Thông báo 97/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ ngày 08 tháng 3 năm 2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 97/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 15/03/2012 |
Ngày có hiệu lực | 15/03/2012 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Phạm Viết Muôn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 97/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BỘ NỘI VỤ NGÀY 08 THÁNG 3 NĂM 2012
Ngày 08 tháng 3 năm 2012, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện các Đề án do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2012. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe Bộ Nội vụ báo cáo, ý kiến của đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã có ý kiến kết luận như sau:
1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế là nội dung ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII. Đây là công việc mà các bộ, ngành phải tập trung thực hiện trên tinh thần đề cao trách nhiệm, đổi mới cách làm, chú trọng hiệu quả và chất lượng.
Trong thời gian qua, lãnh đạo và công chức Bộ Nội vụ có nhiều nỗ lực, chủ động và trách nhiệm trong việc thực hiện các Đề án được phân công.
Tuy vậy, việc triển khai nhìn chung còn chậm. Năm 2012, Bộ Nội vụ chủ trì nhiều Đề án quan trọng theo sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chương trình công tác của Chính phủ. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng các Đề án, dự án yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương thực hiện một số công việc sau:
- Rà soát lại toàn bộ danh mục các Đề án được giao để kiến nghị điều chỉnh kịp thời (nếu cần thiết); kể cả việc nhập một số Đề án, qua đó có thể làm giảm số lượng và rút ngắn thời gian ban hành Đề án.
Đối với các Đề án đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, khẩn trương xây dựng kế hoạch, phân công công việc cho từng thành viên; đối với các Đề án chưa thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, phải sớm thành lập và thực hiện các công việc cần thiết cho việc xây dựng Đề án, sớm đưa ra dự thảo để lấy ý kiến.
- Những Đề án lớn do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao (Đề án Quy chế về quan hệ công tác giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ với Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với các đảng đoàn, Ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban Trung ương Đảng và các tỉnh ủy, thành ủy; Đề án Quy chế về quan hệ công tác giữa Ban Cán sự đảng Bộ với Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng và Đảng ủy cơ quan Bộ với các Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban Trung ương Đảng và các tỉnh ủy, thành ủy; Đề án thí điểm mở rộng việc bố trí Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành công an, tài chính, thuế, hải quan… không phải là người địa phương), phải ưu tiên bố trí cán bộ có kinh nghiệm, đủ năng lực trình độ và chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu xây dựng Đề án. Cần dự liệu thời gian, thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định Đề án trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội.
- Cần chủ động trong quá trình xây dựng Đề án, xây dựng lộ trình hợp lý, phát huy vai trò của từng thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập, gắn với việc nâng cao trách nhiệm của các đơn vị chức năng; chú ý việc lấy và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; những vấn đề liên ngành cần trực tiếp bàn bạc thống nhất để đảm bảo tiến độ.
- Để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính cho việc xây dựng các Đề án, Bộ Nội vụ làm việc với Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
2. Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 với 5 mục tiêu cơ bản, trong đó Bộ Nội vụ được giao chủ trì nhiều Đề án quan trọng. Đây là nhiệm vụ khẩn trương, nặng nề đòi hỏi phải được tập trung triển khai một cách quyết liệt, thực sự đổi mới về cách làm thì mới đem lại hiệu quả. Lãnh đạo Bộ cần phân công rõ trách nhiệm, xác định các loại việc, các sản phẩm phải hoàn thành vào mỗi giai đoạn, đồng thời chủ động hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai; tổ chức sơ kết, tổng kết kịp thời để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù được xác định là khâu ưu tiên, đột phá về cải cách hành chính nhưng việc triển khai một số công việc trọng tâm trong lĩnh vực cải cách công chức, công vụ còn chậm, cụ thể như: xác định vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, trọng dụng, thu hút người có tài năng trong hoạt động công vụ; chế độ thanh tra công vụ, chuyển đổi vị trí công tác; chế độ tiền lương; công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức… Bộ Nội vụ cần triển khai tập trung, quyết liệt hơn và coi đây là trọng tâm của công tác năm 2012.
3. Về tổ chức phối hợp liên ngành do Bộ trưởng đứng đầu:
Đồng ý đề xuất của Bộ Nội vụ về việc chuyển nhiệm vụ của các tổ chức phối hợp liên ngành thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành có liên quan trực tiếp hoặc bộ, ngành đang làm nhiệm vụ thường trực của các tổ chức phối hợp liên ngành để gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của bộ, cơ quan ngang bộ. Trước mắt, tập trung rà soát, đánh giá tình hình tổ chức, hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành do Bộ trưởng đứng đầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
4. Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát các văn phòng đại diện của các bộ, cơ quan ngang bộ đặt tại phía Nam và miền Trung, đề xuất phương án sắp xếp trên tinh thần bảo đảm hiệu quả hoạt động, thu gọn đầu mối, tránh gây lãng phí.
5. Cán bộ, công chức Bộ Nội vụ phải gương mẫu thực hiện văn hóa công sở và Quy chế công vụ, thực sự đi đầu trong cải cách hành chính, đổi mới tư duy và phương pháp thực thi công vụ, làm cho mỗi công chức có ý thức tự giác trau dồi phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ để trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực được phân công.
6. Văn phòng Chính phủ chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong việc triển khai xây dựng các Đề án, dự án; phân công người trực tiếp theo dõi các Đề án, kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng các Đề án.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |