông, tài chính và kinh tế biển. Nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Đời sống, việc làm của một bộ phận nhân dân còn khó khăn.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố cần phát huy những kết quả đạt được, sớm khắc phục những mặt tồn tại, đoàn kết, nỗ lực, có khát vọng, tầm nhìn xa, rộng hơn, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt, sớm đưa Đà Nẵng trở thành Thành phố phát triển toàn diện, là điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Thành phố tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Trước hết, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XV, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2016, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo; cùng với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng phải là một động lực, đầu tầu kéo tốc độ tăng GDP của cả nước.

Triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của Thành phố thực hiện các Nghị quyết số 19, 35, 60, 36a của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng Chính phủ điện tử.

2. Phải có một chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển thành phố, với tầm nhìn Đà Nẵng phải trở thành một thành phố thông minh, một trung tâm giao thương, trung tâm dịch vụ quốc tế, một điểm đến cho các nhà đầu tư, du khách, thu hút nhân tài...; một thành phố cạnh tranh với các thành phố lớn, đẹp của khu vực và thế giới như Singapore và Hồng Kông;

Quỹ đất của Thành phố rất hạn chế, vì vậy làm sao để phát triển không dựa trên mở rộng quỹ đất mà sử dụng thông minh, hiệu quả quỹ đất là rất quan trọng;

Mô hình phát triển mà Đà Nẵng lựa chọn, đòi hỏi phải là một thành phố mở cửa, hội nhập, thu hút và hội tụ nhân tài trong nước và quốc tế; cần quan tâm cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; hình thành một hệ sinh thái cho dịch vụ giáo dục, nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp.

3. Tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp. Tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI công nghệ cao, công nghệ thông tin, thân thiện với môi trường; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Phấn đấu đạt 40 đến 45 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020.

4. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại và phải xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố; nghiên cứu để phát triển mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục chất lượng cao; theo đó, cần đặc biệt chú ý đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch, dịch vụ; tạo được chuỗi liên kết, là hạt nhân trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung và hệ thống trung tâm du lịch lớn của cả nước.

5. Tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển; theo đó, có giải pháp để hỗ trợ về tín dụng, đào tạo nghề cho ngư dân, phát triển nhanh cả về số lượng và công suất tàu cá để ngư dân khai thác vùng biển xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, cải thiện và nâng cao đời sống, cùng các lực lượng chức năng gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

6. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, các chế độ, chính sách xã hội đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với từng bước cơ cấu lại ngân sách địa phương, phấn đấu giảm chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để tăng chi cho đầu tư phát triển. Thành phố cần phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm y tế, giáo dục, văn hóa chất lượng cao của Vùng.

7. Tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, bộ máy chính quyền các cấp từ Thành phố đến xã, phường phải nhiệt huyết, trách nhiệm, năng động; xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân.

8. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ... Chủ động theo dõi tình hình và triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt.

9. Năm 2017, Đà Nẵng được chọn là nơi tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017; đây là cơ hội để Thành phố quảng bá du lịch, phát triển thương mại, thu hút đầu tư..., nâng cao vị thế của Thành phố và cả nước với bạn bè quốc tế. Vì vậy, Thành phố cần có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để làm tốt công tác chuẩn bị, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và khai thác thật tốt cơ hội của sự kiện lớn mang lại.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ:

1. Về ban hành Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng: Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ rà soát, hoàn thiện Dự thảo Nghị định nêu trên, đảm bảo phù hợp với đặc thù của Thành phố, tạo bước đột phá, tăng thẩm quyền gắn với trách nhiệm của Thành phố; trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 10 năm 2016.

2. Về cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng: Đồng ý về chủ trương; giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2016.

3. Về hỗ trợ Thành phố kết nối với các Tập đoàn đa quốc gia đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng, nhất là đầu tư vào Khu Công nghệ cao: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Thành phố xúc tiến đầu tư và giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư lớn có tiềm lực mạnh, đầu tư vào Đà Nẵng.

[...]