Thông báo 24/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 24/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 16/01/2013 |
Ngày có hiệu lực | 16/01/2013 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Khắc Định |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2013 |
Ngày 07 tháng 01 năm 2013, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một số Ban, Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và nhiều cán bộ, công chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại các điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2012, phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2013, phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
Góp phần vào những kết quả chung của cả nước có sự đóng góp quan trọng, thiết thực của toàn thể cán bộ, công chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của toàn ngành trong năm 2012.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm qua vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục, nổi lên là: nhiều đề án trong Chương trình công tác chuẩn bị còn chậm; công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế; chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp, chất lượng dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác dạy nghề ở nông thôn chưa hiệu quả; tai nạn lao động làm chết người, tranh chấp lao động và đình công vẫn xảy ra nhiều nơi; còn nhiều hồ sơ tồn đọng trong giải quyết chính sách đối với người có công; việc ngăn chặn bạo lực, lạm dụng trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em thực hiện hiệu quả còn thấp; đời sống của người lao động, nhất là hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn; tệ nạn ma túy, mại dâm ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phát huy thành tích và những kết quả đạt được, nghiêm túc phân tích những mặt còn hạn chế, yếu kém tìm ra nguyên nhân để quyết tâm tháo gỡ, ra sức khắc phục khó khăn thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trên từng lĩnh vực công tác trong thời gian tới.
a) Về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
- Bộ cần khẩn trương soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế để tạo công cụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phải coi đây là biện pháp đột phá.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm việc thực thi pháp luật và các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành; tăng cường năng lực và đổi mới hoạt động thanh tra lao động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
- Nâng cao năng lực dự báo, nhất là dự báo về thị trường lao động góp phần thiết thực để xây dựng các chính sách phù hợp.
- Khẩn trương hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo tinh thần Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ. Chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành.
- Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, giải trình, giải đáp về cơ chế, chính sách ở cấp Bộ, cấp địa phương để làm rõ kết quả thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những mặt được, chưa được góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
b) Về công tác giảm nghèo bền vững
- Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, đặt biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động phối hợp với Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh, bền vững đối với hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Rà soát việc tổ chức thực hiện, bổ sung các chính sách cần thiết, bảo đảm không để đồng bào ta bị đói do thiếu lương thực.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí xác định hộ nghèo, trong đó phân định rõ các loại hộ nghèo làm căn cứ xây dựng chính sách phù hợp đối với từng đối tượng trên tinh thần Nhà nước hỗ trợ kịp thời, đúng mức nhưng không để tình trạng lợi dụng, ỷ lại. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các hộ cận nghèo.
c) Về công tác dạy nghề
- Tập trung thực hiện tốt Chiến lược dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; làm tốt công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động để phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng của nước ta trong giai đoạn hiện nay; quan tâm đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
- Thực hiện việc sơ kết công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, phân tích, đánh giá rút ra bài học để thay đổi phương pháp dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng: kết hợp đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho nông dân gắn với công việc họ đang làm và đào tạo để chuyển nghề bảo đảm người lao động có thể chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ ngay trên địa bàn.
d) Về chính sách đối với người có công
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người có công; rà soát, giải quyết dứt điểm các trường hợp hồ sơ còn tồn đọng; xử lý nghiêm các trường hơp khai man hồ sơ để hưởng chính sách.
- Chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai thực hiện tốt công tác hỗ trợ nhà ở đối với người có công, bảo đảm hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao.
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ cả ở trong nước, ở nước bạn Lào và Campuchia; áp dụng các biện pháp khoa học trong công tác tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
đ) Về một số lĩnh vực khác
- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tập trung phát triển thị trường lao động theo hướng lựa chọn thị trường có thu nhập cao, ổn định và an toàn cho người lao động, phải gắn với việc chuẩn bị tốt công tác đào tạo, nâng cao chất lượng của người lao động. Riêng thị trường lao động Hàn Quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương cần thực hiện đồng bộ, kiên quyết và hiệu quả các giải pháp nhằm đưa người lao động Việt Nam đã hết thời hạn về nước, đồng thời vận động và hợp tác với Hàn Quốc nối lại thị trường này trong thời gian sớm nhất.