Thông báo 268a/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 268a/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 31/08/2016 |
Ngày có hiệu lực | 31/08/2016 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Văn Tùng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 268a/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2016 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT Ô NHIỄM VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Ngày 24 tháng 8 năm 2016, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Cùng dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước: Than và Khoáng sản, Điện lực, Thép, Xi măng, Hóa chất, Dệt may; Lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở, ngành có liên quan, các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tóm tắt thực trạng và các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường, ý kiến phát biểu của các địa phương, các Bộ, cơ quan; ý kiến của các Phó Thủ tướng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
1. Về thực trạng môi trường quốc gia
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian vừa qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường bùng phát, xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống và an ninh trật tự xã hội. Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn quốc đã có trên 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong xã hội, đặc biệt là sự cố môi trường nghiêm trọng ở ven biển 04 tỉnh miền Trung là bài học lớn cho các bộ, ngành, địa phương.
Cả nước vẫn còn tới 25% số khu công nghiệp và 95% số cụm công nghiệp chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; tình trạng xả thải không qua xử lý ra môi trường là rất nghiêm trọng; còn hơn 300 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để; nước thải sinh hoạt ở các đô thị, khu dân cư được xử lý trước khi xả ra môi trường chỉ đạt 11%; tỷ lệ chất thải rắn chưa được thu gom tại các đô thị từ 15 - 16%, khu vực ngoại thành là 40%, khu vực nông thôn từ 45 - 60%; nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật chậm được xử lý, cải tạo, phục hồi; diện tích các hệ sinh thái tự nhiên giảm mạnh, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sa mạc hóa đất đai do tác động cực đoan của thời tiết ngày càng nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, tại các làng nghề, các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, khu chăn nuôi tập trung, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến nông lâm thủy sản, một số bệnh viện, các bãi rác... là rất nghiêm trọng. Ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm bụi trong không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm mùi tại nhiều khu vực gia tăng mạnh, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, các lưu vực sông, khu đô thị, khu vực nông thôn, một số khu vực biển ven bờ do đã tích tụ từ lâu trong quá trình phát triển.
2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, yếu kém
Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, thể hiện trên một số mặt như sau:
a) Nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương, doanh nghiệp chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà xem nhẹ, thậm chí bỏ qua yêu cầu bảo vệ môi trường, nhất là trong việc quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện không nghiêm túc, đầy đủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
b) Thể chế, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, bất cập, chưa theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Yêu cầu bảo vệ môi trường thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án còn hình thức; chất lượng đánh giá tác động môi trường của nhiều dự án đầu tư còn thấp; nhiều quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường còn thiếu, không khả thi.
c) Quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều yếu kém, chưa theo kịp với những diễn biến ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường, nhất là trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn hình thức, kém hiệu quả; bộc lộ sự lúng túng trong xử lý sự cố môi trường. Tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn là khâu yếu. Đội ngũ cán bộ yếu cả về chuyên môn và trách nhiệm cá nhân, thiếu về số lượng, nhất là ở các địa phương.
d) Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn nhiều yếu kém, thiếu chủ động, kịp thời, có biểu hiện tiêu cực; chế tài chưa đủ mạnh, xử lý vi phạm chưa nghiêm; phổ biến vẫn là “phạt cho tồn tại”, tác dụng răn đe thấp. Việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chủ yếu vẫn là xử lý hành chính, xử lý hình sự còn rất ít. Cảnh sát môi trường hoạt động hiệu quả còn thấp, chưa thể hiện rõ vai trò chủ công trong phòng, chống tội phạm môi trường.
đ) Nguồn lực đầu tư còn rất hạn hẹp, lại phân bổ dàn trải, nhất là cho xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý nước thải, chất thải tại các đô thị, khu dân cư, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường tại các lưu vực sông, xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường. Chủ trương xã hội hóa nguồn lực bảo vệ môi trường chậm được triển khai, thiếu cơ chế đột phá về tài chính cho bảo vệ môi trường.
e) Năng lực quan trắc, cảnh báo, phát hiện sớm ô nhiễm, ứng phó sự cố môi trường còn rất hạn chế, bất cập; thiếu quy chế ứng phó sự cố; thiếu biện pháp kỹ thuật - công nghệ và các thiết bị, phương tiện để kiểm soát hiệu quả các nguồn thải, hoạt động xả thải của doanh nghiệp.
3. Những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách
Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đặt ra là hết sức nặng nề. Chúng ta phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng; những yếu tố phức tạp về loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất tiềm ẩn rủi ro sự cố môi trường; tác động môi trường phát sinh từ các dự án đầu tư; tăng trưởng kinh tế nhanh gia tăng áp lực lên môi trường; biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường.
Vì vậy, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân; tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém; thực hiện nghiêm, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tạo chuyển biến căn bản trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát ô nhiễm, phục hồi và nâng cao chất lượng môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.
Thứ nhất, xác định rõ bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi người dân.
Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư. Kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường. Cấm nhập khẩu công nghệ lạc hậu, triển khai các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Thứ hai, thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường:
- Làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương và người đứng đầu. Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về các vấn đề môi trường trong phạm vi quản lý. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở đâu thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở đó phải chịu trách nhiệm.
- Làm rõ trách nhiệm tổ chức và cá nhân, thực hiện đúng và tuân thủ nghiêm trách nhiệm về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư theo nguyên tắc: (i) Cơ quan phê duyệt phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường của dự án đầu tư; (ii) Cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm về loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất, không để gây ô nhiễm môi trường.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổng thể về thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm không chồng chéo nhiệm vụ, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực đang gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường, thể hiện vai trò chủ công trong phòng, chống tội phạm môi trường.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho bảo vệ môi trường:
- Nguồn vốn Ngân sách nhà nước tập trung giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân và xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo về môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường.
- Các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào vận hành thử nghiệm đối với các dự án đầu tư lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn rủi ro, sự cố về môi trường.