UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
75/2004/QĐ-UB
|
Tuyên Quang,
ngày 08 tháng 11 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ
CÔNG TRÌNH NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5
năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10 Pháp
lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28
tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp
lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27
tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò khai thác sử dụng
tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 934/TTr-NN ngày 03 tháng 6 năm 2004,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chế độ quản lý,
khai thác và bảo vệ công trình nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên
Quang”
Điều 2. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh, Chủ
tịch UBND các huyện, thị xã hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng
các cơ quan, ban ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND
các xã, phường, thị trấn, Chủ nhiệm các HTX nông lâm nghiệp và các tổ chức, đơn
vị cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày
ký./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Chẩu Văn Lâm
|
QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH NƯỚC SINH HOẠT
NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 75/2004/QĐ-UB ngày 08/11/2004 của UBND tỉnh
Tuyên Quang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh,
đối tượng áp dụng:
Quy định này quy định nội dung về chế độ quản
lý, khai thác và bảo vệ đối với những công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ cho
các tổ chức, cộng đồng dân cư ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Điều 2. Nguyên tắc áp dụng:
Các tổ chức, cá nhân khi tham gia quản lý, khai
thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn trong tỉnh phải thực
hiện nghiêm chỉnh Quy định này và các quy định của Luật Tài nguyên nước số
08/1998/QH10 ngày 20 tháng 5 năm 1998; Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình
thuỷ lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04 tháng 4 năm 2001; các văn bản pháp luật
hiện hành của Nhà nước có liên quan.
Điều 3. Nghiêm cấm các
hành vi sau đây:
1. Sử dụng đất trái phép, lấn chiếm, khoan, đào,
san lấp trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt; nghiêm cấm
các hành vi gây cản trở đến việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước
sinh hoạt.
2. Sử dụng chất nổ, thải dầu mỡ, các chất độc hại,
các chất thải, xác động vật... vào nguồn nước và khu vực công trình cấp nước
sinh hoạt gây ảnh hưởng đến công trình cấp nước sinh hoạt và ô nhiễm môi trường
nước.
3. Các hành vi khác gây mất an toàn cho công
trình cấp nước sinh hoạt.
Điều 4. Tổ chức quản lý công
trình cấp nước sinh hoạt:
1. Việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình
cấp nước sinh hoạt ở nông thôn được xây dựng từ mọi nguồn vốn đều phải tuân
theo quy hoạch, kế hoạch, thiết kế kỹ thuật, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ
thuật được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Mỗi công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn
phải có Ban quản lý công trình để tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công
trình theo các qui định hiện hành của Nhà nước.
Chương II
QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO
VỆ CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT
Điều 5. Thành lập Ban quản
lý công trình cấp nước sinh hoạt:
1. Khi có chủ trương đầu tư xây dựng công trình
cấp nước sinh hoạt nông thôn thì Uỷ ban nhân dân xã chủ trì (nếu công trình phục
vụ trong phạm vi xã) hoặc Uỷ ban nhân dân huyện chủ trì (nếu công trình phục vụ
liên xã, các đơn vị trường, trạm, trại...) họp tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng
nước của công trình để cam kết cùng tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng công
trình; thành lập Ban quản lý công trình để phối hợp với đơn vị thiết kế lựa chọn
phương án thiết kế, theo dõi giám sát thi công xây dựng công trình và tiếp nhận
bàn giao công trình; thực hiện việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình
theo quy định của pháp luật và Quy định này.
2. Những công trình phục vụ cho các hộ hưởng lợi
thuộc một Hợp tác xã nông lâm nghiệp thì Uỷ ban nhân dân xã giao cho Ban quản lý
Hợp tác xã nông lâm nghiệp tổ chức quản lý trên cơ sở thành lập Ban quản lý
công trình để quản lý, khai thác và bảo vệ công trình.
3. Những công trình phục vụ liên Hợp tác xã
(trong một xã) thì Uỷ ban nhân dân xã thành lập Ban quản lý công trình để tổ chức
quản lý khai thác và bảo vệ công trình.
4. Những công trình phục vụ liên xã, đơn vị trường,
trạm, trại... thì Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thành lập Ban quản lý công
trình để tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình.
Điều 6. Cơ cấu tổ chức Ban quản
lý công trình:
1. Tuỳ theo quy mô và tính chất của từng công
trình để xác định cơ cấu tổ chức và biên chế Ban quản lý công trình sát với thực
tế, phù hợp với yêu cầu quản lý khai thác, bảo vệ công trình:
1.1- Đối với công trình cấp nước cho một thôn, bản:
Số lượng Ban quản lý có 3 thành viên.
1.2- Đối với công trình cấp nước liên thôn, liên
Hợp tác xã, liên xã, trường, trạm, trại: Số lượng Ban quản lý từ 3 - 5 thành
viên.
2. Ban quản lý công trình cấp nước sinh hoạt gồm:
1 Trưởng ban chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động của ban, 01 kế toán theo dõi
thu, chi tài chính, 01 đến 03 uỷ viên để kiểm tra, giám sát và vận hành hệ thống
công trình.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn
của Ban quản lý công trình nước sinh hoạt nông thôn:
1. Ký kết hợp đồng sử dụng nước sinh hoạt với
các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hoặc làm dịch vụ từ công
trình cấp nước sinh hoạt; điều hòa phân phối nước sinh hoạt cho các tổ chức cá
nhân có hợp đồng sử dụng nước sinh hoạt bảo đảm công bằng hợp lý. Thu và sử dụng
lệ phí nước sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
2. Kiểm tra, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời
các sự cố; duy tu, bảo dưỡng, vận hành đảm bảo an toàn công trình.
3. Theo dõi, thu thập các số liệu về quản lý,
khai thác và bảo vệ công trình, nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học,
công nghệ khai thác và bảo vệ công trình, lưu trữ hồ sơ công trình, cung cấp
thông tin để kiểm kê đánh giá tài nguyên nước khi có nhu cầu.
4. Bảo vệ chất lượng nước, phòng, chống suy
thoái, cạn kiện nguồn nước và các tác hại khác gây tổn hại, xâm hại đến công
trình.
5. Là chủ đầu tư trong việc tu sửa, duy tu công
trình, đảm bảo công trình an toàn và phát huy hiệu quả.
6. Xây dựng các kế hoạch: Khai thác và bảo vệ
công trình, tu sửa, nâng cấp công trình, thu chi tài chính; xây dựng quy chế hoạt
động của Ban quản lý công trình trên cơ sở chức năng nhiệm vụ đảm bảo phù hợp với
tình hình thực tế ở địa bàn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý (thông qua hội
nghị toàn thể các hộ hưởng lợi tham gia); trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để
tổ chức thực hiện.
Điều 8. Trách nhiệm quản lý:
1. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã được Uỷ ban
nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ:
1.1- Quản lý nhà nước về công tác nước sạch và vệ
sinh môi trường nông thôn trên địa bàn bao gồm công tác: Quy hoạch, kế hoạch
xây dựng và quản lý công trình nước sinh hoạt; duyệt kế hoạch thu, chi tiền nước;
giá thu tiền nước; mức thù lao cho các thành viên trong Ban quản lý; các chi
phí khác có liên quan tới công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình.
1.2- Duyệt quyết toán thu chi hàng năm của Ban
quản lý công trình.
1.3. Xử phạt hành chính các vi phạm xâm hại tới
công trình thuộc địa bàn quản lý.
2. Uỷ ban nhân dân xã có trách nhiệm quản lý nhà
nước về công tác nước sạch trên địa bàn xã; tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện,
thị xã theo các nhiệm vụ nêu ở khoản 1 Điều 8.
Điều 9. Thu chi tài chính:
1. Ban quản lý công trình nước sinh hoạt nông
thôn là một tổ chức dịch vụ về nước sinh hoạt ở nông thôn, hoạt động theo
phương thức lấy thu bù chi và tự chủ về tài chính.
2. Tiền nước sinh hoạt được sử dụng: Chi thù lao
cho các thành viên trong Ban quản lý, chi phí hành chính của Ban quản lý, chi
cho tu sửa, nâng cấp, bảo dưỡng công trình, trả tiền điện năng (nếu có), chi dự
phòng rủi ro của công trình.
3. Hàng năm Ban quản lý công trình nước sinh hoạt
nông thôn phải báo cáo quyết toán công khai trước hội nghị các hộ hưởng lợi và
trình Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã phê duyệt quyết toán theo quy định hiện
hành.
Điều 10. Định mức sử dụng
nước sinh hoạt và mức thu tiền nước sinh hoạt:
1. Định mức sử dụng nước sinh hoạt quy định bình
quân 4m3/người/tháng.
2. Khung mức thu tiền nước sinh hoạt nông thôn:
2.1- Công trình nước sinh hoạt chưa lắp đồng hồ
đo nước (cấp bằng trụ vòi, bể chứa...): Tiền sử dụng nước thu từ 1.500đ/người/tháng
đến 3.000/người/tháng. Tùy theo quy mô công trình và khả năng chủ động cấp nước
để xây dựng mức thu cụ thể.
2.2- Công trình nước sinh hoạt đã lắp đồng hồ đo
nước cho các hộ sử dụng nước thì mức thu: Từ 800đ/m3 đến 1.500đ/m3. Nếu sử dụng
vượt định mức quy định tại khoản 1 Điều 9 thì thu tăng thêm 20% so với mức thu
quy định cho số lượng nước sử dụng vượt.
3. Tiền sử dụng nước sinh hoạt của công trình phải
thu dứt điểm từng tháng.
4. Tỷ lệ chi phí nguồn thu từ tiền sử dụng nước:
4.1- 50% chi thù lao các thành viên trong Ban quản
lý và chi hành chính của Ban quản lý.
4.2- 40% chi công tác bảo dưỡng, sửa chữa, nâng
cấp công trình, đào tạo công nhân.
4.3- 10% chi cho dự phòng.
4.4- Nguồn tài chính thu được sau khi đã trừ các
khoản chi phí hợp lý theo kế hoạch được duyệt, được gửi tại Ngân hàng để bổ
sung vào quỹ dự phòng. Khi có nhu cầu sử dụng quỹ dự phòng phục vụ cho công tác
quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thì Ban quản lý công trình lập kế hoạch
chi (Có xác nhận của UBND xã, thủ trưởng đơn vị: Trường, Trạm, Trại...) trình
UBND huyện, thị xã phê duyệt để thực hiện.
Điều 11. Đầu tư tu sửa, cải
tạo, nâng cấp công trình:
1. Ban quản lý công trình nước sinh hoạt được sử
dụng kinh phí thu từ tiền sử dụng nước hàng năm, tiền hỗ trợ từ các tổ chức,
đơn vị tài trợ (nếu có) ... để tu sửa, nâng cấp công trình, đảm bảo cho công
trình ngày càng bền vững và phát huy hiệu quả.
2. Công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn do
Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư xây dựng, được Nhà nước xem xét cấp kinh phí hỗ
trợ trong các trường hợp: Cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô hoặc khôi phục công
trình bị thiên tai phá hoại, theo dự án đầu tư xây dựng được cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền phê duyệt.
3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn
để xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Tổ chức, cá nhân sử
dụng nước sinh hoạt nông thôn có quyền và nghĩa vụ sau:
1. Tham gia lựa chọn, đề xuất các thành viên của
Ban quản lý công trình.
2. Tham gia xây dựng nội quy và quy chế hoạt động
của Ban quản lý, mức thu tiền sử dụng nước; mức chi cho các công việc có liên
quan tới quản lý, khai thác và bảo vệ công trình.
3. Tham gia xây dựng kế hoạch khai thác, tu sửa,
nâng cấp, hoàn chỉnh, mở rộng đầu tư xây dựng và phát triển mới công trình nước
sạch và phương án bảo vệ công trình.
4. Trả đúng, đủ tiền nước sinh hoạt đã sử dụng
theo hợp đồng đã ký.
5. Sử dụng nước sinh hoạt hợp lý, tiết kiệm, bảo
vệ môi trường nước, tham gia bảo vệ công trình và thực hiện tốt các quyền và
nghĩa vụ trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình theo quy định của
pháp luật.
6. Không gian lận trong việc sử dụng nước, không
được thải nước bẩn gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Điều 13. Phạm vi bảo vệ
công trình:
1. Ban quản lý công trình có trách nhiệm xác định
và cắm mốc chỉ giới phạm vi hành lang bảo vệ công trình, có các biển báo về nội
quy bảo vệ công trình niêm yết tại khu vực công trình.
2. Tuỳ theo quy mô, mức độ quan trọng của từng hạng
mục công trình, phạm vi hành lang bảo vệ được xác định như sau:
2.1- Đối với công trình đầu nguồn (đập dâng, cửa
lấy nước...): Hành lang bảo vệ được xác định tối thiểu là 20m tính từ các điểm
cuối cùng của kết cấu xây dựng đập trở ra các phía.
2.2- Đối với Trạm bơm: Hành lang bảo vệ được
tính từ hàng rào bảo vệ khu vực công trình.
2.3- Đối với đường ống dẫn nước, bể chứa nước, hố
ga, hố van v.v...: Hành lang bảo vệ tính từ các điểm ngoài phần xây lát trở ra
là 3m để đảm bảo cho tu sửa, phát dọn, nâng cấp công trình.
Điều 14. Trách nhiệm quản
lý của UBND huyện, thị xã:
1. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã xây dựng, quy
hoạch kế hoạch xây dựng và quản lý công trình nước sinh hoạt; duyệt kế hoạch
thu, chi tiền nước; mức thù lao cho các thành viên trong Ban quản lý; các chi
phí khác có liên quan tới công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình.
2. Duyệt quyết toán thu chi hàng năm của Ban quản
lý công trình.
3. Xử lý các hành vi vi phạm xâm hại tới công
trình thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Xử lý vi phạm về
quản lý, khai thác và bảo vệ công trình nước sinh hoạt:
Các tổ chức, cá nhân vi phạm về chế độ quản lý,
khai thác và bảo vệ công trình nước sinh hoạt quy định tại Quy định này và pháp
luật hiện hành thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính
hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo
quy định của pháp luật,
Điều 16. Giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ
trì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh, Chủ tịch UBND các
huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan ban ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm
tra và tổ chức thực hiện Quy định này./.