Thông báo 267/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hoàng hóa xuất nhập khẩu theo Nghị quyết 19-2016/NQ-CP tại Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 267/TB-VPCP
Ngày ban hành 31/08/2016
Ngày có hiệu lực 31/08/2016
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 267/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM TẠI CUỘC KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU THEO NGHỊ QUYẾT 19-2016/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ TẠI CỤC HẢI QUAN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 18 tháng 8 năm 2016, tại cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, một số hiệp hội và doanh nghiệp, tiến hành kiểm tra việc cải cách, đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Hải quan, Cục an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã kiểm tra trên thực tế việc thực hiện thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu của các cơ quan, đơn vị kiểm tra chuyên ngành tại điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại Chi cục hải quan cửa khẩu khu vực I thuộc Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe báo cáo của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp, của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành tại thành phố Hồ Chí Minh và phát biểu của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận như sau:

1. Trong 3 năm gần đây, việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo các Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014, số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2014 và số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ đã tạo ra những chuyển biến tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn chậm và thấp so với yêu cầu, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa nhằm thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra.

2. Công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm cải cách công tác này. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế, một số nội dung và thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa thực sự hợp lý, còn nhiều vướng mắc trong các quy định của các bộ, ngành.

Yêu cầu các bộ quản lý hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ, Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Kiên quyết thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro. Trong năm 2016, phải giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống còn 15%.

Các bộ quản lý hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thực hiện ngay các nhiệm vụ sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rà soát cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra, phối hợp với bộ có liên quan xác định rõ trách nhiệm của từng bộ đối với từng loại sản phẩm, hàng hóa tránh chồng chéo. Trường hợp có ý kiến khác nhau, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

b) Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm, công nhận kết quả kiểm tra của các nước đã ký kết hiệp định công nhận lẫn nhau với Việt Nam.

c) Rà soát các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập khẩu, hải quan, bảo đảm phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

d) Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ này của từng bộ, ngành tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2016.

đ) Chậm nhất ngày 30 tháng 9 năm 2016, nghiêm túc nghiên cứu các phản ánh về các vướng mắc, khó khăn, bất hợp lý và kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, thông báo công khai và trả lời cho doanh nghiệp.

3. Các bộ tiếp tục chỉ đạo đổi mới tổ chức, hoạt động nâng cao năng lực các đơn vị kiểm tra chuyên ngành và tại các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung. Thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn đối với các đơn vị sự nghiệp có nhiệm vụ kiểm tra nhà nước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu xã hội hóa mạnh mẽ công tác này, tránh độc quyền, tạo cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành.

4. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu đầu tư các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung, xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành.

Bộ Tài chính có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng văn bản điện tử của đại lý hải quan. Các bộ có trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng văn bản điện tử trong kiểm tra chuyên ngành, trường hợp không áp dụng phải có giải trình cụ thể, công khai.

Các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra chuyên ngành, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra với hải quan, thực hiện tốt cơ chế một cửa quốc gia.

5. Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Chính phủ về vấn đề kiểm tra hiệu suất năng lượng, dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện, Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2013 về việc ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới; có đề xuất sửa đổi cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp nhập khẩu theo hướng chủ động công nhận và dán nhãn các phương tiện, thiết bị nhập khẩu (trong đó có động cơ) xuất xứ từ các nước có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn Việt Nam, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Trong khi chưa sửa đổi các văn bản có liên quan thì thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động tiếp thu ý kiến của các bộ, cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề kiểm tra chuyên ngành vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.

7. Đề nghị các doanh nghiệp, các hiệp hội tiếp tục có các kiến nghị cụ thể, có căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn để các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, sửa đổi các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Các bộ, ngành có trách nhiệm trả lời công khai, kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý.

8. Các bộ, ngành, cơ quan báo chí tiếp tục thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận và sự ủng hộ của xã hội đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo các Nghị quyết số 19 của Chính phủ.

9. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ theo Kế hoạch kiểm tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016, tổng hợp kết quả báo cáo Chính phủ tại các Phiên họp thường kỳ tháng cuối quý.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TTg, các Phó TTg;
- Các Bộ, cơ quan: KHĐT, TC, KH&CN, CT, YT, NN&PTNT, VHTTDL, GTVT, TTTT, CA, QP, LĐTBXH, TNMT, XD;
- Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP HCM;
- Viện Quản lý kinh tế Trung ương;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, Tổng TK HĐQG phát triển bền vững và NCNLCT; TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: KTTH, KTN, TKBT, TH, Thư ký PTTg Vũ Đức Đam;
- Lưu: VT, KGVX(3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ