Thông báo 160/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 tại cuộc họp về Đề án rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 160/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 18/04/2014 |
Ngày có hiệu lực | 21/04/2014 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 160/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2014 |
Ngày 02 tháng 4 năm 2014 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về Đề án rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020. Tham dự cuộc họp có các đồng chí Thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 (Ban Chỉ đạo). Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo; ý kiến của các Thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuẩn bị công phu, đầy đủ nội dung và thông tin về tình hình thực hiện bảo vệ và phát triển rừng ven biển và Đề cương đề án "Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020", cụ thể như sau:
1. Về tình hình triển khai thực hiện bảo vệ và phát triển rừng ven biển:
a) Kết quả thực hiện:
- Toàn quốc trồng được 17.650 ha rừng ngập mặn, đã góp phần đáng kể trong việc phòng hộ, bảo vệ vùng bờ biển trước biến đổi khí hậu và thiên tai.
- Hệ thống rừng ngập mặn ven biển toàn quốc đã cơ bản được duy trì bảo vệ tốt (đến năm 2013 là 208.420 ha);
- Các địa phương đang tiến hành rà soát, xây dựng báo cáo quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng đến năm 2020 để tổng hợp và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2014.
- Đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010; phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 7 tháng 02 năm 2014.
- Đã ban hành một số tiêu chuẩn, quy trình định mức cho trồng rừng ven biển; triển khai thí điểm một số mô hình trồng rừng ngập mặn phòng hộ xung yếu bảo vệ đê biển, mô hình nông lâm ngư kết hợp và khôi phục lại rừng ngập mặn, mô hình trồng rừng trên vùng bờ biển bị xói lở với hàng rào giảm sóng,… được đánh giá có hiệu quả, đồng thời xây dựng dự thảo Quyết định về chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Đang triển khai thực hiện "Dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016" theo Quyết định phê duyệt số 594/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2014 Bộ đang chỉ đạo tiến hành kiểm kê rừng tại 13 tỉnh vùng Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng đối với rừng phòng hộ ven biển, từ năm 2010 đến năm 2013, đã chỉ đạo tiến hành rà soát, quy hoạch tổng thể rừng phòng hộ ven biển toàn quốc đến năm 2020.
b) Một số tồn tại chủ yếu:
- Kết quả thực hiện được đến nay còn rất thấp so với mục tiêu đề ra; nhiều nội dung cần phải tiếp tục đầu tư thực hiện, đặc biệt là công tác trồng rừng và bảo vệ rừng ven biển để phù hợp với Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9 tháng 01 năm 2012 và Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 theo Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 5 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với sự điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; xây dựng, củng cố hệ thống đê biển gắn với ứng phó biến đổi khí hậu,… của các địa phương.
- Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sử dụng đất còn bất cập, thiếu sự phối hợp thống nhất giữa các ngành liên quan. Quy hoạch rừng ở địa phương thiếu ổn định và thường bị điều chỉnh do nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế, công nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch,…; Việc giao, khoán rừng, đất lâm nghiệp cho cộng đồng và các hộ gia đình để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ở các địa phương còn hạn chế.
- Trồng rừng ven biển mới chỉ đạt 18% so với mục tiêu đề ra. Chỉ tiêu đạt thấp là do nguồn vốn đầu tư trồng và bảo vệ rừng ven biển bố trí từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch hàng năm chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa huy động hoặc lồng ghép được các nguồn vốn khác (như Chương trình MTQG về biến đổi khí hậu; vốn Chương trình củng cố nâng cấp đê biển; vốn tài trợ hoặc vốn vay quốc tế,…) để đầu tư trồng rừng ven biển.
- Điều kiện trồng rừng ven biển rất khó khăn nhưng suất đầu tư từ Ngân sách nhà nước cho trồng rừng phòng hộ còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặc thù của rừng ven biển.
- Công tác quản lý, chỉ đạo các Dự án trồng rừng ven biển hiện do nhiều bộ ngành hoặc địa phương trực tiếp quản lý, chưa có đầu mối để quản lý, tổng hợp và chỉ đạo thống nhất.
2. Về Đề án "Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020"
Cơ bản thống nhất với đề cương chi tiết Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn soạn thảo, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một số nội dung sau:
- Bổ sung thêm mục tiêu quốc phòng và Quân đội tham gia Đề án; mô hình quân đội tham gia bảo vệ và phát triển rừng ven biển, đặc biệt là những vị trí xung yếu.
- Phối hợp với các địa phương để rà soát lại số liệu cơ bản về diện tích rừng ven biển và đất trống quy hoạch cho trồng rừng, trong đó phân loại cụ thể về diện tích ngập mặn và diện tích trên cạn ven biển để có đề xuất phù hợp.
- Đề xuất các mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ và phát triển rừng ven biển bền vững, bao gồm: kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, hợp tác xã; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với từng hình thức tổ chức sản xuất; áp dụng công nghệ mới, khuyến khích xã hội hóa; nghiên cứu quy mô diện tích các mô hình phù hợp; cơ chế chính sách về giao đất trên bờ và ven sông, ven biển (đất ngập nước).
- Lựa chọn đề xuất giống cây trồng rừng phù hợp; nhà nước hỗ trợ khoa học công nghệ, nguồn vốn.
- Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng ven biển.
3. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Là cơ quan đầu mối ở Trung ương, thực hiện quản lý nhà nước về trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng ven biển trên phạm vi cả nước, trong đó có các dự án trồng rừng ven biển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển; xây dựng và thực hiện các dự án trồng rừng ven biển theo quy định.