Thông báo 146/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 146/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 22/06/2016 |
Ngày có hiệu lực | 22/06/2016 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Văn Tùng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 146/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2016 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BỘ NỘI VỤ
Ngày 06 tháng 6 năm 2016, tại trụ sở của Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã làm việc với Bộ Nội vụ, cùng dự làm việc có Lãnh đạo và đại diện các đơn vị của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ Nội vụ báo cáo về kết quả công tác 5 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 7 tháng cuối năm 2016 và một số đề xuất, kiến nghị của Bộ Nội vụ, ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận như sau:
a) Trong thời gian qua, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Nội vụ đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực: cải cách hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, công vụ, công chức, công tác tôn giáo, tín ngưỡng, thi đua khen thưởng, thanh niên, văn thư - lưu trữ nhà nước. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách, đặc biệt là xây dựng thể chế, triển khai Hiến pháp 2013, xây dựng và triển khai Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, đã trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, phục vụ bầu cử Quốc hội Khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Những thành tích trên đã góp phần thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển.
b) Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục: Việc xây dựng, ban hành một số văn bản, đề án còn chậm, chất lượng chưa cao, phải xin lùi thời hạn. Chưa kịp thời đánh giá kết quả đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ công chức. Công tác thanh tra mới chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công chức viên chức và tổ chức biên chế; chưa tiến hành thanh tra đối với những lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ như đào tạo, bồi dưỡng, quản lý hội, tổ chức phi chính phủ, cải cách hành chính...
2. Nhiệm vụ trong thời gian tới
a) Về công tác cải cách hành chính
Triển khai Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020, phối hợp và đôn đốc cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các rào cản, thủ tục rườm rà loại bỏ các giấy phép con không phù hợp, giảm thời gian thực hiện các thủ tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung cấp dịch vụ công qua mạng, liên thông giữa các lĩnh vực, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Sớm đề xuất phương án xử lý sự thiếu thống nhất về đầu mối tiếp nhận và trả hồ sơ đăng ký kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện công bố đúng thời hạn chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai xác định chỉ số hài lòng về chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực y tế và giáo dục đào tạo.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ giữ vai trò liên hệ giữa các thành viên, tổ chức triển khai Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo, chuẩn bị kỹ và chu đáo các cuộc họp, làm việc của Ban chỉ đạo theo Quy chế. Tích cực đôn đốc các cơ quan thực hiện các nội dung cải cách hành chính.
b) Về công chức, công vụ
- Khẩn trương hoàn thành các Đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là những Đề án phải lùi thời hạn trình, trong đó, lưu ý các văn bản về: tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; áp dụng Luật cán bộ công chức đối với đối tượng cán bộ.
Rà soát, tổng hợp những vướng mắc, đề xuất hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý và đánh giá công chức, viên chức cho phù hợp với thực tiễn, không để xảy ra tiêu cực, phân cấp quản lý phù hợp; quy định về thi nâng ngạch bảo đảm công khai, minh bạch, xác định môn và hình thức thi phù hợp nhằm mục đích bảo đảm đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực thực tiễn của cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu công vụ; tăng cường thanh tra giám sát chống tiêu cực và gian lận trong việc thi nâng ngạch; việc xác định vị trí việc làm phải bảo đảm phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Riêng việc xác định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4 năm 2016; đề xuất phương án để hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc bổ nhiệm chức danh “hàm” đối với cán bộ, công chức.
Phối hợp với các bộ, ngành đề xuất chính sách khả thi để thu hút người có tài năng trong hoạt động công vụ, lựa chọn các lĩnh vực chuyên ngành đặc thù để xác định chính xác người có tài năng, lưu ý thủ tục tiếp tục công nhận người có tài năng sau một thời gian làm việc.
Tổ chức thực hiện tinh giản biên chế, tránh tinh giản biên chế không đúng đối tượng, sử dụng việc tinh giản biên chế không đúng mục đích.
Chủ động rà soát các Đề án, việc thực hiện nhiệm vụ được giao, kịp thời xử lý vướng mắc, khắc phục tình trạng chậm trễ.
- Tổng hợp, cập nhật số liệu về tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.
- Tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Đề án tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp trong thời gian tới làm cơ sở đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức.
c) Về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
Tiếp tục hoàn thiện Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ Khóa XIV để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, số lượng cấp phó của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc, đề xuất phương án xử lý theo tinh thần của Luật tổ chức Chính phủ.
Tập trung thực hiện và đôn đốc việc thực hiện việc rà soát, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản sửa đổi các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các Luật hiện hành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành, đề xuất sắp xếp lại hoặc giải thể các tổ chức phối hợp liên ngành không hoạt động hoặc đã hoàn thành nhiệm vụ.
Khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo tinh thần Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Theo dõi tình hình sau bầu cử để tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; thực hiện tốt công tác quản lý địa giới hành chính theo tinh thần Hiến pháp, Luật, bảo đảm tinh gọn.