Thông báo 186/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 26 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 186/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 15/07/2021 |
Ngày có hiệu lực | 15/07/2021 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Trần Văn Sơn |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 186/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2021 |
Sáng ngày 15 tháng 7 năm 2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và 26 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu Hà Nội có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; tại đầu cầu các tỉnh, thành phố có Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 26 tỉnh, thành phố các khu vực nêu trên.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến của Lãnh đạo các địa phương, các Bộ trưởng, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan và phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:
1. Cơ bản thống nhất nội dung báo cáo của Bộ Y tế và các ý kiến phát biểu, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn tại cuộc họp. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, trong đó biến chủng virus Delta mới lây nhiễm nhanh, mạnh, khó lường trên diện rộng, trong khi cơ sở vật chất, kinh nghiệm còn hạn chế do việc chống dịch với tốc độ lây lan nhanh, mạnh trên diện rộng là chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch đã cố gắng, nỗ lực vượt bậc, đặc biệt là các đồng chí Bí thư Thành ủy/Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thể hiện trách nhiệm cao, gương mẫu với tinh thần tất cả vì sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và kêu gọi, vận động, truyền cảm hứng cho các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, chia sẻ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch, đồng thời duy trì, đây mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh tại những nơi có điều kiện.
Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực, cụ thể và đạt được những kết quả nhất định; bước đầu kiềm chế sự lây lan nhanh của dịch bệnh và tập trung cứu chữa các ca nhiễm, hạn chế thấp nhất các ca tử vong, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện thiết yếu; đồng thời duy trì đà tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự và hỗ trợ lặp thời người lao động, người sử dụng lao động một cách hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, nhất là đối với những nơi thực hiện các Chỉ thị số 15/CT-TTg và số 16/CT-TTg.
Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ở Trung ương đã bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, kịp thời trao đổi với các địa phương liên quan để hướng dẫn, hỗ trợ các yêu cầu về vật tư, trang thiết bị y tế, sinh phẩm, nhân lực phục vụ phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh. Các địa phương vừa tập trung phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh tại những nơi an toàn, đủ điều kiện, góp phần hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) trên địa bàn.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương, các bộ, cơ quan đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, chủ trương, định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và các quy định, hướng dẫn liên quan của Bộ Y tế, các bộ ngành và đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển KTXH, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận còn những hạn chế, bất cập. Một số địa phương chưa bám sát diễn biến tình hình, chưa dự báo, lường hết được những khó khăn, đặc biệt là sự lây lan nhanh, mạnh của biến chủng virus mới Delta; có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng, hoặc để xảy ra bất ngờ. Còn có những người dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, chưa chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh; thậm chí còn vi phạm quy định. Do đó kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của một số địa phương chưa cao, chưa được như mong muốn. Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg đã chưa lường hết được những khó khăn và khả năng đáp ứng của địa phương khi thực hiện giãn cách xã hội nên đã xảy ra thiếu hụt cục bộ trang thiết bị, sinh phẩm, nhân lực, nguồn lực vật chất y tế phục vụ phòng, chống dịch; lưu thông hàng hóa có nơi, có lúc còn ách tắc; còn hiện tượng cục bộ khan hiếm hàng hóa và các nhu yếu phẩm cần thiết, để một số người dân phàn nàn, bức xúc. Hướng dẫn của các bộ, ngành trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, thống nhất, dẫn đến triển khai thực hiện còn lúng túng, bị động ở cấp cơ sở. Công tác truyền thông và việc cung cấp thông tin chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện, trong khi các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng đưa tin xuyên tạc, sai sự thật trên mạng xã hội, dẫn đến một số người dân hoang mang, dao động, lo lắng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng và yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương phải tập trung phân tích, đánh giá nghiêm túc, sâu sắc, toàn diện kết quả đạt được; đặc biệt là những tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập và nhất là nguyên nhân chủ quan để kịp thời khắc phục, đồng thời có giải pháp thực hiện quyết liệt hơn, mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
3. Dự báo trong những ngày tới, tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn ở các địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; còn các ổ dịch tiềm ẩn, chưa phát hiện hết trong cộng đồng và số lượng các ca lây nhiễm có thể tăng lên nếu không có những quyết sách, biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hiệu quả. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng có thể bị tác động mạnh. Đời sống sinh hoạt của một bộ phận nhân dân trong khu vực thực hiện cách ly, giãn cách xã hội thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chỉ thị số 15/CT-TTg có thể bị tác động cả về vật chất và tinh thần. Việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chỉ thị số 15/CT-TTg nếu không nghiêm, thiếu kiểm tra giám sát sẽ dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, ỷ lại và gây ra hậu quả còn nặng nề hơn; cần tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương một cách nghiêm túc, chặt chẽ, toàn diện, đồng bộ; đồng thời thực hiện khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung phân tích, đánh giá, dự báo, nhận định rõ những vấn đề phát sinh để chuẩn bị tốt hơn, có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta cần tận dụng “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” để thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ hiệu quả hơn, nhanh nhất có thể để khoanh vùng, cách ly tập trung, dập dịch và tích cực điều trị, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
4. Mục tiêu chủ yếu thời gian tới:
- Bằng các hành động thiết thực, hiệu quả, quyết tâm ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh tại các địa phương, trước hết là tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.
- Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; tập trung cứu chữa các ca bệnh, hạn chế tối đa các ca tử vong; không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết.
- Giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo an sinh xã hội trong bất cứ hoàn cảnh nào. Kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa biên giới và các khu cách ly, phong tỏa.
- Nhanh chóng ổn định tình hình để người dân trở lại cuộc sống bình thường và bảo đảm duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Bảo vệ bằng được an toàn dịch bệnh cho các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, chuỗi cung ứng sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu, không để phát sinh những tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi, phát triển của nền kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ phủ yêu cầu các địa phương và các bộ, cơ quan liên quan bám sát các mục tiêu trọng tâm trên đây và căn cứ tình hình cụ thể, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
- Nhất quán tinh thần “chống dịch như chống giặc”; tích cực, hiệu quả, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong chuyển trạng thái từ "phòng ngự sang tấn công"; trong đó vẫn lấy phòng ngừa dịch bệnh là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định; xét nghiệm chủ động, nhanh chóng khoanh vùng, cách ly, phong tỏa, hạn chế tối thiểu mức độ lây lan; tấn công dập dịch quyết liệt, hiệu quả tại các ổ dịch. Huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân để cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các quy định, quy chế, quy trình đã được các cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 15/CT-TTg.
- Phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp với phương châm: Mỗi xã, phường, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là một “pháo đài” chống dịch; mỗi người dân là một chiến sỹ xung kích trên mặt trận chống dịch.
- Công tác xét nghiệm phải chủ động hơn, nhanh chóng khoanh vùng, bao vây, dập dịch hiệu quả ở những nơi có nguy cơ cao, những nơi có dịch bệnh, nhất là những nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin một cách kịp thời, an toàn, hiệu quả, khoa học cho các đối tượng ưu tiên theo quy định, không gây phiền hà cho người dân, gây ách tắc giao thông, gây lây nhiễm cho cộng đồng.
- Các bộ, cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân; tăng cường ứng dụng các công cụ ứng dụng công nghệ thông tin một cách rộng rãi, hiệu quả với tinh thần tất cả vì sức khoẻ, vì lợi ích của Nhân dân; tranh thủ thời cơ lúc này để đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
- Đối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, ưu tiên hàng đầu trong lúc này là tập trung phòng chống dịch hiệu quả; kiên quyết chống bệnh chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, ỷ lại, trông chờ. Bám sát tình hình và căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh để kịp thời, nhanh chóng quyết định áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg một cách nghiêm ngặt, chặt chẽ. Đồng thời tận dụng cơ hội nếu đủ điều kiện để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhưng phải bảo đảm an toàn với tinh thần chỉ những nơi nào đủ điều kiện an toàn mới tổ chức sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy những chuỗi cung ứng toàn cầu, toàn quốc.
- Trong tình hình mới, phải có cách tiếp cận mới, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, căn cứ điều kiện cụ thể, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để đưa ra những quyết sách, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, có hiệu quả; phát huy tối đa tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp lãnh đạo và sáng kiến, đề xuất của người dân, doanh nghiệp. Trong lúc khó khăn, thử thách lại càng phải tôn trọng, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tuyên truyền, vận động việc tham gia phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi người dân; chú trọng nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân; tạo niềm tin vững chắc cho Nhân dân và kêu gọi người dân đồng hành, chia sẻ, cùng tham gia tích cực, đồng tình chống dịch Covid-19.
- Các cấp ủy đảng, chính quyền ở các cấp, các ngành phải là chỗ dựa quan trọng địa chỉ tin cậy nhất của Nhân dân; cần biến khó khăn, thách thức thành động lực để phấn đấu, trưởng thành, phục vụ Nhân dân tốt hơn; đồng thời, kêu gọi, truyền cảm hứng để Nhân dân ủng hộ, tham gia thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngay sau khi có điều kiện.
- Phát huy tối đa các biện pháp hiệu quả, kinh nghiệm hay, cách làm tốt; đồng thời khẩn trương nhân rộng những điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH của các cơ quan đơn vị, địa phương.