Thông báo 288/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tình hình hoạt động của cảng Hải Phòng do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 288/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 29/11/2011 |
Ngày có hiệu lực | 29/11/2011 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Văn Trọng Lý |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 288/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2011 |
Ngày 17 tháng 11 năm 2011, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về tình hình hoạt động của Cảng Hải Phòng. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo của các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng; đại diện lãnh đạo của Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng và Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
Cảng Hải phòng là một cảng biển có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, gắn với lịch sử phát triển của thành phố Hải Phòng và của đất nước. Đây là cảng biển quan trọng, theo quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế loại 1A. Từ khi được hình thành và phát triển đến nay, Cảng Hải Phòng luôn đóng vai trò là đầu mối giao thông hàng hải quan trọng để giao lưu kinh tế, hội nhập và hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong những năm qua, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các cơ quan, tổ chức liên quan đã có nhiều cố gắng và sâu sát trong sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời giúp Cảng Hải Phòng có những bước phát triển vượt bậc theo hướng công nghiệp, hiện đại; năng lực tiếp nhận và bốc xếp hàng hóa qua cảng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và liên vùng; kinh doanh cảng và dịch vụ hàng hải đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhờ vậy, sản lượng hàng hóa, hành khách thông qua cảng biển Hải Phòng có những bước phát triển đột biến, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Hàng năm, lượng tàu biển ghé vào cảng tăng bình quân trên 11%, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng bình quân 24%. Riêng năm 2010, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng đạt 38,4 triệu tấn với trên 15.000 lượt tàu biển các loại; trong 08 tháng đầu năm 2011 đạt 28,2 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ 2010 (08 tháng đầu năm 2010 đạt 24,3 triệu tấn); dự kiến năm 2011, lượng hàng thông qua cảng đạt 42 triệu tấn (gấp hơn 3 lần sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2005.
Bên cạnh thành tựu đạt được, Cảng Hải Phòng cũng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn khi phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng tài chính toàn cầu, yêu cầu tăng trưởng cao, sự cạnh tranh phát triển của các cảng trong khu vực cũng như yêu cầu phát triển theo quy hoạch chung của đô thị và quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển.
2. Nhiệm vụ trong thời gian tới:
Việc nâng cao năng lực của Cảng Hải Phòng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao của hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng là tất yếu và cấp bách. Do đó, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng chủ động hơn nữa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khai thác cảng và phát triển các loại hình dịch vụ tại cảng biển, đảm bảo tính hội nhập và tăng trưởng bền vững.
Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng hiện đang được tổ chức triển khai thực hiện và có thể đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2015, do vậy, việc đầu tư phát triển Cảng Hải Phòng cũng như phát triển hệ thống giao thông kết nối sau cảng chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển đến hết năm 2015. Trước mắt, cần tập trung thực hiện ngay các giải pháp cụ thể để phát huy tối đa khả năng, công suất khai thác cảng hiện có, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các Bộ, ngành hữu quan cần có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng, có kế hoạch cụ thể để không làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cảng Hải Phòng; đồng thời, có chính sách hỗ trợ nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khai thác, sử dụng và phát triển Cảng Hải Phòng.
a) Về cơ chế thực hiện việc nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng:
- Về việc nạo vét, duy tu luồng trong năm 2011: Hiện nay, việc tiến hành dự án nạo vét hạ độ sâu tuyến luồng hàng hải vào cảng đến chuẩn tắc thiết kế là cần thiết nhằm nâng cao năng lực thông qua hàng hóa của Cảng Hải Phòng. Giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Bảm đảm an toàn hàng hải miền Bắc và Cảng Hải Phòng lập đề án cụ thể về nạo vét, duy tu tuyến luồng đạt độ sâu thiết kế (-7,2m so với “số 0 Hải đồ”) trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện;
- Về nguồn vốn: cho phép Bộ Giao thông vận tải ứng trước 200 tỷ đồng từ nguồn kinh phí nạo vét, duy tu luồng hàng hải được giao năm 2012 để thực hiện nạo vét, duy tu tuyến luồng Hải Phòng ngay trong các tháng cuối năm 2011. Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch đầu tư có trách nhiệm cân đối nguồn vốn, bố trí bổ sung kinh phí nạo vét luồng Hải Phòng và kinh phí nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải khác trong năm 2012;
- Về đánh giá tác động môi trường: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan lập phương án nạo vét, duy tu luồng hàng hải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường lần đầu và tổ chức giám sát việc thực hiện phương án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt đối với những lần nạo vét, duy tu tiếp theo;
- Về hình thức lựa chọn nhà thầu: Việc lựa chọn nhà thầu thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải hàng năm được thực hiện theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định và tự chịu trách nhiệm về việc chỉ định thầu trong những trường hợp cấp bách;
Về cơ chế đặc thù trong hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Về đầu tư phát triển cảng biển, dịch vụ tại cảng Hải Phòng và cơ chế vay vốn ưu đãi: Cảng Hải Phòng chủ động thực hiện việc đầu tư bằng nguồn vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác.
c) Về cải tạo hệ thống giao thông đường sắt trong cảng: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lập phương án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt trong cảng để nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa. Cho phép ứng trước 18 tỷ đồng kinh phí năm 2012 để thực hiện.
d) Về giao đất xây dựng, phát triển cảng tại khu vực Lạch Huyện, Yên Hưng và các vị trí khác: Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đối với những đề xuất của Cảng Hải Phòng; riêng đối với việc phát triển cảng trong khu vực thành phố, chỉ xem xét khả năng đáp ứng năng lực thông qua hàng hóa đến hết năm 2015.
đ) Về tăng cường khả năng kết nối hạ tầng giao thông với cảng: Bộ Giao thông vận tải tiếp tục triển khai các dự án đang thực hiện; nghiên cứu, thiết lập mới các tuyến vận tải đường thủy nội địa và đường sắt nhằm nâng cao khả năng kết nối giao thông sau cảng.
e) Về mở rộng, xây dựng nút giao thông Chùa Vẽ - Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc điều chỉnh Dự án đường 356; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng để thực hiện bổ sung hạng mục cầu vượt tại ngã ba Chùa Vẽ nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông và vận chuyển hàng hóa.
g) Về đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống báo hiệu hàng hải và các công cụ hỗ trợ hàng hải: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thực hiện theo Đề án phát triển bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1166/QĐ-TTg ngày 14 tháng 07 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
h) Về ban hành các quy định về phí, lệ phí hàng hải: Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các quy định về phí, lệ phí áp dụng trong lĩnh vực hàng hải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
i) Về ban hành giá dịch vụ tại cảng biển: Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các doanh nghiệp cảng thực hiện việc niêm yết giá dịch vụ tại cảng theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.