Thông báo 3437/TB-BNN-VP năm 2017 ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Hội nghị triển khai "Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021” tại tỉnh Thái Nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 3437/TB-BNN-VP |
Ngày ban hành | 25/04/2017 |
Ngày có hiệu lực | 25/04/2017 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Trần Quốc Tuấn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3437/TB-BNN-VP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2017 |
Ngày 18 tháng 4 năm 2017 tại tỉnh Thái Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thái Nguyên tổ chức “Hội nghị triển khai Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021”. Đồng chí Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Cục Thú y và các cơ quan thuộc Cục Thú y, các đơn vị thuộc Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương); đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thú y của 31 tỉnh, thành phố trọng điểm về bệnh Dại; đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện và một số xã của tỉnh Thái Nguyên; đại diện Hội Thú y Việt Nam, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO) của Liên Hiệp Quốc và phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự và đưa tin Hội nghị.
Hội nghị đã nghe báo cáo tham luận: Tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống bệnh Dại của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế); Mô hình quản lý chó nuôi tại Thái Nguyên (FAO), Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại (Chi cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh); ý kiến phát biểu của các địa phương và đại biểu tham dự hội nghị về tình hình dịch bệnh Dại cũng như công tác phòng chống bệnh Dại trên động vật và trên người, Thứ trưởng Vũ Văn Tám kết luận như sau:
1. Bệnh Dại ở Việt Nam diễn ra rất nghiêm trọng, hằng năm có nhiều người tử vong do bệnh Dại và rất nhiều người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế điều trị dự phòng; tính từ năm 2011 đến 2016, trung bình mỗi năm có khoảng 92 người tử vong do chó dại cắn và khoảng 400.000 người phải đi điều trị dự phòng. Riêng năm 2016 đã có 91 người tử vong do bệnh Dại và gần 412 ngàn người bị chó cắn, gây tốn kém trên 800 tỷ đồng mỗi năm cho người dân. Mầm bệnh lây truyền bệnh Dại cho người chủ yếu là từ chó nuôi và khi đã bị chó Dại cắn mà không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng thì chắc chắn sẽ tử vong. Trong những năm qua, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và chính quyền các cấp đã có nhiều văn bản chỉ đạo phòng, chống bệnh Dại nhưng tình hình bệnh Dại vẫn chưa có chuyển biến tích cực, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và kinh tế cho người dân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021 (tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017) để các cấp ngành tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ 12 nhóm giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu trong từng năm mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, đến năm 2021 phải kiểm soát được bệnh Dại.
a) Về tổ chức thực hiện: Huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã và thôn, bản; đưa nội dung phòng, chống bệnh Dại vào công tác thi đua, khen thưởng của địa phương như: Xét công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa, bình xét cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ công tác của năm.
b) Chấn chỉnh ngay những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý đàn chó nuôi tại địa phương như: Không có sổ theo dõi đàn chó nuôi trên địa bàn; chó nuôi thả rông cắn nhiều người; nuôi nhiều chó nhưng đăng ký ít; thống kê đàn chó nuôi và hộ nuôi chó chưa chính xác, không sát với thực tế; chưa lập cam kết với người dân về việc khai báo khi nuôi chó hoặc có biến động đàn chó nuôi của gia đình, cam kết nuôi nhốt hoặc xích, không thả rông chó ra nơi công cộng, chấp hành tiêm vắc xin phòng Dại cho toàn bộ chó nuôi theo quy định, nếu để chó thả rông cắn người thì chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm theo quy định;
c) Chấn chỉnh ngay những tồn tại, bất cập trong công tác tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng Dại theo quy định; phải có biện pháp khắc phục ngay tình trạng một số người nuôi chó: Không chấp hành quy định tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó; nuôi nhiều chó nhưng chỉ chấp hành tiêm phòng vắc xin Dại cho một vài con; không hợp tác trong việc bắt giữ chó để tiêm phòng; niêm yết công khai tại cộng đồng hoặc thông báo danh sách những hộ nuôi chó nhưng không chấp hành tiêm phòng vắc xin Dại theo quy định;
d) Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông tại địa phương, đặc biệt tại các khu dân cư, bao gồm: Nêu cao trách nhiệm của chủ nuôi chó đối với chính gia đình và cộng đồng dân cư (nuôi chó phải đăng ký, phải nuôi nhốt, xích hoặc rọ mõm, phải chấp hành tiêm phòng vắc xin Dại theo quy định, phải chịu trách nhiệm nếu để chó cắn người); nêu cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền cơ sở, của cán bộ, đảng viên trong công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh Dại, vận động gia đình và người dân chấp hành quy định về phòng, chống bệnh Dại; tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật (Luật thú y, Nghị định 35/2016/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Nghị định 41/2017/NĐ-CP, Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT,...) trong công tác phòng, chống bệnh Dại, nêu rõ các mức xử phạt vi phạm nếu người nuôi chó không chấp hành; tuyên truyền cho người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương khi bị chó, mèo, động vật nghi Dại tấn công; không sử dụng thuốc đông y, thuốc nam để điều trị bệnh Dại (đối với người bị chó cắn, chó nghi dại cắn);
đ) Rà soát, chấn chỉnh hoạt động và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hành nghề chữa trị bệnh Dại bằng thuốc đông y, thuốc nam trên địa bàn;
e) Rà soát, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống thú y, nhất là mạng lưới thú y cơ sở, bảo đảm trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết trong việc tiêm phòng, bắt chó để tiêm phòng, bắt chó nghi mắc bệnh Dại, giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch Dại.
a) Trình Bộ NN&PTNT dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại theo ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời tham mưu cho Bộ NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021, kiểm tra, đôn đốc địa phương triển khai các giải pháp cụ thể nhằm khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại như mục tiêu đã đề ra đến năm 2021;
b) Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn để sớm sản xuất được vắc xin Dại cho động vật sử dụng trong nước;
c) Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho hệ thống thú y; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các chế tài để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống bệnh Dại, gắn trách nhiệm của chủ nuôi chó với cộng đồng và trách nhiệm trước pháp luật;
d) Tăng cường hợp tác quốc tế, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác về chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mô hình phòng, chống bệnh Dại hiệu quả; xã hội hóa công tác phòng, chống bệnh Dại với sự phối hợp, đóng góp của Hội Thú y Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác;
đ) Phối hợp chặt chẽ giữa ngành Thú y và Y tế theo cách tiếp cận Một sức khỏe trong công tác phòng, chống bệnh Dại;
e) Rà soát, đề xuất với Bộ để chỉ đạo một số địa phương tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại như mô hình đã thành công của thành phố Hồ Chí Minh (12 quận) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Côn Đảo).
Văn phòng Bộ NN&PTNT thông báo để các cơ quan, đơn vị biết và tổ chức thực hiện./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |