Thông báo 190/TB-VPVP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 190/TB-VPVP
Ngày ban hành 14/04/2017
Ngày có hiệu lực 14/04/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Lê Mạnh Hà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 190/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐỒNG NAI

Ngày 18 tháng 3 năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016 phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 và một số đề xuất, kiến nghị. Cùng dự buổi làm việc với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Nội vụ, Giao thông vận tải, Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Sau khi nghe lãnh đạo Tỉnh báo cáo và ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực cố găng, khắc phục khó khăn và đạt kết quả khá toàn diện về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh thời gian qua. Năm 2016, kinh tế - xã hội của Tỉnh có 23/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 77,3 triệu đồng, thu ngân sách tăng 12%; đã có 1.253 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 25,67 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2017, các ngành sản xuất đều tăng so với cùng kỳ năm trước như: Xuất khẩu tăng 8,6%; tổng vốn đầu tư trong nước tăng 52,8%. Chương trình xây dựng nông thôn mới của Tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, đến nay đã có 113/133 xã (chiếm 85% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới.

Cải cách hành chính, cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ (năm 2015 xếp hạng thứ 03/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 xếp thứ 34/53 tỉnh, thành phố của cả nước (tăng 3 bậc so với năm 2015). Chất lượng công tác điều tra xử lý tội phạm được nâng lên, bảo đảm quyền con người, yêu cầu về chính trị, nghiệp vụ góp phần kiềm chế, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 7.113 vụ việc vi phạm buôn lậu và gian lận thương mại; điều tra, làm rõ 339 vụ, 466 đối tượng, thu hồi tài sản có giá trị 1,8 tỷ đồng.

Năm 2016, Tỉnh đã tích cực thanh tra những lĩnh vực quan trọng đang được dư luận quan tâm để chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, các kết luận, kiến nghị được xử lý khách quan, chính xác, kịp thời; công tác đôn đốc việc xử lý sau thanh tra phát huy hiệu quả tốt.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ: Năm 2016, đã giải quyết việc làm cho trên 90.000 lao động, tăng 13%; đào tạo nghề trên 67.400 lao động; hỗ trợ gần 12.000 hộ nghèo, cận nghèo vay trên 260 tỷ đồng. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, Tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công nghệ sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu còn lạc hậu; công tác bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa có nhiều chuyển biến; tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp; vẫn còn tồn một số vụ việc khiếu kiện đông người kéo dài; tội phạm và vi phạm pháp luật về tài sản, giết người cướp tài sản, cố ý gây thương tích còn chiếm tỷ lệ cao, tội phạm về ma túy có chiều hướng gia tăng. Tỉnh cần quan tâm hơn nữa, sớm khắc phục những hạn chế này để bảo đảm phát triển bền vững trong thời gian tới.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo kinh tế - xã hội của Tỉnh đề ra cho năm 2017, lưu ý thêm một số công tác trọng tâm sau:

1. Về kinh tế - xã hội:

- Tổ chức thực hiện quyết liệt hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh và Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017.

-Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6 tháng 2 năm 2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Tiếp tục phát huy lợi thế là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhất là các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách; không tiếp nhận những dự án có công nghệ lạc hậu; gắn kết doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp FDI. Lựa chọn phát triển các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm công nghệ cao, nhất là các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin, các dịch vụ tư vấn, dịch vụ kỹ thuật cao...ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

- Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa; phát triển hệ thống trường nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển của Tỉnh, của vùng Đông Nam bộ và cả nước; giải quyết việc làm cho lao động ở vùng nông thôn và các khu tái định cư; tăng cường xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, đặc biệt là môi trường nước sông Đồng Nai, sông Thị Vải.

2. Về công tác phòng, chống tội phạm: Đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh làm giảm các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm hình sự, ma túy, buôn lậu, tham nhũng, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao...làm tốt công tác quản lý người nghiện, công tác cai nghiện, không để xảy ra tình trạng người nghiên bỏ trốn khỏi Cơ sở cai nghiện. Nâng cao chất lượng công tác điều tra truy tố, xét xử, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Tăng cường quản lý, giám sát khai thác cát bảo đảm môi trường sinh thái.

3. Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác phòng chống tham nhũng:

- Tập trung giải quyết dứt điểm những khiếu kiện, tố cáo của công dân nhất là những dự án thu hồi nhiều đất, nhiều hộ dân mất đất nhưng chưa có việc làm; một số dự án kéo dài từ 5 đến 7 năm chưa được đầu tư xây dựng dẫn đến đất còn bị bỏ hoang hóa...giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, phức tạp từ cơ sở, không để phát sinh khiếu kiện đông người và hình thành điểm nóng về an ninh trật tự.

- Nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các chương trình, giải pháp phòng chống tham nhũng; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động công dân, công chức, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp các ngành và của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến đất đai, xây dựng, giao thông, đầu tư, cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản...

4. Về công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại:

- Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; quán triệt, thực hiện nghiêm Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo quốc gia (ngày 09 tháng 3 năm 2017).

- Kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận thương mại, hàng lậu, hàng giả... để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Về công tác cải cách hành chính:

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh; quyết liệt, sáng tạo, có những mô hình mới, cách làm hay, huy động sức mạnh của cả hệ thng chính trị để xây dựng chính quyền các cấp liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhóm nhiệm vụ, giải pháp về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương”.

- Nhân rộng mô hình Tổ công tác của Chính phủ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên, các nhiệm vụ giao cho đơn vị mình quản lý; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ để xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương.

- Khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông để triển khai thống nhất, đồng bộ về hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng của tỉnh.

[...]