Thông báo 208/TB-VPCP năm 2014 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát động phong trào thi đua “Toàn ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới” do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 208/TB-VPCP
Ngày ban hành 21/05/2014
Ngày có hiệu lực 21/05/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Hữu Vũ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 208/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2014

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA “TOÀN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHUNG SỨC THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI”

Ngày 17 tháng 5 năm 2014, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị sơ kết thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát động phong trào thi đua “Toàn ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới”. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe báo cáo Sơ kết 01 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các nhiệm vụ trọng tâm năm 2014-2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; báo cáo chuyên đề về tái cơ cấu ngành: lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt của các đơn vị trực thuộc Bộ; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến kết luận như sau:

1. Đánh giá chung:

a) Biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương đã nghiêm túc, chủ động, tích cực sớm xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2012 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015 và Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 9 tháng 2 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020, đồng thời đã tổ chức chỉ đạo triển khai Đề án kịp thời, đúng hướng.

b) Việc tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ:

- Nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chất lượng, thương hiệu sản phẩm đã được nâng lên; một số địa phương đã thực hiện chuyển đổi sáng tạo, thực tiễn có nhiều mô hình đạt năng suất, hiệu quả cao, tăng thu nhập cho nông dân. Theo thống kê, thu nhập bình quân của hộ nông dân năm 2013 đạt 19,9 triệu đồng/hộ, tăng 1,8 lần so với năm 2010; giá trị thu được trên đất trồng trọt đạt bình quân 72,8 triệu đồng/ha/năm, trên đất nuôi trồng thủy sản đạt 146 triệu đồng/ha/năm, đều tăng mạnh so với trước đây.

- Hệ thống văn bản, các đề án cụ thể hóa, nhiều chính sách phục vụ thực hiện tái cơ cấu ngành đã được ban hành.

c) Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa được đồng bộ; một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Kết quả thể hiện trên thực tiễn chưa nhiều, tác động đến tăng trưởng ngành còn hạn chế, thu nhập của nông dân còn thấp, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh.

Tái cơ cấu là vấn đề khó không chỉ đối với ngành nông nghiệp và kết quả đạt được mới chỉ ở bước đầu, vì tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, cơ cấu của ngành, đóng góp của nông nghiệp trong nền kinh tế vẫn chưa tương xứng, đòi hỏi tiếp tục phải có tư duy mới, sáng tạo và thường xuyên tiếp cận thị trường.

2. Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:

Để tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong năm 2014-2015 và các năm tiếp theo, nhất trí cơ bản với các nhiệm vụ, giải pháp mà ngành nông nghiệp đã đề ra cũng như phát biểu đề xuất, kiến nghị của một số đại biểu tại Hội nghị, đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, các địa phương tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, quán triệt đến cấp bộ đảng, chính quyền các cấp, toàn ngành, doanh nghiệp, người dân về mục tiêu, quan điểm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nhằm tạo sự chuyển biến, quyết tâm cao để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, với thị trường. Ngành cần tổng kết, đánh giá các mô hình liên kết có hiệu quả, đồng thời nghiên cứu so sánh với mô hình của các nước, nhất là các nước trong khu vực để học hỏi, rút kinh nghiệm, thúc đẩy các mô hình sáng tạo, đổi mới phát triển, coi đó là nhiệm vụ để phát triển nông nghiệp bền vững.

Năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng, doanh nghiệp nông nghiệp hoàn toàn có thể phát triển và làm giàu từ nông nghiệp, vấn đề đặt ra là phải có giải pháp tái cơ cấu và mô hình liên kết đúng, năng động và sáng tạo.

b) Có chương trình nghiên cứu, đẩy mạnh công tác thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến tất cả các ngành, từng phân ngành, kiểm soát dung lượng thị trường, quy mô tái cơ cấu, quản lý, điều tiết sản xuất, kinh doanh; đồng thời có giải pháp đưa thông tin đồng bộ đến người sản xuất kinh doanh.

c) Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, coi đây là một trong những nội dung có tính quyết định của việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phải đưa ra các giải pháp mới, có xây dựng mô hình mẫu với từng ngành và có cơ chế chính sách để mở rộng.

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tái cơ cấu; nắm bắt yêu cầu của cơ sở, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo mục tiêu đã đề ra.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Kinh tế Trung ương Đảng;
- Các Bộ: NN&PTNT, TC, CT, KH&ĐT, KH&CN, TN&MT, LĐTB&XH;
- UBKT, UBKHCN&MT của Quốc hội;
- Ngân hàng nhà nước Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Trợ lý TTg, các Vụ, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ