Thông báo 113/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 113/TB-VPCP
Ngày ban hành 15/04/2022
Ngày có hiệu lực 15/04/2022
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÊ VĂN THÀNH TẠI CUỘC HỌP VỀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ TẠI CÁC TỈNH MIỀN TRUNG

Ngày 01 tháng 4 năm 2022, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Công an, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Văn phòng Chính phủ. Dự tại các điểm cầu địa phương có lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai) và lãnh đạo các địa phương báo cáo về tình hình và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường trong những ngày qua tại khu vực miền Trung, nhận định về tình hình những ngày tới của Tổng cục Khí tượng thủy văn, ý kiến của đại diện các cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kết luận và chỉ đạo như sau:

I. Đánh giá chung:

1. Đây là đợt mưa lớn trái mùa, xảy ra trên diện rộng, kèm theo gió mạnh, dông, lốc, sóng lớn đã gây thiệt hại rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại các tỉnh miền Trung, nhất là tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên.

2. Công tác dự báo, cảnh báo, tham mưu, chỉ đạo đã được Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành có liên quan triển khai từ sớm, chủ động, kịp thời.

3. Các đồng chí lãnh đạo các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng mưa lũ đã chủ động, tích cực, trực tiếp chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, qua đó đã góp phần hạn chế thiệt hại; một số địa phương đã chủ động, kịp thời hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại do thiên tai.

II. Một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới:

Dự báo, những ngày tới thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, mưa lớn, gió mạnh có thể còn tiếp tục xảy ra tại các địa phương khu vực miền Trung. Đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các cơ quan, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến các ngành, các cấp và người dân để triển khai biện pháp ứng phó kịp thời hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế; nâng cao năng lực dự báo, ứng phó, ý thức của người dân, chủ động lực lượng ứng phó nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại do thiên tai.

2. Huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, nhất là sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất nông nghiệp, gia cố lồng bè, trục vớt tàu thuyền, xử lý môi trường sau lũ; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân; khắc phục nhanh công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu.

3. Rà soát các khu vực nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để kịp thời sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn.

4. Tổ chức kiểm tra, ứng trực, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa; tính toán, điều tiết vận hành linh hoạt, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình và hạ du đồng thời phát huy hiệu quả sử dụng tài nguyên nước. Cần phối hợp chặt chẽ trong vận hành liên hồ chứa đảm bảo khoa học, phù hợp với thực tiễn, thông suốt.

5. Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ người dân bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ, đảm bảo kịp thời, chính xác. Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành để xử lý theo quy định.

6. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị Hội nghị Phòng, chống thiên tai toàn quốc năm 2022 trước mùa mưa lũ.

7. Giao đồng chí Phó Trưởng ban - lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai trực tiếp kiểm tra, phối hợp với các địa phương chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiệt hại mưa lũ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: NN&PTNT, KHĐT, TC, QP, CA,
TNMT, GTVT, XD, CT, YT, GDĐT, LĐTBXH;
- Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT;
- Ủy ban QG ứng phó sự cố thiên tai và TKCN;
- Tỉnh ủy, UBND các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP,
các Vụ: KTTH, CN, NN, NC, QHĐP;
- Lưu: VT, NN (2).Khánh

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục