Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông báo 329/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 329/TB-VPCP
Ngày ban hành 30/08/2018
Ngày có hiệu lực 30/08/2018
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 329/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN VÀ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC SAU CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM (BAN CHỈ ĐẠO 701)

Ngày 07 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 701 đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo 701 để nghe báo cáo về công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, thảo luận về chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2020. Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo 701. Sau khi nghe đồng chí Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo 701 báo cáo và ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. VỀ NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Biểu dương tinh thần trách nhiệm của Cơ quan Thường trực (Bộ Quốc phòng) đã nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ công việc chặt chẽ, hệ thống nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo. Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp giữa các Bộ và cơ quan liên quan trong việc tổ chức, kiện toàn Ban Chỉ đạo, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường không để công việc gián đoạn; các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã triển khai nhiệm vụ, công việc được phân công bài bản, hệ thống.

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả, cụ thể là:

1. Về kiện toàn tổ chức và xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động

- Sau khi được kiện toàn theo Quyết định số 701 ngày 24 tháng 5 năm 2017, Bộ Quốc phòng (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) đã tiếp nhận nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo về giải quyết chất độc hóa học sau chiến tranh từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, ổn định bộ máy tổ chức và kịp thời tham mưu ban hành các văn bản liên quan đến quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, thành lập Cơ quan Thường trực và Văn phòng Cơ quan Thường trực.

- Phối hợp tham mưu trình Ban Bí Thư ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19 tháng 7 năm 2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, trong đó giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng chính sách đối với người bị ảnh hưởng chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học.

- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2017); tổ chức xây dựng Nghị định quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.

2. Công tác xử lý bom mìn, chất độc hóa học

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc (giai đoạn 1). Tập trung triển khai khắc phục ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ ở một số khu vực trọng điểm. Chỉ đạo việc phối hợp với các địa phương bị ô nhiễm bom mìn nặng triển khai khảo sát, lập các dự án rà phá bom mìn để vận động tài trợ quốc tế.

- Tích cực phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức thực hiện dự án xử lý chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Đến nay, dự án đã cơ bản được hoàn thành, được bàn giao kịp thời để thực hiện xây dựng mở rộng sân bay Đà Nẵng phục vụ Hội nghị cấp cao APEC cuối năm 2017, bảo đảm an toàn cho sức khỏe nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện điều tra, thu gom, xử lý chất độc CS; xây dựng bản đồ số hóa tất cả các điểm phát hiện được tồn lưu, đã tiến hành xử lý chất độc CS trên địa bàn các tỉnh thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9.

- Phối hợp tổ chức đánh giá hiện trạng ô nhiễm chất độc dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Tổ chức ký kết văn bản hợp tác và thỏa thuận viện trợ không hoàn lại với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.

3. Công tác giải quyết chính sách, hỗ trợ nạn nhân

- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi đối với nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; hướng dẫn khám, giám định bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với con người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ.

- Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án “Điều tra giải mã các đơn vị lực lượng vũ trang hoạt động trong các vùng bị quân đội Mỹ phun rải dioxin tại Việt Nam” nhằm đánh giá ảnh hưởng và sức khỏe của quân nhân đã hoạt động ở vùng bị phun rải chất độc hóa học trong chiến tranh.

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ thí điểm Mô hình trợ giúp sinh kế nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng, triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng tại các địa phương.

4. Công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế, vận động tài trợ

- Tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa nội dung hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam vào tuyên bố chung giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Isarel...

- Triển khai dự án hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn tại tỉnh Quảng Bình và Bình Định. Thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn; tuyên truyền, hợp tác quốc tế, vận động tài trợ, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ công tác khắc phục hậu quả ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh.

- Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, đồng thời tham gia tuyên truyền, góp tiếng nói đấu tranh vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.

II. VỀ MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh vẫn còn những hạn chế, khó khăn như: chưa làm chủ được công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin; nguồn lực đảm bảo cho khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học còn hạn chế; giải quyết chế độ chính sách, hỗ trợ y tế cho nạn nhân còn gặp khó khăn; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học đạt nhiều kết quả tốt nhưng chưa phát huy hết được vai trò và trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương. Yêu cầu các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo trong thời gian tới cần chủ động phát hiện những tồn tại, bất cập, hạn chế để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh.

III. VỀ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ nhất, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của một đất nước bị chiến tranh nhiều năm, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân, làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bom mìn và chất độc hóa học phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Thứ hai, Ban Chỉ đạo 701 cần tiếp tục nghiên cứu rà soát, hoàn thiện chế độ, chính sách khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, nhất là về hỗ trợ y tế, việc làm cho nạn nhân và người có liên quan. Mục tiêu là không ngừng chăm lo cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng bom mìn, chất độc hóa học, đặc biệt chú ý đến thế hệ thứ ba bị ảnh hưởng; chỉ đạo tổ chức rà soát 100 % số người tham gia kháng chiến và con cháu của họ có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin để lập hồ sơ xác định nạn nhân được hưởng chính sách.

[...]