Thông báo 164/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị sơ kết thực hiện 06 tháng đầu năm, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2016 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 164/TB-VPCP
Ngày ban hành 05/07/2016
Ngày có hiệu lực 05/07/2016
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT THỰC HIỆN 06 THÁNG ĐẦU NĂM, NHIỆM VỤ 06 THÁNG CUỐI NĂM 2016 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Ngày 28 tháng 6 năm 2016, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã chủ trì Hội nghị sơ kết thực hiện 06 tháng đầu năm, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2016 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các thành viên và cố vấn của Ban Chỉ đạo, Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương.

Sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình) báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 06 tháng đầu năm và nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2016, ý kiến phát biểu của thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, nhà nước, đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã tạo đột phá lớn trong phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội ở nông thôn, làm thay đổi nhận thức của đa số cán bộ và người dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng; Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua, phong trào quần chúng sôi nổi và đều khắp trong cả nước. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất, tạo nhiều chuyển biến mới trong nông nghiệp, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện, nâng cao.

Đến nay có 1.965 xã đạt 19 tiêu chí (đạt 22%) tăng thêm 4,9% so với cuối năm 2015, bình quân cả nước đạt 13,0 tiêu chí/xã (tăng 8,3 tiêu chí so với 2010); đã có 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có 10 huyện, thị xã đang đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định để xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế: Tiến độ triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn khung Chương trình giai đoạn 2016-2020 còn chậm so với kế hoạch; việc phân khai kế hoạch của các địa phương còn chưa kịp thời, việc cấp kinh phí khen thưởng cho các xã, huyện theo Quyết định 1620/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ còn chưa được thực hiện; một số địa phương còn chạy theo thành tích nên có biểu hiện huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng trả còn nhiều; việc triển khai và vận dụng chính sách ở một số nơi còn máy móc, kém hiệu quả...

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ 06 THÁNG CUỐI NĂM

Cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình 06 tháng cuối năm 2016 được nêu trong Báo cáo. Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung làm tốt một số trọng tâm sau:

1. Về mục tiêu, yêu cầu thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ: Phấn đấu đến hết năm 2016 cả nước có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 30-35 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mớI; số tiêu chí bình quân/xã cả nước tăng thêm từ 1-1,2 tiêu chí so với năm 2015; tỷ lệ số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 25%, giảm số xã đạt dưới 05 tiêu chí xuống 250 xã.

2. Về nhiệm vụ, cần chú trọng các nội dung sau:

a) Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 phù hợp với định hướng Chương trình trong giai đoạn 2016-2020; rà soát lại quy hoạch, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của từng vùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng thí điểm một số mô hình xử lý chất thải rắn và nước thải, mô hình cung cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn theo hướng xã hội hóa nhất là xã đảo, xã bãi ngang ven biển, các xã khó khăn về nguồn nước sinh hoạt; tập trung hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là đối với những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; từng bước có giải pháp, cơ chế chính sách để cải thiện một bước về môi trường nông thôn một cách toàn diện; chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ;

b) Khẩn trương rà soát, ban hành Bộ tiêu chí cấp xã giai đoạn 2016- 2020, tiếp cận theo hướng làm rõ hơn về nội hàm của các tiêu chí, phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là tiêu chí “mềm” liên quan tới sinh kế, việc làm, thu nhập và đời sống tinh thần của cư dân nông thôn; tăng cường thẩm quyền của cấp tỉnh, linh hoạt trong việc ban hành tiêu chí về cơ sở hạ tầng nhất là với các vùng khó khăn, vùng đặc thù (miền núi, bãi ngang ven biển...), để đảm bảo Chương trình được thực hiện mang hiệu quả thực chất cho đời sống của người dân. Đối với các địa phương đã được công nhận nông thôn mới, cần có biện pháp nâng chất, củng cố, phát huy các giá trị đã đạt được để trở thành nông thôn mới kiểu mẫu cho các xã khác tham khảo, thực hiện.

Đối với tiêu chí huyện nông thôn mới, khẩn trương hướng dẫn theo Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quá trình đô thị hóa, gắn kết với tỉnh về quy hoạch hạ tầng, dân cư và phát triển sản xuất;

c) Đẩy mạnh công tác truyền thông và thi đua khen thưởng năm 2016; khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng yêu cầu tiêu chuẩn thi đua phải cao hơn, tập trung vào những tiêu chí liên quan đến sản xuất, văn hóa, an ninh, xã hội, môi trường; tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tổ chức trao giải thưởng báo chí hàng năm về nông thôn mới; phát động cuộc thi và định kỳ hàng năm tổ chức khen thưởng cá nhân tiêu biểu, tôn vinh doanh nghiệp có đóng góp cho xây dựng nông thôn mới (giao Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI và các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện);

d) Các Bộ, ngành đưa vào Chương trình công tác của Bộ các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình, nhất là về chất lượng công tác thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của các địa phương cũng như vấn đề giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản; Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương khẩn trương tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai thực hiện của các địa phương theo địa bàn được phân công;

đ) Phát huy hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực các nước và tổ chức quốc tế cho chương trình; tổ chức đoàn công tác đi khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nông thôn mới; khẩn trương triển khai thủ tục dự án vốn vay ODA do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ; thủ tục phê duyệt Dự án do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ;

e) Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị chuyên đề với các địa phương trong quý III năm 2016 (theo hình thức trực tuyến) để triển khai Chương trình; chủ trì, phối hợp với các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ xây dựng quy chế phối hợp trong việc xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

III. VỀ KIẾN NGHỊ

1. Về đề nghị hoàn thiện thủ tục phê duyệt Chương mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (thay thế Quyết định 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ): giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 15 tháng 7 năm 2016.

2. Về kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương và xây dựng quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo (Trung ương và địa phương) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 7 năm 2016.

3. Về phương án bố trí vốn trung hạn 2016-2020, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội (trước 20 tháng 7 năm 2016).

4. Về kinh phí khen thưởng giai đoạn 2011-2015: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 391/TB-VPCP ngày 30 tháng 11 năm 2015 và văn bản số 801/VPCP-KTTH ngày 02 tháng 02 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 7 năm 2016.

5. Về phương án ứng và tăng thêm kinh phí kiểm tra, giám sát cho Thường trực Chương trình và các Bộ, ngành Trung ương tương ứng với các nhiệm vụ đã được bổ sung trong Chương trình nông thôn mới (giai đoạn 2016-2020) để tiếp tục thực hiện trong năm 2016: giao Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện trong tháng 7 năm 2016.

6. Về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước tổng hợp báo cáo, phân loại nguyên nhân khách quan và chủ quan, đề xuất giải pháp hợp lý, bảo đảm tránh tiêu cực nhằm phát triển bền vững Chương trình; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định.

7. Về đề nghị ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định danh mục các dự án nhóm C, quy mô nhỏ cho phù hợp với đặc thù của Chương trình xây dựng nông thôn mới: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 trước 05 tháng 7 năm 2016.

8. Về đề nghị cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được vận dụng linh hoạt trong phân bổ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương hàng năm cho các xã để thực hiện Chương trình: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2016.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ