Thông báo 340/TB-VPCP năm 2024 về Kết luận Phiên họp thứ 2 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 340/TB-VPCP
Ngày ban hành 22/07/2024
Ngày có hiệu lực 22/07/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Cao Huy
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 340/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN PHIÊN HỌP THỨ 2 CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ - TỔ TRƯỞNG TỔ CÔNG TÁC GIÚP VIỆC BAN CHỈ ĐẠO ĐỂ CHỈ ĐẠO TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 17 tháng 7 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác đã chủ trì Phiên họp thứ 2 Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Tổ công tác) theo Quyết định số 62/QĐ-BCĐCTTĐQG ngày 04 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo các Bộ, cơ quan là Ủy viên Tổ công tác: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và đại diện các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Công an, Tài chính, Tài nguyên và Một trường, Ngoại giao; Lãnh đạo các Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ Công tác kết luận như sau:

1. Biểu dương các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cố gắng, nỗ lực tổ chức triển khai và hoàn thành 09/16 công việc được Tổ công tác giao tại Phiên họp thứ nhất (Thông báo kết luận số 239/TB-VPCP ngày 23 tháng 5 năm 2024). Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số nội dung đang triển khai, chưa hoàn thành theo đúng tiến độ được giao.

Để Tổ Công tác hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, chất lượng, triển khai quyết liệt, hiệu quả các dự án đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Tổ Công tác là rất quan trọng, bảo đảm thống nhất nội dung công việc, phân định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; vừa làm cơ sở tổ chức triển khai, vừa phục vụ công tác kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của các cơ quan, thành viên Tổ Công tác. Yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 239/TB-VPCP ngày 23 tháng 5 năm 2024, gửi Kế hoạch đến Bộ Giao thông vận tải trong ngày 22 tháng 7 năm 2024; Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổng hợp báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác trong ngày 25 tháng 7 năm 2024.

2. Về tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị:

a) Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục (phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải hoàn thành công tác thẩm định, cấp Giấy chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định; thủ tục cấp phép môi trường trong ngày 20/7/2024; hoàn thiện các thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu công trình trước ngày 26 tháng 7 năm 2024) bảo đảm đưa tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao vào khai thác thương mại trước ngày 28 tháng 7 năm 2024, nhất định không lùi tiến độ hoàn thành.

b) Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chủ động, tích cực giải quyết các tồn tại, vướng mắc, khiếu kiện của các nhà thầu, triển khai hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục, nỗ lực phấn đấu đưa tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên vào khai thác thương mại trong tháng 11 năm 2024;

c) Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chủ động tích cực thực hiện nhiệm vụ, theo dõi đôn đốc các cấp thực hiện và kịp thời phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, sớm đưa các dự án vào khai thác, trong đó:

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hoàn thành công tác thẩm định, cấp Giấy chứng nhận an toàn hệ thống trong ngày 22 tháng 7 năm 2024;

- Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành thủ tục cấp phép môi trường trong ngày 22 tháng 7 năm 2024;

- Bộ Xây dựng, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành công tác kiểm tra nghiệm thu trước ngày 26 tháng 7 năm 2024.

- Bộ Tài chính khẩn trương gửi JICA giới thiệu chữ ký rút vốn đối với Thỏa thuận vay số 4 của khoản vay VN22-P1 thuộc Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên trước ngày 25 tháng 7 năm 2024.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 7 năm 2024.

- Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan PCCC sớm thẩm duyệt về PCCC đối với các gói thầu của Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên.

3. Đối với Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035.

a) Về tiến độ: Để bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp khẩn trương nghiên cứu nội dung dự thảo Đề án theo văn bản số 5936/BGTVT-KHĐT của Bộ Giao thông vận tải đã gửi xin ý kiến ngày 05 tháng 6 năm 2024; gửi ý kiến về Bộ Giao thông vận tải trong ngày 22 tháng 7 năm 2024 (đồng thời gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu của cơ quan tại cuộc họp, ý kiến góp ý bằng văn bản của các cơ quan và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 239/TB-VPCP ngày 23 tháng 5 năm 2024; thống nhất các nội dung của Đề án, hoàn thiện Đề án gửi Bộ Giao thông vận tải trước ngày 26 tháng 7 năm 2024 (lưu ý: 02 Đề án của 02 Thành phố được xây dựng độc lập nhưng phải thống nhất về phương pháp, đề cương, quan điểm, áp dụng cơ chế chính sách, bao gồm cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội).

- Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổng hợp thành 01 Hồ sơ Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035 trình cấp có thẩm quyền quyết định. Nội dung Đề án phải có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách...; trình Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trước ngày 02 tháng 8 năm 2024 (Hồ sơ gồm: Tờ trình trình Thường trực Chính phủ, dự thảo trình Bộ Chính trị, dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án...).

- Văn phòng Chính phủ bố trí lịch công tác của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp Đề án trước ngày 05 tháng 8 năm 2024.

d) Về nội dung:

- Đề án phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh và Đồ án Quy hoạch chung của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; lưu ý đến công tác lập, phê duyệt Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội (nhất là quy hoạch đường sắt ngầm, đường sắt trên cao) với tầm nhìn dài hạn đến năm 2060 (tương đương với tầm nhìn quy hoạch của Đồ án Quy hoạch chung) bảo đảm chất lượng tốt, làm cơ sở quan trọng triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị (do liên quan đến các yếu tố dân số, hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ, thương mại, chi phí đầu tư, hiệu quả khai thác...). Trong đó nghiên cứu đề xuất cơ chế huy động Tư vấn quốc tế có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công tác lập hoặc thẩm tra Quy hoạch. Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển có quy mô dân số đông tại thành phố lớn đã giải quyết rất tốt phát triển đường sắt đô thị (như Nga, Nhật Bản, Trung Quốc...);

- Về lộ trình đầu tư: phải thống nhất với phương án phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao của quốc gia và làm chủ công nghệ trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng, duy tu... Đường sắt đô thị phải kết nối đồng bộ với đường sắt quốc gia tại các depot và thống nhất về thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn, đường ray, trang thiết bị, toa xe, hệ thống điều hành, làm cơ sở để phát triển ngành công nghiệp đường sắt của quốc gia.

- Phương án tài chính, nguồn vốn:

+ Phải khai thác, huy động từ nguồn lực đất đai thông qua phát triển đô thị theo các ga (TOD). Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách về giải phóng mặt bằng, công tác quy hoạch, trong đó có cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng toàn khu vực để phát triển đô thị hiện đại, các khu dịch vụ, thương mại... từ đó gia tăng giá trị đất đai; và cần nghiên cứu có chính sách để thu hút xã hội hóa ở mức cao nhất (đầu tư theo phương thức PPP, đầu tư BT...). Các cơ chế, chính sách phát triển TOD của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là như nhau, bảo đảm đồng bộ, khả thi (có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật, Nghị quyết của Quốc hội);

+ Nghiên cứu phương án đầu tư công và huy động xã hội hóa phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô, với các giải pháp và kịch bản bảo đảm mức nợ công và lạm phát ở mức chấp nhận được.

[...]