Thông báo số 283/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị tổng kết giai đoạn I và triển khai giai đoạn II Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 283/TB-VPCP
Ngày ban hành 01/10/2008
Ngày có hiệu lực 01/10/2008
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 283/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2008

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT GIAI ĐOẠN I VÀ TRIỂN KHAI GIAI ĐOẠN II CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG CỤM, TUYẾN DÂN CƯ VÀ NHÀ Ở VÙNG NGẬP LŨ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 23 tháng 9 năm 2008, tại tỉnh Long An, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị tổng kết giai đoạn I và triển khai giai đoạn II Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan: Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Xây dựng báo cáo kết quả thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; báo cáo của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1. Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long là Chương trình quan trọng, có ý nghĩa to lớn, đảm bảo cho nhân dân vùng ngập lũ có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định và từng bước phát triển. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp thì Chương trình này càng có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài.

Sau gần 7 năm thực hiện, Chương trình đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra, trong đó công tác tôn nền, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn đạt 99,6%, hoàn thành 742 cụm, tuyến và 72 bờ bao; công tác xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu trong các cụm, tuyến dân cư đạt 82% (công trình giao thông nội bộ đã hoàn thành tại 574/699 cụm, tuyến, đạt 82%; hệ thống thoát nước thải đạt 79%, hệ thống cấp nước sinh hoạt đạt 81%; hệ thống cấp điện sinh hoạt đạt 84%); công tác xây dựng nhà ở và bố trí dân cư đạt 82%, đã có trên 125.000 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình đã vào ở trong các cụm, tuyến.

Kết quả thực hiện nói trên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, người dân trong cụm, tuyến đã được bảo đảm an toàn hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn so với thời gian còn sống rải rác trước đây. Mặc dù hàng năm lũ về khá lớn nhưng không xảy ra những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước, các địa phương không còn phải tốn thời gian và kinh phí để thực hiện di dời và hỗ trợ cho người dân vùng ngập lũ.

Với sự đầu tư đồng bộ các công trình cơ sở hạ tầng trong các cụm, tuyến dân cư, Chương trình đã tạo được cơ sở ban đầu để thực hiện quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Việc thực hiện Chương trình mặc dù lúc đầu gặp nhiều khó khăn, có chậm so với tiến độ và kế hoạch đề ra nhưng cũng đã hoàn thành các mục tiêu cơ bản, các dự án triển khai ngày càng tốt hơn.

Trong quá trình thực hiện Chương trình, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương bám sát mục tiêu, chú trọng công tác quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách và kịp thời xử lý các vấn đề mới nẩy sinh; đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương vùng ngập lũ đã có nhiều cố gắng, tập trung chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, bảo đảm Chương trình ngày càng được thực hiện tốt hơn và có hiệu quả hơn.

3. Việc thực hiện chương trình trong giai đoạn I còn có những tồn tại, yếu kém, cụ thể là:

- Chất lượng công tác quy hoạch chưa cao, quy mô, cách thức xây dựng hạ tầng trong một số cụm, tuyến chưa phù hợp làm tăng chi phí đầu tư; thủ tục về đầu tư, vay vốn ngân hàng chưa thực sự thuận tiện, giải ngân, thanh quyết toán vốn thực hiện vẫn còn chậm.

- Ở một số nơi, việc đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, xử lý môi trường, rác thải, phòng, chống sạt lở và quản lý sau đầu tư thực hiện chưa thật tốt. Công tác xét duyệt và đưa dân vào ở trong các cụm, tuyến dân cư còn chậm so với kế hoạch đề ra.

4. Chương trình đạt được những kết quả nêu trên là nhờ có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, có cơ chế, chính sách phù hợp. Các Bộ, ngành, địa phương cần đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể việc thực hiện giai đoạn I, các mặt được và chưa được để triển khai giai đoạn II của Chương trình tốt hơn và có hiệu quả hơn.

II. VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI GIAI ĐOẠN 2 CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm:

- Tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành dứt điểm giai đoạn I trong năm 2009 và triển khai giai đoạn II đúng tiến độ và yêu cầu đề ra.

Xây dựng kế hoạch cụ thể, sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên để thực hiện; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ và tích cực tham gia vào Chương trình. Đồng thời, thỏa thuận thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo các dự án thuộc Chương trình phù hợp với quy hoạch thủy lợi và quy hoạch thoát lũ chung của vùng.

- Chỉ đạo tổ chức quản lý thật tốt các dự án sau đầu tư, bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường; có biện pháp phòng, chống sạt lở, bảo vệ bờ bao của các cụm, tuyến dân cư.

- Có giải pháp thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng phát triển sản xuất, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo và chống tái nghèo, tiến tới cải thiện một cách vững chắc đời sống nhân dân trong các cụm, tuyến.

- Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí (kể cả vốn vay), các địa phương phải chủ động bố trí từ nguồn ngân sách địa phương, các nguồn vốn lồng ghép và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để hoàn thành toàn bộ Chương trình.

2. Các Bộ: Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp giúp các địa phương đẩy mạnh việc dạy nghề và phát triển làng nghề ở các cụm, tuyến nhằm nâng cao và ổn định mức thu nhập của người dân.

3. Các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm tra tiến độ, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền để Chương trình được thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả.

4. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch ưu tiên cấp điện cho các cụm, tuyến dân cư đã xây dựng xong và những cụm, tuyến dân cư xây dựng trong giai đoạn II của Chương trình.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho Chương trình, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lồng ghép các Chương trình mục tiêu khác trên địa bàn để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại các cụm, tuyến dân cư, tạo cho người dân có cuộc sống tốt hơn.

6. Bộ Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các địa phương thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả Chương trình; hướng dẫn người dân xây dựng nhà kiên cố để tránh bão trong cụm, tuyến, đặc biệt tận dụng các đối tượng mua nhà sinh lợi.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ:

[...]