Thông báo 263/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp lần thứ VIII Ban Chỉ đạo về giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 263/TB-VPCP
Ngày ban hành 13/06/2017
Ngày có hiệu lực 13/06/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 263/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI CUỘC HỌP LẦN THỨ VIII BAN CHỈ ĐẠO VỀ CÁC GIẢI PHÁP ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG VÀ SẢN XUẤT, KINH DOANH CHO NHÂN DÂN 04 TỈNH MIỀN TRUNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Ngày 07 tháng 6 năm 2017, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp lần thứ VIII Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường (Ban chỉ đạo) về tình hình xử lý sự cố môi trường biển và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Ngân hàng Chính sách xã hội; đại diện các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo các cơ quan báo đài: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến kết luận như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Sự cố môi trường biển xảy ra tại 04 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng đến cuộc sống của năm trăm ngàn người dân, với khoảng 130.000 hộ gia đình. Do vậy, công tác thống kê, xác định, chi trả tiền bồi thường thiệt hại là rất phức tạp, khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều đối tượng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến cấp cơ sở, được sự ủng hộ của nhân dân, công tác này đã được triển khai cơ bản thành công, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng, đúng thiệt hại, công khai, minh bạch, đảm bảo dân chủ ở cơ sở, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tiến độ giải ngân trên thực tế, các địa phương đã được tạm cấp 03 lần với khoảng 5.290 tỷ đồng. Tính đến ngày 30 tháng 5 năm 2017, các tỉnh đã chi trả cho bà con đạt 84,1% số kinh phí tạm cấp.

Ngày 25 tháng 5 năm 2017 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp lần 4 với 1.500 tỷ đồng kinh phí bồi thường thiệt hại cho 04 tỉnh nhằm quyết tâm kết thúc giai đoạn thống kê, xác định, chi trả tiền bồi thường thiệt hại trong tháng 6/2017 để chuyển sang giai đoạn triển khai, thực hiện các đề án quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

II. CÁC VẤN ĐỀ CỤ THỂ

1. Về công tác chi trả tiền bồi thường:

- Các địa phương đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định và chi trả bồi thường thiệt hại theo các Quyết định: 1880/QĐ-TTg và 309/QĐ-TTg đảm bảo hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2017. Tập trung vào các đối tượng đã được quy định tại các Quyết định này, không mở rộng đối tượng, phạm vi. Việc xem xét mở rộng đối tượng như ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 219/TB-VPCP ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ chỉ thực hiện rà soát sau khi đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt và chi trả xong tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các đối tượng chính theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg và Quyết định số 309/QĐ-TTg.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh rà soát kỹ đảm bảo không còn người dân nào thuộc đối tượng mà chưa được thống kê đề bù thiệt hại.

- Các địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp số lượng các đối tượng, kinh phí thiệt hại theo công văn số 3311/BNN-TCTS ngày 20 tháng 4 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và dự kiến kinh phí cho hoạt động của đội ngũ cán bộ ở thôn/xóm, xã/phường/thị trấn trực tiếp tham gia, phục vụ cho công tác quản lý ổn định tình hình, công tác thống kê, thẩm định, chi trả, bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội, gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu ý kiến Bộ Tư pháp tại cuộc họp này đề xuất xử lý kinh phí cho việc này, bảo đảm phù hợp với pháp luật và quy định có liên quan.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thẩm tra, xác định kinh phí bồi thường thiệt hại theo QĐ 1880/QĐ-TTg và 309/QĐ-TTg của 04 tỉnh gửi Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Đối với khối lượng hải sản hiện đang tồn kho như Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Hà Tĩnh báo cáo tại cuộc họp, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thống kê chính xác, xác minh, kiểm tra, đánh giá hồ sơ, chứng cứ chứng minh rõ nguồn gốc lượng hàng hải sản tồn kho này là được thu mua tạm trữ trong thời gian xảy ra sự cố môi trường biển, tổng hợp, báo cáo cụ thể gửi Bộ Công Thương thẩm tra. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Hà Tĩnh chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc này.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính thẩm tra kết quả thống kê, xác minh, hồ sơ, chứng cứ của 02 tỉnh trên; chủ động tổ chức đoàn kiểm tra trực tiếp tại tỉnh Hà Tĩnh.

2. Về giám sát, công bố chất lượng, an toàn thực phẩm hải sản tầng đáy:

- Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, cập nhật kết quả giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm hải sản tầng đáy ở vùng biển 04 tỉnh miền Trung tiến tới công bố công khai vào thời điểm thích hợp; lấy mẫu đối chứng tại một số địa phương khác và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Chủ động làm việc với Bộ Tài chính về kinh phí thực hiện công tác giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm hải sản tầng đáy.

- Chưa cho phép đánh bắt, khai thác và sử dụng hải sản tầng đáy vùng biển 20km trở vào. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư hỗ trợ và phối hợp với Ủy ban nhân dân 04 tỉnh tăng cường tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ

- Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban nhân dân 04 tỉnh tiếp tục theo dõi, cập nhật, công khai chất lượng môi trường biển, an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại 04 tỉnh miền Trung.

3. Về giám sát việc khắc phục các vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giám sát chặt chẽ việc khắc phục các lỗi vi phạm của FHS đảm bảo đúng tiến độ, đúng cam kết và quy định của pháp luật Việt Nam. Phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của FHS, kịp thời xử lý ngay khi có vấn đề kỹ thuật phát sinh. Tiếp tục thực hiện quan trắc về khí thải, nước thải, chất thải của FHS đảm bảo thường xuyên, liên tục và đáp ứng quy định của pháp luật.

4. Về việc xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, dự án trong Quyết định

- Về Dự án phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, nghiên cứu xác định phạm vi thực hiện theo hướng tập trung vào những vùng, khu vực có môi trường sinh thái biển phục hồi chậm hoặc chưa phục hồi, có tác động lớn đến phát triển kinh tế của địa phương, khu vực đề xuất điều chỉnh kinh phí phù hợp.

- Về Dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 04 tỉnh miền Trung: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có ý kiến theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu ý kiến các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện, trình theo quy định.

- Về chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định đối tượng, dự kiến kinh phí hỗ trợ bảo hiểm y tế, đảm bảo không trùng lặp với các chính sách hiện hành khác. Ủy ban nhân dân 04 tỉnh khẩn trương tổng hợp số người thuộc diện được mua bảo hiểm y tế theo Quyết định số 12/QĐ-TTg gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính để tổng hợp. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế thẩm tra, bố trí kinh phí (chuyển thẳng) cho địa phương.

- Bộ Tài chính chủ trì làm việc trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về vấn đề hướng dẫn cấp bù lãi suất thực hiện các chính sách cho vay hỗ trợ quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5698/VPCP-NN ngày 02 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ.

- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ngoài vấn đề xuất khẩu lao động, đề nghị triển khai tích cực các nhiệm vụ đề ra trong Quyết định số 12/QĐ-TTg để ổn định việc làm lâu dài cho người dân.

- Các Bộ khác được giao nhiệm vụ, đề án tại Quyết định số 12/QĐ-TTg khẩn trương xác định kinh phí thực hiện gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tạm cấp kinh phí theo quy định, đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có phương án cân đối tổng thể về nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn Formosa theo Quyết định số 12/QĐ-TTg cho phù hợp.

[...]