Thông báo số 219/2005/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp giao ban về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 219/2005/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 28/11/2005 |
Ngày có hiệu lực | 28/11/2005 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Trần Quốc Toản |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 219/2005/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2005 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP GIAO BAN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM (H5N1) VÀ ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI
Ngày 26 tháng 11 năm 2005, Thường trực Chính phủ đã họp giao ban với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp SARS và cúm ở người về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và các thành viên ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Tình hình dịch cúm gia cầm vẫn diễn biến rất phức tạp và đang lây lan nhanh ra diện rộng. Tiếp theo công điện số 1856/TTg-NN ngày 19 tháng 11 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải tập trung thực hiện quyết liệt một số công việc cấp bách sau:
a) Tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền và quán triệt, chấp hành nghiêm túc hơn nữa Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Phải tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi người dân về mức độ nguy hiểm và nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời bình tĩnh, tự tin lấy việc chủ động phòng ngừa là chính, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tự bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng.
b) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có biện pháp kiên quyết giảm đàn gia cầm như tạm dừng ngay việc ấp nở con giống, không phát triển nuôi mới, chỉ tập trung bảo vệ giữ giống bố mẹ trong thời gian dịch đang bùng phát và diễn biến phức tạp.
Trong khu vực nội thành, nội thị và nơi tập trung đông dân cư phải kiên quyết thực hiện việc không nuôi gia cầm, kể cả chim cảnh. Đối với gia cầm đến thời điểm xuất chuồng mà không nhiễm bệnh thì đưa vào cơ sở giết mổ tập trung để tiêu thụ bình thường nhưng phải kiểm dịch chặt chẽ. Đối với gia cầm còn nhỏ thì kiên quyết tiêu huỷ.
Đối với khu vực ngoại thành, ngoại thị, chăn nuôi gia cầm công nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh đến thời điểm xuất chuồng cần phải tổ chức giết mổ tập trung để tiêu thụ bình thường và có kiểm dịch. Trường hợp không tiêu thụ được thì tiêu huỷ tự nguyện.
Việc tiêu huỷ gia cầm được hỗ trợ theo Quyết định số 309/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không tiếp tục phát triển đàn, chỉ giữ đàn giống.
c) Nghiêm cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các chốt kiểm tra liên ngành kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lưu thông gia cầm, sản phẩm gia cầm. Nếu phát hiện gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch thì kiên quyết tịch thu và tổ chức tiêu huỷ.
d) Cơ quan quản lý thị trường, thú y, y tế kiểm tra chặt chẽ việc giết mổ gia cầm, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm. Nếu phát hiện gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch thì kiên quyết tịch thu và tổ chức tiêu huỷ.
đ) Bộ đội biên phòng, Hải quan, quản lý thị trường, thú y phải tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu gia cầm tại các cửa khẩu và dọc tuyến biên giới. Tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; xử lý nghiêm khắc đối với chủ hàng.
e) Đóng cửa việc thăm quan du lịch tại khu vực có gia cầm, chim hoang, chim quý ở các vườn quốc gia, khu vui chơi giải trí.
g) Sớm hoàn thành việc quy hoạch, tổ chức lại các cơ sở giết mổ theo hướng giết mổ công nghiệp tập trung gắn với chăn nuôi công nghiệp có đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
2. Bộ Y tế phải khẩn trương chỉ đạo bằng mọi biện pháp bảo đảm trang thiết bị và thuốc men cho yêu cầu phòng, chống dịch. Triển khai ngay việc mua trang thiết bị, thuốc men đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả và chặt chẽ về thủ tục pháp lý. Hướng dẫn các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ về phòng, chống dịch; có phương án huy động lực lượng và phân bổ thuốc men, trang thiết bị từ trung ương đến cơ sở để xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra, ưu tiên đối với các thành phố. Tăng cường cán bộ, trang thiết bị tại các cửa khẩu để kiểm soát, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đối với người nhập cảnh, nhất là cửa khẩu qua biên giới đường bộ.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế có chính sách, cơ chế hỗ trợ việc nghiên cứu, sản xuất máy thở, vắc xin trong nước để phục vụ phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A ở người.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |