Thông báo 306/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp với Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về tình hình hoạt động của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 306/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 04/08/2023 |
Ngày có hiệu lực | 04/08/2023 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Thị Thu Vân |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 306/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2023 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP VỚI BAN CHẤP HÀNH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM VỀ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI, CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VÀ CÁC GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP
Ngày 06 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về tình hình hoạt động của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; lãnh đạo các Ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại thương Việt Nam, Công Thương Việt Nam, Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Quân đội, An Bình, Sài Gòn - Hà Nội; Chủ tịch và một số thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của Hiệp hội, ý kiến của các Bộ, cơ quan dự họp, ý kiến các thành viên Ban chấp hành Hiệp hội, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
1. Thường trực Chính phủ biểu dương, đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, đã tích cực tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp vào thành tích chung của cả nước. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh; chính trị ổn định và an toàn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện hơn, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; giá trị thương hiệu Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 11%, thuộc nhóm nước tăng nhanh nhất thế giới.
2. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất, hiệu quả; đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - chiếm hơn 97% số doanh nghiệp cả nước và hơn 60% số lao động; luôn lắng nghe, chia sẻ, tích cực, nỗ lực và trách nhiệm trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu trong sự phát triển chung của đất nước.
Trong 6 tháng vừa qua, Chính phủ đã ban hành 44 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, thành lập 26 tổ công tác, chỉ đạo các Thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho địa phương, người dân và doanh nghiệp. Ban hành nhiều giải pháp để tháo gỡ, thúc đẩy các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Gia hạn nộp thuế, phí, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng; đề xuất Quốc hội giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023, được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 101/2023/QH15
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức từ 0,5 - 2%, tăng dư nợ tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, thời gian tới sẽ tiếp tục giảm nữa; các ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công Thương và 64 đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, với Bộ Ngoại giao và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm thêm thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam; tăng cường xúc tiến đầu tư, phát huy tối đa các Hiệp định FTA đã ký, thúc đẩy ký kết các Hiệp định FTA với các thị trường khác.
3. Dự báo thời gian tới tình hình quốc tế và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, Thường trực Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp kiên trì, bản lĩnh, nỗ lực, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất cùng với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức với tinh thần biến nguy thành cơ; không lạc quan khi tình hình thuận lợi hơn, không bi quan khi tình hình khó khăn hơn, năng động sáng tạo tìm lối đi phù hợp với tình hình và hoàn cảnh của đất nước, phù hợp với điều kiện của DNNVV.
4. Về phía Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, Thường trực Chính phủ yêu cầu các cơ quan luôn đồng hành, quan tâm, chia sẻ, nắm chắc tình hình, hoàn cảnh của doanh nghiệp để chung sức đồng lòng cùng nhau xử lý, kịp thời đưa ra các chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
a) Các Bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc; trên cơ sở đó rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:
- Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, linh hoạt, hiệu quả theo các Nghị quyết của Chính phủ; tập trung vào 3 giải pháp chính: (1) Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm khoảng từ 1,5 - 2%); (2) Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 - 15%) và công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; (3) Nghiên cứu điều kiện cho vay thuận lợi hơn trong lúc khó khăn này, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhất là vào các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
- Tiếp tục theo dõi việc triển khai, thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2023/TT-NHNN để kịp thời điều chỉnh khi có vướng mắc.
- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các gói tín dụng đã có, bao gồm cả gói tín dụng 15.000 tỷ đồng của Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản và thủy sản.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại quy định pháp luật về đầu tư, nghiên cứu quy định về thẩm quyền của Chính phủ trong việc giao các dự án đầu tư hạ tầng cho DNNVV bảo đảm phù hợp với pháp luật; nghiên cứu cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV để phát triển các lĩnh vực mới (fintech, sandbox, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đặc biệt là đổi mới sáng tạo).
d) Bộ Tài chính khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ (trong đó có quy định về hỗ trợ các khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh) trong tháng 8 năm 2023.
đ) Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cương quyết cắt bỏ các thủ tục rườm rà, ách tắc, tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới; rà soát quy định pháp luật, hoàn thiện thể chế về trách nhiệm của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
5. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là DNVVN, Thường trực Chính phủ đề nghị:
- Tăng cường tuân phủ pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để cùng nhau tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm sinh kế cho người dân.
- Cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực về vốn, nhất là việc phối hợp với ngân hàng để bảo đảm thực hiện các điều kiện vay vốn có hiệu quả.
- Tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển sản phẩm có chất lượng theo hướng sản xuất xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; thường xuyên đổi mới, hướng dẫn địa lý, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và yêu cầu mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
- Về các nội dung kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (theo Báo cáo số 129/BC-TWH ngày 05 tháng 7 năm 2023): Hiệp hội hoàn thiện hồ sơ trình chi tiết gửi các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật. Các Bộ, cơ quan khẩn trương xử lý khi nhận đủ hồ sơ, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý và thông báo cho Hiệp hội biết quá trình xử lý, thực hiện.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |