Thông báo 132/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 132/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 13/03/2017 |
Ngày có hiệu lực | 13/03/2017 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 132/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2017 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BẮC NINH
Ngày 12 tháng 02 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1997 - 2016, mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng có các đồng chí: Trần Văn Túy, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Giao thông vận tải, Khoa,học và Công nghệ, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh; ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Thay mặt Chính phủ, biểu dương, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Ninh sau 20 năm chia tách tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu quyết liệt, có bước tiến mạnh mẽ, bứt phá vươn lên và đạt nhiều thành tựu quan trọng: Đến năm 2016, Tỉnh có 21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội thuộc nhóm 10 địa phương đứng đầu cả nước, trong đó có 7 chỉ tiêu đứng thứ nhất và 4 chỉ tiêu đứng thứ hai; quy mô kinh tế tăng nhanh (đứng thứ 6); cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, tỷ trọng công nghiệp dịch vụ chiếm 95%, nông nghiệp giảm còn 5%; xuất khẩu đạt 22,8 tỷ USD; thu hút 395 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 12,3 tỷ USD; thu ngân sách đạt 17.800 tỷ đồng. Tỉnh đã đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, nhiều chính sách đi trước hoặc thực hiện ở mức cao hơn so với cả nước như: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (87,4%); tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (100%); tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (59,8%); đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách; xây dựng nhà cho người lao động trong các khu công nghiệp đạt kết quả tích cực; bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi; quản lý, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm; phát huy tốt truyền thống năng động, văn hiến và hiếu học.
Cải cách hành chính được đẩy mạnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm thuộc nhóm tốt nhất cả nước; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 2 toàn quốc.
Tuy nhiên, Bắc Ninh vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục: Nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế nhưng tỷ lệ lao động trong nông nghiệp vẫn còn cao; lĩnh vực dịch vụ phát triển còn chậm; công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng với lợi thế của địa phương có nhiều dự án đầu tư nước ngoài; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều thách thức trong quá trình công nghiệp hóa. Quản lý môi trường, xả thải, thu gom xử lý chất thải rắn chưa đáp ứng được yêu cầu nhất là ở các làng nghề; vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập; nhà ở xã hội cho người lao động còn khó khăn.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh cần phát huy kết quả đạt được và kinh nghiệm phát triển trong thời gian qua, không chủ quan tự thỏa mãn với những thành tựu mà cần nỗ lực phấn đấu, vươn lên tầm cao mới, không ngừng đổi mới, tìm ra những giải pháp đột phá về thể chế, về môi trường kinh doanh, phấn đấu không những là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước mà phải trở thành biểu tượng của sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử công nghệ cao và nền kinh tế sáng tạo khu vực ASEAN và Châu Á. Xây dựng Bắc Ninh thành trung tâm sản xuất điện tử của Châu Á, một trong những công xưởng sản xuất công nghiệp điện tử công nghệ cao hàng đầu khu vực và thế giới.
2. Đổi mới công tác quy hoạch, xây dựng Bắc Ninh trở thành đô thị hiện đại, thông minh, theo chuẩn mực của khu vực và thế giới; hình mẫu độc đáo về tư duy phát triển thịnh vượng dựa trên kinh tế tri thức, các mô hình sáng tạo, đột phá trong lĩnh vực công nghiệp điện tử công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong phát triển các dịch vụ trên nền tảng chiều sâu văn hóa. Cùng với đó là làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường trong các khu công nghiệp, làng nghề, đô thị, vùng nông thôn để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
3. Chỉ đạo quyết liệt thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, các Nghị quyết số 19, 35, 60 của Chính phủ và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành vượt mức mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017. Cùng với Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh phải là một động lực phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
4. Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng Chính quyền điện tử, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; xử lý tốt thông tin phản hồi của doanh nghiệp, người dân; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; phòng chống tham nhũng, lãng phí.
5. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường an toàn để doanh nghiệp và người dân đầu tư, sản xuất kinh doanh.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về chủ trương lập Đề án xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương: Tỉnh xây dựng Đề án, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
2. Về hỗ trợ vốn đầu tư các dự án:
- Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, Nút giao Tây Nam, nâng cấp tuyến đê tả Đuống: Đồng ý hỗ trợ một phần từ ngân sách Trung ương; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn hỗ trợ cho Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2017. Đối với số vốn còn thiếu, Tỉnh bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
- Cải tạo, nâng cấp sông Ngũ Huyện Khê: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh dự án.
3. Về cải tạo, nâng cấp trạm bơm Châu Cầu, trạm bơm Tân Chi 1: Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên và bố trí vốn trong kế hoạch được giao để thực hiện; đồng thời phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất hình thức đầu tư phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về việc tăng hạn mức huy động thêm 2.054,4 tỷ đồng trong các năm 2017 và 2018: Bắc Ninh là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng là cần thiết; Bộ Tài chính xem xét tăng hạn mức huy động vay của Tỉnh cho phù hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.
5. Về sử dụng vốn ODA của Quỹ Cô Oét để thực hiện dự án trạm bơm Ngọ Xá, Thuận Thành: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 3 năm 2017.
Về vốn đầu tư dự án thoát nước và xử lý nước thải Bắc Ninh giai đoạn II; dự án trang thiết bị y tế Bệnh viện Sản - Nhi: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế hỗ trợ Tỉnh vận động vốn vay ODA của các Nhà tài trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về việc ban hành chính sách cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đồng ý, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Về việc xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách chuyển đổi, tập trung ruộng đất để các doanh nghiệp và người dân chuyển đổi cơ cấu ngành, nghề trong sản xuất nông nghiệp: Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ.
8. Về tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và ký kết các hợp tác đa phương, song phương với các nước trong khu vực và trên thế giới về tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức, thực hiện.
9. Về thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở trong và ngoài nước để các tổ chức, cá nhân có kế hoạch sản xuất sát với nhu cầu thị trường: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan liên quan chủ động, kịp thời thông tin cho các tổ chức, cá nhân về tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
10. Về việc xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các tỉnh có nhiều Khu công nghiệp để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các địa phương xung quanh khu công nghiệp: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế chung cho các địa phương có nhiều khu công nghiệp, trong đó có tỉnh Bắc Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.