Thông báo 166/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 166/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 27/04/2020 |
Ngày có hiệu lực | 27/04/2020 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Cao Huy |
Lĩnh vực | Đầu tư,Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 166/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2020 |
Ngày 24 tháng 4 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình). Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc báo cáo, Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước, ý kiến của Văn phòng Chính phủ và phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
1. Thống nhất về tên Chương trình là: “Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; thời gian thực hiện theo 02 giai đoạn: 2021 - 2025 và 2026 - 2030.
2. Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan rà soát mục tiêu, đối tượng điều chỉnh, phạm vi, quy mô của Chương trình bám sát quy định của Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019; bảo đảm không trùng lặp giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp khả năng cân đối và huy động các nguồn vốn thực hiện Chương trình.
3. Thống nhất về nhu cầu vốn tối thiểu của Chương trình (trong đó tối thiểu 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách trung ương); trong quá trình điều hành sẽ tiếp tục rà soát, cân đối, huy động các nguồn lực khác, kể cả nguồn vốn ODA để thực hiện Chương trình, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
4. Yêu cầu nội dung của Chương trình tập trung vào hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát kỹ, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng thật sự cần thiết, cấp bách và chưa được đầu tư trước đây; nghiên cứu các giải pháp cụ thể hơn để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh trường hợp chuyển nhượng đất sau khi được cấp và tiếp tục di cư; tăng các khoản vay tín dụng với lãi suất phù hợp để hỗ trợ, phát huy tính năng động, sáng tạo, quyết tâm của đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh.
Căn cứ chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch các cấp, giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung nội dung Chương trình phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật.
5. Giao Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình; tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định và ý kiến của các đại biểu dự họp, rà soát, nghiên cứu kỹ các hoạt động đề xuất tại các tiểu dự án, dự án thành phần, hoàn thiện các nội dung về phân chia các dự án thành phần của Chương trình theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả của Chương trình.
6. Giao Ủy ban Dân tộc thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, đề xuất một số cơ chế đặc thù để thực hiện Chương trình; tiếp tục cụ thể hóa trong các bước tiếp theo bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, tránh chồng chéo, đúng quy định của pháp luật; phòng, chống thất thoát, lãng phí.
7. Giao Ủy ban Dân tộc tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ, ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước và các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để kịp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |