Thông báo 3218/TB-BNN-ĐMDN kết luận của Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần tại cuộc họp thẩm định phương án tái cơ cấu Tổng công ty Rau quả, nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3218/TB-BNN-ĐMDN
Ngày ban hành 06/07/2012
Ngày có hiệu lực 06/07/2012
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Hữu Điệp
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3218/TB-BNN-ĐMDN

Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG DIỆP KỈNH TẦN TẠI CUỘC HỌP THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN TÁI CƠ CẤU TỔNG CÔNG TY RAU QUẢ, NÔNG SẢN

Ngày 27/6/2012, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Phương án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT (Hội đồng thẩm định), chủ trì cuộc họp thẩm định Phương án Tái cơ cấu Tổng công ty Rau quả, nông sản (Tổng công ty).

Tham gia thẩm định có các thành viên Hội đồng thẩm định của Ban Đổi mới và Quản lý DNNN; các Vụ: Tổ chức cán bộ, Tài chính, Kế hoạch; Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và nghề Muối; Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT và Tổng công ty.

Sau khi nghe Tổng công ty báo cáo Phương án Tái cơ cấu, báo cáo thẩm định của Ban Đổi mới và Quản lý DNNN; các ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần kết luận như sau:

1. Việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước xuất phát từ tình hình thực tế về công tác quản lý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sau nhiều năm đã bộc lộ, nảy sinh nhiều vấn đề yêu cầu phải thực hiện củng cố, sắp xếp toàn diện. Tổng công ty cần nghiêm túc nghiên cứu kỹ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ v/v đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, để xây dựng Phương án tái cơ cấu của Tổng công ty. Phương án tái cơ cấu và Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2011 - 2015 của Tổng công ty sau khi được Bộ phê duyệt là cơ sở pháp lý để Tổng công ty tổ chức thực hiện.

2. Phương án Tái cơ cấu của Tổng công ty còn sơ sài, chưa có số liệu và phân tích cụ thể để Hội đồng thẩm định xem xét, đánh giá; Lãnh đạo Tổng công ty phải có trách nhiệm và tập trung nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến tham gia, góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định để xây dựng lại Phương án.

3. Về nội dung Phương án Tái cơ cấu:

Phần đánh giá thực trạng và sự cần thiết tái cơ cấu cần viết ngắn gọn, khái quát tổng hợp;

Về mục tiêu, định hướng phát triển của Tổng công ty: Tổng công ty cần nghiên cứu kỹ để xác định được định hướng, chiến lược phát triển, bổ sung ngành nghề kinh doanh chính cho phù hợp; cần chú ý đến kinh doanh nội địa; nghiên cứu, cung cấp giống mới, hiện đại của thế giới cho sản xuất nông nghiệp trong nước; tập trung tăng cường các nguồn lực về khoa học kỹ thuật, vốn, nhân lực, cơ sở vật chất và khai thác tốt khả năng, lợi thế của Tổng công ty cho hoạt động kinh doanh giống và đưa thành mục tiêu, ngành nghề kinh doanh chính.

Về tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh: Tổng công ty cần rà soát lại toàn bộ ngành kinh doanh hiện có, căn cứ vào định hướng chiến lược phát triển của Tổng công ty, các nội dung, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2011 - 2015 đã được Bộ phê duyệt xác định ngành nghề kinh doanh chính, ngành nghề kinh doanh phụ trợ, có liên quan và loại bỏ những ngành nghề kinh doanh hoạt động không hiệu quả, không phục vụ cho ngành nghề kinh doanh chính.

Cần rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy của công ty mẹ (các phòng ban, chi nhánh và đơn vị trực thuộc) để công tác quản lý điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp và hiệu quả; công tác đào tạo nguồn nhân lực cần phù hợp với định hướng, mục tiêu hoạt động, ngành nghề kinh doanh chính; tập trung chỉ đạo để hoàn thành cổ phần hóa công ty con và chủ động, tích cực chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa Tổng công ty năm 2013.

Về tái cơ cấu đầu tư và tài chính: cần bổ sung danh mục các dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư, thời gian thực hiện và phân tích đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư; đối với dự án đầu tư không hiệu quả, không phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính cần xem xét kỹ để cắt giảm, thoái vốn phù hợp với quy định.

Việc thoái vốn, bán bớt 1 phần vốn nhà nước ở các công ty con, công ty liên kết cần xem xét thận trọng, có lộ trình cụ thể, kế hoạch phù hợp và phương án sử dụng hiệu quả tiền thu từ việc thoái hóa vốn; đối với những đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, làm thất thoát, mất hết vốn nhà nước cần xác định trách nhiệm rõ của người đại diện và có biện pháp xử lý theo quy định; đối với các đơn vị yếu kém, quy mô nhỏ, không có lợi thế vị trí địa lý, không phát triển được cần thoái hết vốn để bổ sung vốn cho Công ty mẹ.

Phương án cần bổ sung các giải pháp phù hợp với các nội dung tái cơ cấu; bổ sung chỉnh sửa, thuyết minh số liệu tại các biểu bảng cụ thể, chính xác.

Phần kiến nghị: cần nghiên cứu kỹ để đưa ra các kiến nghị sát thực, phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Giao Ban Đổi mới và Quản lý DNNN hướng dẫn, kiểm tra Tổng công ty xây dựng, hoàn thiện lại Phương án theo góp ý của Hội đồng thẩm định để trình Bộ phê duyệt.

Bộ Nông nghiệp và PTNT thông báo để Tổng công ty biết và thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần (để b/c);
- Các Vụ: Tài chính, KH; Tổ chức cán bộ;
- Cục Chế biến TMNLTS và N muối;
- Công đoàn ngành NN và PTNT;
- Lưu: VP, ĐMDN (3).

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG - TRƯỞNG BAN
BAN ĐỔI MỚI VÀ QUẢN LÝ DNNN




Nguyễn Hữu Điệp

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ