Thông báo 178/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 178/TB-VPCP
Ngày ban hành 12/05/2020
Ngày có hiệu lực 12/05/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Thị Thu Vân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ QUÝ I NĂM 2020

Ngày 21 tháng 4 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để bàn về kết quả công tác điều hành giá quý I/2020; định hướng công tác điều hành giá quý II và các tháng còn lại năm 2020. Sau khi nghe Bộ Tài chính báo cáo, ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Ban Chỉ đạo điều hành giá cơ bản đồng ý nội dung báo cáo, nhận định đánh giá và đề xuất, kiến nghị của Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và các ý kiến tại cuộc họp. Nhìn chung, mặt bằng giá quý I năm 2020 tăng khá cao so với cùng kì năm 2019 (5,56%), nhất là trong tháng 1 tăng 1,23%, ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành giá của cả năm 2020; dẫn đến việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4% gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chủ yếu tác động làm tăng CPI là từ nhóm thực phẩm (tăng 13,21%); nhất là mặt bằng giá mặt hàng thịt lợn vẫn ở mức cao (80.000 - 86.000đ/kg lợn hơi), tác động không nhỏ đến diễn biến chung của thị trường. Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá của một số mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn,.. trên thị trường có diễn biến phức tạp, giá bị đẩy cao; mặt khác trong một số thời điểm, cục bộ có một bộ phận người dân đổ đi mua hàng dự trữ nhu yếu phẩm nên có những tác động nhất định tới tâm lý chung của toàn xã hội.

Trong quý I, nhất là tháng Tết và thời điểm cao điểm phòng chống dịch, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong từng lĩnh vực, địa bàn, nhất là tăng cường quản lý, điều hành giá. Hiện nay, các cấp, các ngành vẫn đang triển khai tốt công tác quản lý, điều hành giá theo kịch bản từ đầu năm; cơ bản không tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (nhất là giá điện), điều hành giá xăng dầu liên tục giảm theo giá thế giới và chủ động điều hành chính sách tiền tệ ổn định, linh hoạt đã góp phần quan trọng trong công tác kiểm soát lạm phát mục tiêu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thị trường, giá cả quốc tế, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; trong đó phải tăng cường quản lý giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, điều hòa cung cầu hàng hóa, dịch vụ, kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết chống đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý... Đồng thời theo dõi sát, nắm bắt thông tin, phân tích dự báo và điều hành giá cả phù hợp với mục tiêu nhất quán là kiểm soát CPI dưới 4%, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương phối hợp chặt chẽ, quyết liệt triển khai đồng bộ giải pháp đề ra.

2. Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã được Quốc hội đề ra và căn cứ các nghiên cứu, phân tích, đề xuất kịch bản điều hành giá đã được trao đổi, thảo luận làm rõ và thống nhất tại cuộc họp; Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó chú trọng các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Các nhiệm vụ, giải pháp chung:

- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường, giá cả phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu, trong thời gian diễn ra dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 04 tháng 01 năm 2020 và Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 02 tháng 02 năm 2020 thông báo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá; công văn số 1771/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ.

- Đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các bộ, ngành địa phương cần thực hiện nghiêm chủ trương chung của Chính phủ là không thực hiện điều chỉnh giá trong quý II đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá, nhất là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020. Trường hợp cần xem xét điều chỉnh trong năm 2020 thì chủ động tính toán, đánh giá liều lượng, mức độ và thời điểm phù hợp để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá theo lộ trình giá thị trường, nhất là sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế để tránh tác động đến an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát mục tiêu. Quan điểm nhất quán là việc điều chỉnh giá theo lộ trình không ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.

- Tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và địa phương, tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.... Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm tra, thanh tra thị trường để xử lý vi phạm đối với các hành vi găm hàng, đầu cơ, nâng giá bất hợp lý; Ban Chỉ đạo 389 tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu đề ra. Khẩn trương hướng dẫn triển khai các giải pháp liên quan đến ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ và đối tượng bị thiệt hại bởi dịch tả lợn Châu Phi cần nhu cầu vốn để tổ chức tái đàn, chăn nuôi. Bám sát mục tiêu điều hành lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 dưới 3%.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và giám sát thông tin mạng, không để những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường; chủ động tuyên truyền về công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch; thực hiện công khai, minh bạch thông tin về giá, góp phần kiểm soát lạm phát kỳ vọng và tạo sự đồng thuận trong dư luận.

b) Đối với công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu:

Yêu cầu các bộ quản lý ngành hàng, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương căn cứ quy định pháp luật hiện hành và diễn biến cụ thể giá cả, thị trường để có biện pháp quyết liệt trong điều hành, cụ thể như sau:

- Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động làm tăng CPI đã được nêu trong kịch bản điều hành giá:

+ Xăng dầu: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và bộ, ngành liên quan: (i) Tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá ổn định hoặc không tăng giá đột biến, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước, hỗ trợ đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng xăng sinh học theo chủ trương của Chính phủ; (ii) Sớm đẩy nhanh tiến độ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; (iii) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ động theo dõi, đánh giá tình hình sản xuất xăng dầu trong nước kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước gắn với việc điều hành giá đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

+ Điện: Cơ bản không xem xét điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2020. Đối với chủ trương miễn, giảm giá trong 03 tháng cho một số đối tượng đã được Chính phủ thông qua, Bộ Công Thương tiếp tục đánh giá, hướng dẫn thực hiện chủ trương giảm giá điện có hiệu quả, nhất là giảm giá điện đối với đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo. Đồng thời, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán, chủ động thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để tránh trường hợp lỗ và treo các khoản lỗ khi thực hiện chương trình giảm giá điện theo như phương án được đề xuất để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây áp lực tăng giá trong năm 2021 và thời gian tới, nhất là ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí,…), các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất điện trong khi các ngành hàng này không có điều kiện để giảm giá.

+ Gas/LPG: Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai giá. Đồng thời, Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý, giám sát nguồn cung trong nước và sản lượng nhập khẩu để kịp thời đề xuất các biện pháp đảm bảo nguồn cung phù hợp.

+ Thịt lợn

Để kiểm soát tốt giá thịt lợn trong thời gian tới, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường, quy định của pháp luật và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp đảm bảo nguồn cung và kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm đưa giá lợn hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg phấn đấu ngay trong tháng 4, đầu tháng 5 gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa giữa người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng. Yêu cầu các bộ, ngành chức năng và địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, thời gian theo từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quý III. Theo dõi, tổng hợp, phân tích và đưa ra số liệu cụ thể về dự kiến lượng lợn thịt (đủ tiêu chuẩn xuất chuồng theo quy định để giết mổ, cung cấp ra thị trường) trong từng tháng để từ đó chủ động có phương án điều hòa cung - cầu thịt lợn. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả thực hiện định kỳ hàng tháng từ nay đến hết quý III; đồng gửi Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp chung.

Chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thực hiện đúng cam kết về giảm giá bán lợn hơi và việc cung ứng số lượng lợn hơi. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước kiểm tra giá thành lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định pháp luật và yêu cầu doanh nghiệp giảm giá lợn hơi về mức hợp lý như chỉ đạo trên.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, trên cơ sở đó đôn đốc các địa phương rà soát, công bố hết dịch để hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi yên tâm tái đàn, thúc đẩy chăn nuôi hộ gia đình, tăng đàn bù đắp nguồn cung thiếu hụt; tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng với giá cả hợp lý và an toàn dịch bệnh cho người dân để thực hiện tái đàn, tăng đàn phù hợp với dự báo về cầu và giá cả theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xây dựng các chuỗi đảm bảo cung ứng thịt lợn trong mùa dịch và ổn định thị trường trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành chức năng và các doanh nghiệp nhập khẩu đảm bảo nhập đủ số lượng thịt còn thiếu theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để bổ sung thịt lợn thiếu hụt trên thị trường từ nay đến quý III, không để thiếu nguồn cung thực phẩm quan trọng này trong mọi trường hợp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Trên cơ sở kế hoạch tái đàn, phát triển sản xuất và sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước hàng tháng, đánh giá cụ thể tình hình cung cầu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án điều hòa cung cầu, trong đó có tính đến tiếp tục nhập khẩu bù đắp nguồn cung thiếu hụt (nếu cần thiết).

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả mặt hàng thức ăn chăn nuôi là đầu vào cho sản xuất, chăn nuôi lợn để kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất trình Chính phủ giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi góp phần giảm bớt khó khăn cho chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung.

[...]