Thông báo số 147/2001/TB-VPCP về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tượng Phạm Gia Khiêm về việc đẩy mạnh chấn chỉnh và tăng cường công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 147/2001/TB-VPCP
Ngày ban hành 29/10/2001
Ngày có hiệu lực 29/10/2001
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Trần Quốc Toản
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Lao động - Tiền lương

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 147/2001/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2001

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 147/TB-VPCP NGÀY 29 THÁNG 10 NĂM 2001 VỀ Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG PHẠM GIA KHIÊM VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VÀ CHUYÊN GIA

Nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia, để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về Chấn chỉnh và tăng cường công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia (họp ngày 09 và 10 tháng 9 năm 2001); Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các công việc sau đây:

1. Về nhận thức: Các Bộ, ngành, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động phải quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chiến lược xuất khẩu lao động, thấy rõ đây là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, không chỉ nhằm mục đích kinh tế, mà còn phục vụ cho việc phát triển các quan hệ đối ngoại.

2. Về cơ chế, chính sách:

a. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về xuất khẩu lao động theo hướng: làm rõ và tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia trên địa bàn; nâng cao điều kiện và tiêu chuẩn cấp phép đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (về vốn, tổ chức - cán bộ, năng lực đào tạo…); giảm chi phí cho người lao động; có cơ chế phù hợp về xuất khẩu chuyên gia; xác định dịch vụ việc làm là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; có chế tài xử lý nghiêm minh đối với những đơn vị, cá nhân vi phạm những quy định của pháp luật liên quan đến xuất khẩu lao động và chuyên gia. Trước mắt cần tập trung vào việc hoàn chỉnh đề án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trình Quốc hội; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152/1999/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 1999 về xuất khẩu lao động, Nghị định số 72/CP ngày 31 tháng 10 năm 1995 về việc làm, xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Quyết định số 68/2001/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2001 về một số biện pháp xử lý đối với tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc tự ý bỏ hợp đồng lao động.

b. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, cùng Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu lao động và chuyên gia.

c. Bộ Tư pháp chủ trì, cùng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan liên quan, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn việc giải quyết các vụ án có liên quan đến tranh chấp về xuất khẩu lao động và chuyên gia.

3. Về phát triển thị trường xuất khẩu lao động:

a. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng định hướng thị trường lao động: đề xuất các giải pháp phát triển củng cố và mở rộng các thị trường lao động đã có, phát triển thị trường lao động mới; xây dựng đề án thành lập hệ thống thông tin thị trường lao động để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động.

b. Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ và chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài thu thập thông tin về thị trường lao động, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất giải pháp mở rộng thị trường lao động đã có, phát triển thị trường lao động mới.

c. Bộ Tài chính chủ trì cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính cho công tác mở rộng và phát triển thị trường lao động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

d. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ nghiên cứu bố trí cán bộ quản lý lao động tại cơ quan đại diện Việt Nam ở những nước có nhiều lao động Việt Nam làm việc.

4. Về việc phòng ngừa, xử lý tu nghiệp sinh, người lao động đang làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng lao động hoặc tự ý bỏ hợp đồng lao động:

a. Doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc quy trình tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng, ký hợp đồng với người lao động và chuyên gia trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định hiện hành; báo cáo đầy đủ và kịp thời danh sách và tình hình của người lao động và chuyên gia với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại; chịu trách nhiệm tổ chức đưa về nước những tu nghiệp sinh tự ý bỏ hợp đồng lao động; xử lý các vi phạm của tu nghiệp sinh theo hợp đồng đã ký và báo cáo danh sách những tu nghiệp sinh đó với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thông báo cho chính quyền địa phương và đơn vị trực tiếp quản lý tu nghiệp sinh trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

b. Chính quyền các cấp cần chủ động phối hợp và có trách nhiệm trong việc tuyển chọn người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ động phát hiện để xử lý nghiêm minh các hành vi tuyển lao động trái pháp luật trên địa bàn quản lý.

c. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát để bổ sung hướng dẫn công tác tuyển chọn lao động, hướng dẫn các hình thức và biện pháp kết hợp giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động và chính quyền cơ sở trong khâu chuẩn bị, đào tạo và tuyển chọn lao động.

d. Bộ Tư pháp chủ trì, cùng Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm thoả thuận với các cơ quan chức năng của Nhật Bản, Hàn Quốc về thủ tục, trình tự phối hợp đưa về nước những tu nghiệp sinh tự ý bỏ hợp đồng lao động, theo Quyết định số 68/2001/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Về công tác tạo nguồn lao động:

a. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề, đặc biệt là quy hoạch các cơ sở đào tạo lao động xuất khẩu, có kế hoạch và giao chỉ tiêu dạy nghề phục vụ xuất khẩu lao động cho các cơ sở dạy nghề trong quy hoạch.

b. Doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có cơ sở đào tạo và giáo dục định hướng cho người lao động, có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương để tạo nguồn lao động.

c. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhu cầu và tiêu chuẩn lao động của mỗi thị trường, về kế hoạch học nghề, học ngoại ngữ theo yêu cầu của thị trường lao động để định hướng cho chính quyền địa phương và người lao động.

d. Bộ Y tế chấn chỉnh công tác kiểm tra sức khoẻ cho người lao động và chuyên gia trước khi đi làm việc ở nước ngoài, không để xảy ra những sai sót như trong thời gian vừa qua.

6. Về chấn chỉnh mạng lưới các doanh nghiệp xuất khẩu lao động:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, cùng các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát để chấn chỉnh và sắp xếp lại mạng lưới các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; kiên quyết đình chỉ, thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước hoặc các doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả; cần xây dựng những tiêu chí cụ thể đối với loại hình doanh nghiệp xuất khẩu lao động; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt quá thẩm quyền

7. Về công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ cho xuất khẩu lao động và chuyên gia:

Bộ Văn hoá - Thông tin cần chủ động phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và các cơ quan liên quan định hướng và chỉ đạo các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền phục vụ chiến lược xuất khẩu lao động và chuyên gia của Đảng và Nhà nước; xử lý kịp thời và nghiêm minh những trường hợp đưa tin thiếu khách quan, làm ảnh hưởng xấu đến công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biết và thực hiện.

[...]