Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông báo 208/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công Thương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 208/TB-VPCP
Ngày ban hành 29/07/2016
Ngày có hiệu lực 29/07/2016
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 208/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2016 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

Ngày 12 tháng 7 năm 2016, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công Thương. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; một số Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, các Hiệp hội trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thay mặt Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương đã đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, cụ thể là:

- Nhiều ngành công nghiệp vẫn duy trì đà tăng cao, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,1% (cùng kỳ 2015 tăng 10%), sản xuất phân phối điện tăng 11,7% (cùng kỳ tăng 11,4%), cung cấp nước, xử lý rác thải, chất thải tăng 8,1% (cùng kỳ tăng 6,9%). Một số sản phẩm công nghiệp tiếp tục tăng mạnh, trong đó điện sản xuất tăng 11,6%, quặng Apatit tăng 13,3%, khí hóa lỏng tăng 11,3%, sắt thép thô tăng 15,1%, thép cán tăng 22,7%, tivi tăng 69,9%, máy công cụ tăng 83,2%, ôtô tăng 27,1%.

- Xuất khẩu duy trì đà tăng khá, 6 tháng đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh giá dầu thô và một số hàng hóa trên thị trường thế giới giảm, xuất khẩu của các nước trên thế giới hầu hết đều gặp khó khăn.

- Thị trường trong nước tiếp tục được quan tâm phát triển; hàng hóa đa dạng, không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; về cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn giá, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

- Công tác cải cách hành chính được tiếp tục quan tâm đẩy mạnh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

- Chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tích cực tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định TPP và Hiệp định với EU (EVFTA).

2. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, ngành Công Thương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

- Tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 7,12%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (tăng 9,36%); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 7,5%, thấp hơn cùng kỳ (tăng 9,7%); ngành khai khoáng giảm 2,2%, trong đó khai thác đầu thô giảm 6,1%.

- Tổ chức không gian công nghiệp chưa thể hiện được vai trò của các vùng trọng điểm kinh tế của đất nước, chưa thể hiện được liên kết theo vùng, ngành. Phát triển ngành cơ khí phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao chưa có sự quan tâm đúng mức và chưa đáp ứng yêu cầu.

- Một số công trình trọng điểm quốc gia triển khai chậm, phát huy hiệu quả chưa cao và phát sinh nhiều vấn đề gây bức xúc cho người dân.

- Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch nhất là trong lĩnh vực công nghiệp còn chưa đánh giá đầy đủ bối cảnh quốc tế, tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp; chuẩn bị cho hội nhập quốc tế còn chưa tốt. Một số chiến lược, quy hoạch chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo được động lực và sự hỗ trợ cần thiết để khu vực tư nhân tham gia trong phát triển công nghiệp quốc gia như chiến lược phát triển ngành cơ khí, chiến lược phát triển ô tô, quy hoạch phát triển ngành thép; một số quy hoạch phát sinh yếu tố phức tạp như quy hoạch thủy điện.

- Sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) còn yếu dẫn đến khó khăn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong nước cũng như thực hiện mục tiêu nâng cấp nền kinh tế.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng 5,9% thấp hơn cùng kỳ (tăng 9,2%), trong đó nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm 38,7% do xuất khẩu dầu thô giảm mạnh cả lượng và giá; tốc độ tăng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng giảm mạnh so với cùng kỳ; xuất khẩu dệt may cũng giảm đặc biệt trong điều kiện mở như hiện nay.

- Quản lý thị trường trong nước có mặt còn bất cập, trong đó một số chuỗi doanh nghiệp bán lẻ hiện đại lớn đã bị nước ngoài chi phối; tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tiếp diễn, chưa giải quyết được căn bản; việc quản lý bán hàng đa cấp, phân bón giả, chất nổ công nghiệp chưa chặt chẽ, gây bức xúc xã hội.

- Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa hiệu quả, tỷ trọng vốn được cổ phần hóa còn rất thấp. Công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng uy tín của ngành, trong đó có việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo một số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương.

- Công tác hội nhập quốc tế thời gian qua có lúc còn chưa được coi trọng đúng mức, nhất là vấn đề tổ chức thực thi các hiệp định FTA thế hệ mới; nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, doanh nghiệp về hội nhập còn chưa đầy đủ nên chưa tận dụng được hết các cơ hội do hội nhập đem lại.

- Hệ thống thương vụ ở nước ngoài hoạt động còn chưa đều, nhiều khu vực chưa phát huy hiệu quả nhất là việc xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu.

- Thương mại biên giới còn nhiều bất cập cần phải giải quyết sớm và dứt điểm, nhất là vấn đề tạm nhập, tái xuất.

- Về thể chế, cơ chế quản lý: Vẫn còn tình trạng nửa thị trường, nửa kế hoạch hóa, do tư duy cũ và lợi ích chi phối, nên thiếu sự mạnh mẽ, mạch lạc trong xây dựng chính sách và trong điều hành; cơ chế cạnh tranh và quản lý cạnh tranh, chống độc quyền còn hạn chế.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Một số yêu cầu, nhiệm vụ tổng quát đối với ngành Công Thương trong thời gian tới:

- Công tác quản lý nhà nước đối với ngành Công Thương cần thay đổi cơ bản để xây dựng nền kinh tế thị trường thực chất và hiệu quả. Tăng cường công tác tổ chức thị trường, quản lý thị trường, tạo hành hang pháp lý để các thành phần kinh tế tham gia phát triển thị trường, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, chống độc quyền. Tập trung tái cơ cấu ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu đổi mới, với trách nhiệm kiến tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh trong lĩnh vực ngành quản lý.

- Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đồng bộ để công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển nhanh hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng năng suất dựa trên ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; kết nối tốt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để nâng cấp nền kinh tế.

- Khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển ngày càng lớn mạnh, trừ một số lĩnh vực quan trọng nhà nước cần chi phối.

[...]