Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông báo số 19/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách Nhà nước năm 2007 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 19/TB-VPCP
Ngày ban hành 26/01/2007
Ngày có hiệu lực 23/02/2007
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2007 

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2007

Ngày 08 và 09/1/2007, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách Nhà nước năm 2007. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chủ trì Hội nghị. Tham sự có các đồng chí thành viên Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo một số cơ quan Trung ương.

Hội nghị đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 01/2006/NQ-CP ngày 16/1/2006 và dự thảo Nghị quyết Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; Bộ trưởng Bộ Thương mại trình bày Báo cáo về những giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững sau khi gia nhập WTO; Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày Báo cáo kiểm điểm về công tác cải cách hành chính 2006 và dự kiến chương trình cải cách hành chính sắp tới; Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày Báo cáo kiểm điểm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố và bộ, ngành Trung ương đã thảo luận, đóng góp ý kiến dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2007. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận Hội nghị như sau:

Hội nghị nhất trí cao với đánh giá của Chính phủ về thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hộ năm 2006. Đây là năm đầu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Thành tựu của năm 2006 là kết quả của 20 năm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, cải cách hành chính, chống tham nhũng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại...; đã tạo nên thế và lực mới, thời cơ, thuận lợi và niềm tin mới cho đất nước ta, dân tộc ta.

Năm 2007, phải triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quốc của Quốc hội đã đề ra, trong đó cần xác định trọng tâm chỉ đạo điểu hành của Chính phủ là phấn đấu để đạt tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn, chất lượng, hiệu quả hơn; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, coi đây là một động lực để phát triển kinh tế - xã hội và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiềm chế, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.

I. VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao và bền vững:

1. Các Bộ, ngành, địa phương và từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần có chương trình hành động cụ thể, thiết thực và triển khai thực hiện tốt các kế hoạch về đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của ngành, địa phương và đơn vị mình. Ngay từ Quý I/2007, phải phấn đấu GDP tăng khoảng 8%, các quý sau, phấn đấu đạt cao hơn quý trước để tạo khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8,2-8,5%.

Các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư từ các thành phần kinh tế, phấn đấu đầu tư toàn xã hội chiếm tỷ trọng cao hơn 40% GDP; chỉ đạo mạnh để tranh thủ mùa khô triển khai sớm các dự án xây dựng cơ bản trọng điểm (nhất các dự án nhóm A); đổi mới thủ tục phê duyệt dự án và khắc phục những nguyên nhân làm chậm tiến độ công trình.

Vấn đề quy hoạch, nhất là các dự án lớn về hạ tầng, là yếu tố quyết định và có ý nghĩa lớn đối với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại quy hoạch, bảo đảm quy hoạch phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương trong từng thời kỳ, không để quy hoạch treo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì việc xây dựng các cơ chế và biện pháp thu hút vốn đầu tư theo hình thức ODA, FDI, BOT, BT... để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trước mắt cho việc xây dựng đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các bến cảng, sân bay, đường trục cáp thông tin dưới biển và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản hiện hành về thực hiện Luật Đất đai để tạo cơ chế thuận lợi hơn cho các giao dịch về đất đai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, trên tinh thần tăng cường phân cấp mạnh cho địa phương; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị định về đấu thầu trong hoạt động khoáng sản.

Các doanh nghiệp nhà nước cần chủ động đầu tư trên cơ sở nguồn vốn tự có và huy động vốn ở thị trường chứng khoán, không quá trông chờ vốn từ ngân sách nhà nước hay từ vay ưu đãi. Vốn ngân sách dành để đầu tư ở các địa phương, nguồn vốn này phải được quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí. Các địa phương cần đầu tư có trọng điểm, không dàn trải và dành một phần để trả nợ đã ứng trước.

2. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chỉ đạo thực hiện các giải pháp để ổn định được giá cả, tỷ giá và giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Về nguyên tắc, giá cả hàng hoá phải mang yếu tố thị trường, nhưng cần tăng cường kiểm soát bảo đảm bình ổn giá các loại vật tư, hàng hoá quan trọng. Vừa qua, giá điện đã được điều chỉnh, sắp tới, giá xăng, dầu cũng sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường. Các Bộ, ngành phải có cơ chế kiểm soát, quản lý được các mặt hàng cơ bản như xăng dầu, xi măng, sắt thép, thuốc chữa bệnh...; bảo đảm hàng tiêu dùng, nhất là lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Tổ điều hành thị trường gồm Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua hoạt động khá hiệu quả, cần phát huy và tăng cường hơn nữa công tác này trong việc kiểm soát giá cả, ổn định giá của các mặt hàng chiến lược, vật tư thiết yếu cho sản xuất và đời sống trên cơ sở giảm giá thành sản xuất và chi phí lưu thông; kịp thời đề xuất việc điều chỉnh giá và cho phép nhập khẩu khi cần thiết; có biện pháp chỉ đạo cụ thể về dự trữ nguồn hàng, mạng lưới phân phối, chống đầu cơ, buôn lậu và gian lận thương mại, bảo đảm đầy đủ hàng hoá phục vụ nhân dân, nhất là không để biến động lớn về giá cả trong dịp Tết Nguyên đán.

Thị trường chứng khoán thời gian gần đây có nhiều khởi sắc, sôi động hơn, nhưng cũng xuất hiện một số biểu hiện không lành mạnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính cần tăng cường các biện pháp quản lý và kiểm soát theo hướng tạo điều kiện để hoạt động thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ hơn, bảo đảm lành mạnh, đúng hướng.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì trong việc đề ra chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là thu hút đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho công tác khuyến nông, khuyến nông và khoa học, công nghệ.

Trước mắt, nông dân nhiều nơi đang gặp khó khăn trong việc sản xuất hàng hoá, sức cạnh tranh yếu, thiếu thốn, phải đi vay nặng lãi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai mạnh việc cho nông dân vay vốn để sản xuất.

Các địa phương phải gắn việc thu hồi đất với việc tái định cư, giải quyết việc làm cho nhân dân; cần nghiên cứu giảm nhẹ việc đóng góp của dân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (làm đường, trường học...). Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu chế độ thu thuỷ lợi phí theo hướng giảm thất thoát, giảm chi phí cho nông dân.

Phải ngăn chặn bằng đựơc dịch cúm gia cầm, tránh để lây sang người. Chỉ đạo quyết liệt việc phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá ở cây lúa, phòng, chống dịch lở mồm, long móng ở gia súc; tập trung chống hạn cho lúa và hoa màu, có phương án sử dụng nước hợp lý bảo đảm nước cho vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu.

4. Về các vấn đề xã hội:

Cần tập trung chỉ đạo kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông kéo dài. Bộ Công an và các địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong dịp Tết. Từng địa phương cần có chương trình hành động về kiềm chế và giảm tai nạn giao thông.

Bộ Giao thông vận Tải, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia phải xây dựng ngay đề án giảm thiểu tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông đô thị. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường giáo dục nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện, quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép lái xe... Nghiên cứu sửa đổi Nghị định 152/CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm tăng hơn mức xử phạt hành chính để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật lệ giao thông.

Các vấn đề xã hội khác như dạy nghề, giáo dục, y tế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm các giải pháp, chế tài cụ thể và cụ thể thành các văn bản pháp quy để thực hiện.

Đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo: năm 2007 phấn đấu giảm thêm được 3% hộ nghèo. Để xoá đói, giảm nghèo bền vững, phải coi trọng vấn đề tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, hỗ trợ gia định có nhà cửa bị sập, tàu thuyền bị chìm, doanh nghiệp bị thiệt hại lớn...

II. VỀ ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH:

Mặc dù được xác định là khâu đột phá của cải cách hành chính, nhưng hiện nay thủ tục hành chính rườm rà, phiền phức, chậm được rà soát, điều chỉnh. Một bộ phận cán bộ, công chức kém năng lực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi đến các cơ quan công quyền làm thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép... Đây là một nguyên nhân làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

[...]