Thứ 5, Ngày 14/11/2024

Thông báo số 252/TB-VPCP về việc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều hành giá cả, thị trường cuối năm 2007 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 252/TB-VPCP
Ngày ban hành 30/11/2007
Ngày có hiệu lực 30/11/2007
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Quốc Huy
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 252/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2007

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CÁC GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH GIÁ CẢ, THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM 2007 VÀ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN MẬU TÝ

Ngày 27 tháng 11 năm 2007, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước; Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Chính phủ bàn về các giải pháp điều hành giá cả, thị trường cuối năm 2007 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Trong điều kiện mở cửa và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, giá cả trong nước ta đang tiếp tục có xu hướng tăng, chuyển dần sang một mặt bằng mới. Chính phủ đã và đang tích cực, chủ động sử dụng các biện pháp và công cụ điều tiết vĩ mô phù hợp với kinh tế thị trường và tình hình cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ để bảo đảm cho quá trình chuyển đổi sang cơ chế giá thị trường và mặt bằng giá mới không ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

2. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện khẩn trương và triệt để Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường và Chỉ thị số 23/2007/CT-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2007 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tý.

3. Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu, đáp ứng đủ nhu cầu hàng hoá (cả về số lượng, chất lượng và thị hiếu) cho sản xuất và tiêu dùng; không để xảy ra thiếu hàng, gây sốt giá vào dịp cuối năm 2007 và Tết Nguyên đán Mậu Tý. Chủ động phối hợp với các Bộ liên quan áp dụng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ áp dụng các biện pháp hỗ trợ cần thiết về thuế, vốn, thông tin, thủ tục hành chính, cơ chế nhập khẩu tiểu ngạch và các biện pháp phù hợp khác để bảo cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón, thuốc trừ sâu, lương thực, thực phẩm, gas, thuốc chữa bệnh và các hàng tiêu dùng thiết yếu khác phục vụ đời sống nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành lượng gạo xuất khẩu năm 2007 theo đúng kế hoạch đề ra; cùng các Bộ, ngành chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm đủ hàng cho sản xuất và tiêu dùng trong nước với giá hợp lý.

4. Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, thị trường, giá cả trên địa bàn, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trong phạm vi địa phương, nhất là tại các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung, các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và bão lũ; đẩy mạnh quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu trốn thuế, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn cho nhân dân trong dịp lễ Nô-en, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2008.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, nhất là nhân dân ở các vùng khó khăn, những người thuộc diện chính sách tại các vùng bị thiên tai, dịch bệnh vừa qua để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, giúp nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, nhất thiết không được để người dân bị thiếu lương thực, thuốc chữa bệnh, giống để sản xuất.

6. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường hàng hoá và tiền tệ, thực hiện các giải pháp kiểm soát tổng phương tiện thanh toán và các biện pháp kiềm chế tăng giá vào dịp cuối năm, khi tiền lương, tiền thưởng, giải ngân vốn đầu tư xây dựng tăng cao, lượng kiều hối về nhiều... Kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống tín dụng, tiền tệ.

7. Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm soát thị trường chứng khoán, nhất là thị trường chứng khoán phi tập trung, không để xảy ra biến động vượt ra ngoài tầm kiểm soát hoặc không được dự báo trước; khẩn trương nghiên cứu trình Chính phủ Đề án kiểm soát thị trường chứng khoán phi tập trung. Tăng cường giám sát và kiểm soát tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước để sớm phát hiện và xử lý những biến động xấu ảnh hưởng đến thị trường. Tiếp tục triển khai thực hiện lộ trình xoá bao cấp qua giá, để trong năm 2008, giá dầu, giá than (trừ than cho sản xuất điện) thực hiện theo cơ chế thị trường; thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cho những người nghèo và các doanh nghiệp bị tác động do điều chỉnh giá; giải quyết dứt điểm bù khoản lỗ xăng dầu phát sinh năm 2007 cho các đầu mối nhập khẩu.

8. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện giao ban hàng tuần với lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận để các doanh nghiệp, nhân dân hiểu và ủng hộ các giải pháp điều hành của Chính phủ; khắc phục tình trạng thông tin sai, thông tin một chiều gây tâm lý bất an trong nhân dân và làm trầm trọng thêm những khó khăn trong quản lý thị trường và giá cả.

9. Các cơ quan của Chính phủ (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Ngân hàng Nhà nước...) theo chức năng được giao chủ động cung cấp các thông tin về tình hình thị trường, giá cả, các chủ trương, biện pháp điều hành của Chính phủ cho các Tổng biên tập, các phóng viên báo, đài. Cần giải thích rõ bản chất và nguyên nhân biến động giá tiêu dùng thời gian qua, giải pháp bù lỗ để ổn định giá xăng dầu, nội dung và phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam và của quốc tế.... Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương điều chỉnh phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng của nước ta cho phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là về cơ cấu rổ hàng hoá.

10. Bộ Công thương chỉ đạo Tổ điều hành thị trường trong nước thực hiện họp hàng tuần, nắm chắc tình hình sản xuất, lưu thông, cân đối cung cầu các mặt hàng quan trọng để tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các chủ trương, biện pháp điều hành thị trường, giá cả có hiệu quả; đồng thời, tham dự và cung cấp thông tin trong các buổi giao ban báo chí hàng tuần do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b). XH. 400

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Quốc Huy