Thông báo số 165/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng Kinh tế trọng điểm do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 165/TB-VPCP
Ngày ban hành 29/09/2006
Ngày có hiệu lực 29/09/2006
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Quốc Huy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 165/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2006 

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI HỘI NGHỊ BAN CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC ĐIỀU PHỐI PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM

Ngày 23 tháng 9 năm 2006 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng Kinh tế trọng điểm Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng Kinh tế trọng điểm. Tham dự, có các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bưu chính viễn thông, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư 21 tỉnh, thành phố trực thuộc các Vùng Kinh tế trọng điểm.

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các Bộ trình bày báo cáo: Tình hình và kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng Kinh tế trọng điểm; dự thảo Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm; Quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam; Quy hoạch hệ thống xử lý chất thải tại các Vùng Kinh tế trọng điểm; Hệ thống thủy lợi, các công trình phòng tránh thiên tai tại Vùng Kinh tế trọng điểm; Chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Công tác ban hành và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường ở các Vùng Kinh tế trọng điểm; Chính sách ưu tiên và cơ chế phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực; Cơ chế chính sách phát triển thương mại và ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố các Vùng Kinh tế trọng điểm, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:

Cơ bản nhất trí với Báo cáo của các Bộ và ghi nhận ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị về tình hình chung; dự thảo Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm; chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong việc thực hiện điều phối phát triển các Vùng Kinh tế trọng điểm. Trong thời gian tới cần tập trung giải quyết một số việc sau:

1. Bổ sung hoàn thiện dự thảo Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm. Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục góp ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và các địa phương hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong tháng 10 năm 2006.

2. Tiếp tục nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của các Vùng Kinh tế trọng điểm trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, là các vùng hội tụ đủ điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng, công nghiệp sử dụng công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao; đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ vai trò đầu tàu cho cả nước; đi đầu về hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, sinh thái. Vị trí, vai trò của các Vùng Kinh tế trọng điểm đã được thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị (số 53-NQ/TW; số 54-NQ/TW; số 39-NQ/TW) và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (số 145/2004/QĐ-TTg; số 146/2004/QĐ-TTg; số 148/2004/QĐ-TTg). Vì vậy, các Bộ, ngành và các địa phương cần phải rà soát lại những nội dung công việc đã thực hiện, chưa thực hiện, tìm nguyên nhân và đề ra các giải pháp để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung đi sâu vào những giải pháp chủ yếu như: đầu tư, huy động vốn cho đầu tư…

3. Rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch kinh tế - xã hội của từng Vùng Kinh tế trọng điểm trên cơ sở Quy hoạch kinh tế - xã hội của từng tỉnh, thành phố trong Vùng. Quy hoạch Vùng Kinh tế trọng điểm cần lưu ý:

- Hoàn thiện từng Quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn Vùng, xác định rõ các loại quy hoạch cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, điện, thủy lợi, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện…). Rà soát lại các vấn đề bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn trong từng Quy hoạch cụ thể.

- Các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương trong các Vùng Kinh tế trọng điểm cần phải đề ra các giải pháp đồng bộ để quản lý thật tốt các Quy hoạch đã được phê duyệt.

- Nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên thị trường và bảo đảm phát triển bền vững, ổn định, nhất là các dịch vụ: đào tạo, dạy nghề, khám chữa bệnh…

4. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã xác định rõ các đề án, dự án lớn cần đầu tư, các Bộ, ngành và địa phương phải phối hợp với nhau để triển khai thực hiện đầu tư. Đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác điều phối chung của Ban Chỉ đạo điều phối.

- Phối hợp lựa chọn danh mục sản phẩm chủ yếu để kêu gọi đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài tùy theo lợi thế của từng địa phương, từng vùng.

- Đồng thời với việc kêu gọi đầu tư, cần tính tới các loại hình, hình thức huy động nguồn lực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu cơ chế, chính sách liên quan đến huy động nguồn lực cho đầu tư, sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Vai trò của Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng Kinh tế trọng điểm cần phải được tăng cường và củng cố để nâng cao chất lượng của hoạt động điều phối.

- Rà soát lại chương trình điều phối, bám sát những vấn đề cần điều phối chung như: giao thông, thủy lợi, đào tạo, bệnh viện, môi trường…

- Định kỳ hàng năm tổ chức Hội nghị điều phối chung, 4 tháng tổ chức Hội nghị điều phối từng Vùng để kịp thời quyết định, xử lý ngay những việc có liên quan.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng các địa phương trong từng Vùng Kinh tế trọng điểm định kỳ hoặc luân phiên chịu trách nhiệm chung phân công trách nhiệm giải quyết, báo cáo với các cơ quan chuyên ngành, Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề trọng yếu liên quan đến cả Vùng.

- Về hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét những vấn đề liên quan đến nhân sự, cơ sở vật chất… để bảo đảm hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong các Vùng Kinh tế trọng điểm biết, thực hiện./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các PTTCP;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố thuộc 3 VKTTĐ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Ban XDPL;
  Các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, KG, VX, NC,
  Ban XDPL, IV, TTBC, Website CP;
- Lưu: VT, ĐP.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Quốc Huy

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ