Thông báo 104/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 104/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 26/04/2010 |
Ngày có hiệu lực | 26/04/2010 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Văn Trọng Lý |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 104/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2010 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH TUYÊN QUANG
Trong hai ngày 03 và 04 tháng 4 năm 2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang. Cùng đi với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp của năm 2010; ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các cơ quan, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng có ý kiến kết luận như sau:
Trong những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và thiên tai, dịch bệnh, song kinh tế xã hội của tỉnh vẫn giữ được ổn định và có bước phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (năm 2009 tăng 14,3%; bình quân giai đoạn 2004 - 2008 tăng 13,8%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; sản xuất công nghiệp có bước phát triển khá (giai đoạn 2004 - 2009, tăng trưởng bình quân trên 17%); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (từ 35,64% năm 2005 xuống còn 15,58% năm 2009); công tác cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển còn thấp, thu hút đầu tư từ bên ngoài còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cho phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; chất lượng giảm nghèo chưa bền vững và nguy cơ tái nghèo còn cao. Năng lực cán bộ cơ sở một số nơi còn hạn chế chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Năm 2010, là năm còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cần phấn đấu quyết liệt hơn nữa, vượt qua khó khăn thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Tỉnh, nhất là về tài nguyên rừng, khoáng sản, thủy điện. Bên cạnh đó Tỉnh cần tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư xây dựng, chống thất thoát, lãng phí; đồng thời tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 37/NQ-TW của Bộ Chính trị trên địa bàn Tỉnh.
Để phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch năm 2010, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, Tỉnh cần tập trung chỉ đạo đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp, trong đó lưu ý làm tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 25 tháng 8 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ.
2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển công nghiệp, chăm lo chỉ đạo đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp đạt hiệu quả, nhất là những nhà máy, cơ sở có vai trò chủ đạo của Tỉnh. Chú trọng phát triển nông lâm nghiệp, nhất là trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc và nuôi trồng thủy sản. Mạnh dạn đưa giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương. Tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng lập quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy.
3. Tâp trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng lực lượng lao động trẻ, cán bộ nguồn, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, chuẩn bị tốt cho giai đoạn phát triển mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
4. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tội phạm, ma túy, phòng chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn; triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, định canh, định cư và quản lý nhà nước về tôn giáo.
5. Tập trung chỉ đạo và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; chú trọng làm tốt công tác nhân sự; phát hiện, lựa chọn cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
6. Tỉnh Tuyên Quang mới được Bộ Chính trị quyết định bổ sung vào danh sách các tỉnh thuộc phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, do đó Tỉnh cần chủ động phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Quy định số 89-QĐ/TW ngày 03 tháng 10 năm 2007 của Bộ Chính trị.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về việc thành lập thành phố Tuyên Quang trực thuộc tỉnh Tuyên Quang: Tỉnh làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng trên cơ sở các tiêu chí đã quy định để xây dựng đề án và dự kiến thời điểm thị xã trở thành thành phố.
2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan có liên quan phối hợp với tỉnh Tuyên Quang khẩn trương triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 262/TB-VPCP ngày 25 tháng 8 năm 2009. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Về thực hiện thí điểm mô hình cai nghiện ma túy theo quy trình 3 giai đoạn; hỗ trợ kinh phí xây dựng, trang bị cơ sở vật chất trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh và thành lập, hỗ trợ kinh phí cho các trung tâm cai nghiện cấp huyện: giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về việc xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang nối với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai: Tỉnh làm việc với Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý.
5. Về giải quyết khiếu nại tố cáo công dân: căn cứ vào chức năng, thẩm quyền, Tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan giải quyết dứt điểm những đơn thư kéo dài, không để tồn đọng. Đối với những trường hợp cố tình trây ỳ phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
6. Giao Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, hỗ trợ và tạo điều kiện để đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu trong và ngoài tỉnh phục vụ sản xuất của Nhà máy giấy, các cơ sở công nghiệp chế biến khác, trong đó chú trọng việc liên kết phát triển kinh tế Vùng và nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân trồng cây nguyên liệu theo tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |